Viễn cảnh u ám cho kinh tế toàn cầu nếu chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên?
Lực lượng vũ trang của Mỹ và Hàn Quốc triển khai quân đội chống lại Triều Tiên là phương án cuối cùng Washington và Seoul đưa ra trong việc ngăn chặn sự phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng nguy cơ về hành động quân sự đang gia tăng.
Trước đó, tổng thống Donald Trump đã phát biểu rằng “một cuộc xung đột rất lớn” với Triều Tiên có thể xảy ra và tất cả các phương án đã được lên kế hoạch. Trong khi đó, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gần đây nói với CNBC rằng cộng đồng quốc tế cần phải “có lập trường vững chắc dựa trên những nguyên tắc hành động để đưa ra quyết định” khi mà Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo với công nghệ tiên tiến.
Nếu hành động quân sự thực sự nổ ra ở bán đảo Triều Tiên, thì kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng vì sự tham gia của nước Mỹ trong cuộc chiến và quy mô của kinh tế Hàn Quốc trên thế giới.
Giá điện thoại thông minh sẽ tăng
Theo Capital Economics, Hàn Quốc là quốc gia sản xuất đồ điện tử lớn thứ tư trên thế giới trên cơ sở giá trị gia tăng, chiếm hơn 6% sản xuất toàn cầu. “Dù là một xung đột trong ngắn hạn cũng sẽ gây ra thiệt hại to lớn cho nền kinh tế Hàn Quốc”, báo cáo cho biết, và ngành sản xuất cũng sẽ không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Nhà lãnh đạo Tiều Tiên Kim Jong Un trong một cuộc thử tên lửa tầm xa Hwasong-12. (Nguồn: CNBC) |
Nếu sản xuất đồ điện bị thiệt hại trong quá trình xảy ra chiến tranh với Triều Tiên, các công ty sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp thay thế, vì kinh tế toàn cầu thiếu nguồn lực dự trữ để bù đắp cho sản lượng bị mất ở Hàn Quốc, báo cáo giải thích.
Điều này có nghĩa là nhiều công ty trên thế giới buộc phải ngừng sản xuất, khiến giá của nhiều sản phẩm điện trên toàn cầu tăng mạnh.
Tuy nhiên, sự gián đoạn không chỉ dừng ở đây, giá sản phẩm đắt hơn có thể ảnh hưởng tới các nền kinh tế phát triển.
“Chi tiêu của Mỹ cho các đồ dùng điện tử, bao gồm điện thoại thông minh, máy ảnh, máy tính bảng và máy tính chiếm 1% trong giỏ lạm phát giá tiêu dùng. Nếu cuộc chiến ở Triều Tiên làm giá tăng gấp đôi, thì nó sẽ thêm 1% vào lạm phát của Mỹ”, báo cáo cảnh báo.
Các quốc gia công nghiệp khác cũng chịu ảnh hưởng tương tự, sức mua thực tế của người tiêu dùng sẽ giảm và chi tiêu thấp hơn có thể khiến các ngân hàng trung ương phản ứng bằng cách nâng lãi suất.
Thương mại toàn cầu sẽ bị gián đoạn
Theo Capital Economics, “ảnh hưởng lớn nhất của chiến tranh đối với kinh tế toàn cầu có thể cảm nhận thông qua sự gián đoạn của dòng trao đổi thương mại toàn cầu”, vì sự hòa nhập sâu sắc của Hàn Quốc trong khu vực và các chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
9 trong tổng số 10 cảng container náo nhiệt nhất thế giới nằm ở châu Á, bao gồm cảng ở thành phố Busan (Hàn Quốc), vì vậy kể cả các quốc gia không liên quan đến cuộc xung đột cũng có thể bị ảnh hưởng, nếu việc vận chuyển hàng hóa trong khu vực trở nên quá nguy hiểm.
Công ty tư vấn cũng lưu ý nếu GDP của Hàn Quốc giảm 50% vì chiến tranh, thì GDP toàn cầu sẽ giảm 1%.
Nợ Mỹ có thể tăng
“Một cuộc chiến kéo dài trên bán đảo Triều Tiên có thể đẩy nợ liên bang của Mỹ tăng đáng kể. Vốn dĩ nợ liên bang của Mỹ hiện tại đã chiếm đến 75% GDP”, báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, vì ưu thế quân sự của Mỹ vượt trội hơn so với Bình Nhưỡng, Capital Economics tin rằng bất kỳ cuộc xung đột nào cũng chỉ xảy ra trong ngắn hạn, “vài tháng thay vì nhiều năm”.
Ngoài ra, nếu Mỹ tham gia vào việc tái thiết Hàn Quốc sau chiến tranh, thì có thể làm tăng gánh nặng tài chính của Washington.
Báo cáo cảnh báo: “Nếu Mỹ sử dụng một khoản tiền cho việc tái thiết Hàn Quốc tương đương với mức chi tiêu cho Iraq và Afghanistan, thì nợ quốc gia sẽ tăng thêm 30% GDP”.