|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam đặt mua vắc xin COVID-19 của Nga, Anh, Mỹ

06:58 | 22/09/2020
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã đặt mua vắc xin COVID-19 từ ba nước, cùng với đó tình hình nghiên cứu vắc xin trong nước đang có "triển vọng rất tích cực".

Theo Tiền Phong, ngày 21/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Bộ đã đặt mua vắc xin COVID-19 của ba nước là Nga, Anh và Mỹ, hiện chưa rõ số lượng liều vắc xin Việt Nam đăng kí mua từ nước ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam không ngừng đẩy mạnh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tính đến 21/9, thế giới hiện có 9 loại vắc xin đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng; 3 vắc xin ở giai đoạn II và 10 vắc xin trong giai đoạn thử nghiệm I kết hợp với II.

Vắc xin của Anh có tên ChAdOx1 nCoV-19, được phát triển bởi Tập đoàn Dược phẩm AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford.

Hãng dược AstraZeneca cho biết đã tăng gấp đôi công suất sản xuất vắc xin lên 2 tỉ liều trong hai thương vụ liên quan đến tỉ phú Bill Gates nhằm đảm bảo cung cấp sớm cho các quốc gia thu nhập thấp, theo Reuters. Trước đó, Mỹ đã thoả thuận mua 300 triệu liều vắc xin này với giá 1,2 tỉ USD.

Hiện vắc xin ChAdOx1 nCoV-19 đang được thử nghiệm giai đoạn cuối tại Anh, Brazil, Nam Phi, Mỹ. Kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin chưa gây phản ứng nghiêm trọng và cho phản ứng miễn dịch rất khả quan. Ngoài ra, các thử nghiệm bổ sung cũng được lên kế hoạch ở Nhật Bản và Nga.

Sputnik V, vắc xin của Nga do Viện nghiên cứu Gamaleya, thuộc Bộ Y tế Nga phát triển. Đây là loại vắc xin đã được Bộ Y tế Nga cấp phép hồi tháng 8 dù chưa hoàn thành quá trình thử nghiệm, theo Reuters. Một trong hai con gái của Tổng thống Vladimir Putin đã được tiêm ngừa vắc xin này và cảm thấy khỏe mạnh.

Theo AFP, kết quả thử nghiệm giai đoạn I và II của Sputnik V trên 76 tình nguyện viên tham gia đều có đáp ứng miễn dịch dịch thể và tế bào ổn định. Hiện vắc xin này đang được thử nghiệm giai đoạn cuối.

Vắc xin của Mỹ có tên BNT162b2 được phát triển bởi Tập đoàn dược BioNtech (Đức) kết hợp với Công ty Fosun Pharma (Trung Quốc) và Hãng dược Mỹ Pfizer.

Theo CNN, nhà sản xuất cho biết sẽ cung cấp 100 triệu liều vắc xin này vào cuối năm nay, dự kiến lên tới 1,3 tỉ liều vào năm 2021. BioNTech và Pfizer là hai trong số 9 công ty dược phẩm sinh học cam kết sẽ không xin chấp thuận sớm của chính phủ đối với vắc xin COVID-19 khi chưa có đủ dữ liệu chứng minh về độ an toàn và hiệu quả. Hiện BNT162b2 đang được thử nghiệm giai đoạn cuối. 

Bốn đơn vị nghiên cứu vắc xin trong nước đang có "triển vọng rất tích cực"

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết đến nay, Việt Nam có 4 đơn vị đang nghiên cứu vắc xin COVID-19 đó là Vabiotech, Polyvac, Ivac, Nanogen. Các đơn vị này được Thứ trưởng đánh giá là đang có "triển vọng rất tích cực" và dự kiến cuối năm 2021 ra mắt sản phẩm.

Theo Sức khoẻ và Đời sống, Bộ Y tế thông tin về tình hình sản xuất vắc xin trong nước, cập nhật đến ngày 14/8, công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 của Bộ Y tế (Vabiotech) đang phối hợp với Trường Đại học Briston của Anh để nghiên cứu sản xuất vắc xin theo công nghệ vector virus. Đây là công nghệ tiên tiến đã được nhiều hãng sản xuất vắc xin lớn trên thế giới áp dụng trong phát triển vắc xin COVID-19.

Viện Vắc xin và sinh phẩm Y tế Nha Trang của Bộ Y tế (IVAC) đang phối hợp với tổ chức PATH của Mỹ để sản xuất vắc xin trên cơ sở qui trình sản xuất vắc xin cúm mùa và cúm đại dịch theo chương trình hợp tác quốc tế với các đối tác của Thái Lan, Ấn Độ, Brazil và Serbia. IVAC là một trong 14 nhà sản xuất vắc xin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lựa chọn để hợp tác sản xuất vắc xin cúm đại dịch.

Các đơn vị khác như Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế POLYVAC và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN cũng đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vắc xin COVID-19, bước đầu cho thấy kết quả khả quan, cố gắng cuối năm 2020 thử nghiệm lâm sàng.

Theo Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều 21/9, đã 19 ngày liên tiếp nước ta không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 mới nào trong cộng đồng. Tổng số ca nhiễm vẫn là 1.068 trường hợp.

Các địa phương có ca nhiễm COVID-19 đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Đặc biệt, thành phố Hồ Chí Minh đã 52 ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tại cộng đồng, Hà Nội là 33 ngày, Hải Dương là 22 ngày.

Báo cáo của Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị có trường hợp bệnh nhân 793 đang điều trị ở BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 hiện là ca duy nhất có tình trạng nặng, tiến triển sức khoẻ ổn định. Hiện bệnh nhân đang thở oxy, đã chuyển âm tính ít nhất 1 lần với SARS-CoV-2.

Như Ngọc

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.