|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam chi hơn 2 tỷ USD cho nhập khẩu gỗ trong năm 2022

20:30 | 26/03/2023
Chia sẻ
Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 6,3 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ quy tròn, tương đương hơn 2 tỷ USD, trong đó nguồn cung đến từ các thị trường rủi ro chiếm 40%, chủ yếu từ các nước châu Phi, Lào và Papua New Guinea.

Lượng gỗ nhập khẩu rủi ro chiếm 40%

Báo cáo nghiên cứu ngành gỗ mới đây của các hiệp hội gỗ, lâm sản Việt Nam và tổ chức Forest Trends cho biết năm 2022 Việt Nam nhập khẩu 6,3 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ quy tròn, tương đương hơn 2 tỷ USD.

(Nguồn: Nhóm nghiên cứu của các HH gỗ và Forest Trends)

Chuỗi cung ứng gỗ nguyên liệu cho Việt Nam đa dạng từ 96 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 41 thị trường tích cực và 55 thị trường rủi ro.

Cùng năm 2022, nhóm các thị trường tích cực cung cấp cho Việt Nam 1,2 triệu m3 gỗ tròn (338 triệu USD) và 1,8 triệu m3 gỗ xẻ (815 triệu USD). Các thị trường rủi ro cung cấp 1,3 triệu m3 gỗ tròn (410 triệu USD) và 869.000 m3 gỗ xẻ (371 triệu USD). Đối với nguồn cung từ các thị trường tích cực, Mỹ, Bỉ và Pháp là các quốc Trong khi đó, gia cung nhiều gỗ tròn nhất cho Việt Nam.

Nguồn gỗ nhập khẩu từ các thị trường rủi ro chiếm 40% tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam, chủ yếu từ các nước châu Phi, Lào và Papua New Guinea.

(Nguồn: Nhóm nghiên cứu của các HH gỗ và Forest Trends) 

Lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các thị trường tích cực bị giảm mạnh trong nửa cuối năm 2022. Nguyên nhân chính là do các biến động vĩ mô tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Mỹ và EU như chiến tranh, lạm phát từ đó làm giảm sức mua tại các thị trường này, từ đó làm co hẹp khâu sản xuất tại Việt Nam.

Trong khi đó, lượng gỗ nguyên liệu nhập từ các thị trường rủi ro ổn định hơn, bởi luồng cung này chủ yếu phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước với mức độ tác động từ các yếu tố kinh tế vĩ mô ít hơn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng nhập khẩu gỗ nguyên liệu trong năm 2023 sẽ không có nhiều biến động so với 2022. Nguồn cung nhập khẩu từ các thị trường tích cực vẫn có thể sẽ tiếp tục ảm đạm, đặc biệt là nguồn cung gỗ xẻ, chủ yếu do cầu tiêu thụ đồ gỗ từ các thị trường chủ lực như Mỹ, EU chưa tăng trở lại. Còn cung gỗ rủi ro phục vụ tiêu dùng trong nước vẫn ổn định.

Đề xuất chỉ cho doanh nghiệp uy tín, quy mô vừa và lớn tham gia nhập khẩu gỗ

Trong bối cảnh thị trường đầu ra của các sản phẩm xuất khẩu trầm lắng, các nhà nghiên cứu cho rằng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành gỗ cần tăng cường các hoạt động hợp tác trao đổi với các thị trường nhập khẩu đồ gỗ Việt Nam.

Điều này giúp duy trì và thúc đẩy mở rộng thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm được làm từ nguồn gỗ ít rủi ro, từ đó kích thích sản xuất trong nước.

Ngoài ra, Chính phủ cần có cam kết loại bỏ toàn bộ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung, bao gồm chuỗi cung xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Thực tế, Chính phủ đang xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro nhập khẩu. Tuy nhiên, quy mô nguồncung gỗ rủi ro nhập khẩu hiện vẫn còn lớn, cả về lượng nhập, quốc gia cung cấp, chủng loại gỗ và số doanh nghiệp tham gia nhập khẩu cho thấy tính phức tạp trong việc kiểm soát nguồn cung này.

Để kiểm soát lượng gỗ nhập khẩu rủi ro, các nhà nghiên cứu đề xuất Chính phủ cân nhắc cơ chế kiểm soát doanh nghiệp nhập khẩu theo đầu mối, chỉ cho phép một số doanh nghiệp uy tín, quy mô vừa và lớn tham gia vào khâu nhập khẩu.

Đồng thời, Chính phủ có thể yêu cầu các cơ quan chức năng tại các quốc gia cung gỗ cho Việt Nam cung cấp thông tin về các nguồn cung gỗ (doanh nghiệp xuất khẩu) tin cậy.

Quản lý khâu nhập khẩu theo các doanh nghiệp đầu mối cần có sự tham gia của bên thứ ba để tránh rủi ro độc quyền. Hợp tác song phương giữa cơ quan quản lý Việt Nam và của nước xuất khẩu là nền tảng để hình thành cơ chế này.

Nghiên cứu khẳng định việc giảm sử dụng gỗ rủi ro nhập khẩu không chỉ giúp nâng cao vị thế và hình ảnh của cả ngành gỗ Việt, mà còn tạo nền tảng cho việc mở rộng luồng cung nhập khẩu từ các thị trường tích cực, đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, góp phần mở rộng các diện tích rừng tại Việt Nam.

Hoàng Anh