Viện kiểm sát nhắc ông Đinh La Thăng ‘trả lời đúng trọng tâm’
Sáng 20-3, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử với bị cáo Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN và các đồng phạm trong vụ cố ý làm trái trong góp vốn vào OceanBank, gây thiệt hại chow PVN 800 tỉ đồng.
Nghị quyết HĐQT có thứ cần ý kiến bộ ngành, có cái không
Trong phần xét hỏi ông Đinh La Thăng, đại diện Viện KSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đã yêu cầu bị cáo xác định rõ trách nhiệm của mình đối với việc góp vốn, trách nhiệm thu hồi vốn của PVN khi thực sự OceanBank thua lỗ…
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa.
Tuy nhiên, ông Thăng nói rằng mình đã làm đúng mọi chủ trương, quy định của Chính phủ liên quan đến đầu tư ngoài ngành. Giải thích về việc nghị quyết góp vốn có trước khi có sự đồng ý của Thủ tướng, ông Thăng khẳng định nghị quyết ấy cũng "không có giá trị nếu không có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ".
Trước câu hỏi việc đầu tư ra ngoài như vậy thì bị cáo có trách nhiệm thế nào về việc phát triển và bảo toàn vốn, ông Thăng trả lời người đứng đầu phải chịu trách nhiệm bảo toàn vốn cho công ty nhà nước.
Về câu hỏi, việc thu hồi 800 tỉ đã thu hồi được chưa thì ông Thăng nói đến tháng 8-2011 bị cáo đã chuyển công tác.
VKS tiếp tục nêu công văn thông báo ý kiến của Chính phủ có nêu rõ PVN thực hiện việc góp vốn theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Công văn này có ghi đề nghị đề nghị tập đoàn Dầu khí VN báo cáo về tình hình tài chính của OceanBank, bị cáo hiểu đây là khuyến cáo hay đề nghị thực hiện. Ông Thăng cho rằng đây là khuyến cáo.
VKS cho rằng, trách nhiệm của HĐQT là phải báo cáo, ông Thăng cho rằng Chính phủ và Bộ Tài chính không yêu cầu nên không báo cáo.
VKS hỏi ông Thăng có biết kết luận thanh tra của cơ quan giám sát ngân hàng nhà nước không thì ông Thăng nói do bị cáo chuyển công tác rồi nên không nắm.
Nói OceanBank có lãi là không có căn cứ!
Sau nhiều câu trả lời không đúng trọng tâm của ông Thăng bị VKS nhắc nhở thì VKS nói thêm: "Hôm qua (19-3) bị cáo khai rằng việc đầu tư vào OceanBank có hiệu quả, có lãi. Nhưng bị cáo cho rằng không biết kết luận thanh tra 427 vì đã chuyển công tác, VKS thông báo kết luận thanh tra số 427 cho thấy thì thực trạng OceanBank thì yếu kém, vốn giảm, kết quả thanh tra là kinh doanh lỗ lũy kế.
Theo báo cáo tài chính đến 2011 có lãi nhưng kết quả thanh tra là âm. Như vậy việc thông báo rằng OceanBank có lãi là không có căn cứ".
Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng phản bác ý kiến trên của VKS. Ông cho rằng năm 2010 khi tập đoàn đầu tư thì OceanBank đang hoạt động hiệu quả, các cơ quan kiểm tra giám sát bằng số liệu cụ thể chứ không cảm tính.
VKS đề nghị ông Thăng dừng lại và cho rằng nhận thức của cá nhân, nhưng hành vi của bị cáo ký nghị quyết góp vốn thì chưa có sự đồng ý của Chính phủ. Khi ký nghị quyết góp vốn lần thứ 2 là chưa xin ý kiến của Chính phủ nên không cần phải hỏi thêm.
Ông Thăng xin được báo cáo lại, các quyết định đầu tư của tập đoàn đều có sự đồng ý của Chính phủ, việc đầu tư và được chia cổ tức là có thật. Bị cáo chuyển công tác năm 2011 và 3 năm sau vẫn có cổ tức, nên tập đoàn vẫn thực hiện đúng chủ trương.
Trong khi đó, trong phần trả lời hội đồng xét xử liên quan đến các công văn cảnh báo của mình đã được ban hành trước khi nghị quyết góp vốn được ban hành, ông Nguyễn Ngọc Sự - phó Tổng giám đốc PVN nói khi nhận được công văn yêu cầu của Chính phủ báo cáo về tình hình OceanBank thì ông có chuyển công văn yêu cầu OceanBank báo cáo tình hình tài chính nhưng OceanBank không trả lời.
"Sau đó nghị quyết góp vốn đã được HĐQT ban hành nên tôi không còn căn cứ nào để báo cáo tình hình tài chính của OceanBank" - ông Sự nói.
Nhiều thành viên HĐQT không đồng ý việc góp vốnĐầu giờ sáng 20-3, hội đồng xét xử đã hỏi một số cá nhân là thành viên hội đồng thành viên (trước đây là HĐQT) của PVN, họ là những người không đồng ý việc tham gia góp vốn vào OceanBank. Cụ thể, ông Hoàng Xuân Hùng cho biết, nhận được công văn báo cáo xin ý kiến về việc góp vốn thì không đồng ý và chuyển cho ban kiểm soát nội bộ nghiên cứu. "Lúc ấy tôi cảm thấy Chính phủ yêu cầu xem xét việc đầu tư ngoài ngành và kiềm chế lạm phát. Tập đoàn cần thận trọng khi đầu tư ngoài ngành" - ông Hùng nói. Về nghị quyết đầu tư có 4/7 thành viên HĐQT đồng ý thì ông Hùng cũng không đồng ý, ông đề nghị cần xem lại. |