|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Video nói về các sản phẩm nhái đồ nhà Apple bị bay màu trên YouTube

19:00 | 25/08/2021
Chia sẻ
Gần đây, YouTube đang có động thái mạnh tay hơn với các video có nội dung liên quan đến sản phẩm nhái hãng Apple.

"Từ giữa tháng 6, YouTube bỗng nhiên xóa video phân biệt tai nghe Airpod fake của mình và không có thông báo trước", anh Lê Công Minh Khôi (Khôi Ngọng), một nhà sáng tạo nội dung chia sẻ với người viết. Khôi cho biết YouTube không đưa ra một cảnh báo nào và âm thầm xóa video trước khi gửi email thông báo.

Anh Khôi cho biết video của mình bị báo cáo liên quan tới hàng nhái nên bị xóa. Dù nhà sáng tạo nội dung này đã khiếu nại nhưng không được. 

Đáng chú ý, không chỉ mỗi video liên quan đến sản phẩm tai nghe Airpod hàng nhái, cách đây khoảng 3 - 4 ngày, một video có nội dung về sản phẩm điện thoại VSmart Aris Pro do anh Khôi sản xuất cũng bị YouTube xóa, bất chấp người này đã gửi thư khiếu nại, cung cấp hóa đơn mua hàng.

Theo anh Khôi, YouTube cũng gửi cảnh báo cấm đăng trong 7 ngày nếu còn xảy ra tình trạng tương tự. Nhà sáng tạo nội dung cho hay chính sách hàng giả của YouTube rất hên xui và đối tượng bị "ngó" tới nhiều nhất là các kênh dưới 100.000 sub, thường sản xuất nội dung mua hàng từ Shopee hoặc các sản phẩm không chính hãng.

Chính sách của YouTube không triệt để và bất công đối với nhiều nhà sáng tạo nội dung. (Ảnh: Thùy Trang).

Tương tự, chúng tôi ghi nhận nhiều video có liên quan đến các sản phẩm nhái Apple như tai nghe Airpod đã bị YouTube mạnh tay xóa bỏ. Các đường link được chia sẻ trên mạng xã hội bị "bay màu", khi click vào chỉ hiện thông báo "video unavaible".

Theo chính sách cộng đồng của YouTube, mạng xã hội chia sẻ video trực tuyến này cấm bán hoặc quảng cáo để bán hàng giả trên các nền tảng của mình, bao gồm cả YouTube và Google.

Hàng giả có thương hiệu hoặc biểu trưng giống hệt hoặc về căn bản không thể phân biệt được với thương hiệu của một mặt hàng khác. Hàng giả bắt chước đặc điểm nhãn hiệu của sản phẩm để mạo nhận là sản phẩm chính hiệu của chủ sở hữu thương hiệu... đều không được phép. Hình phạt cao nhất dành cho những kênh quảng cáo hoặc bán hàng giả là xóa kênh.

Ngoài ra, chính sách của YouTube không chỉ áp dụng với mỗi Apple hay các sản phẩm công nghệ khác. Bất cứ lĩnh vực nào nếu có nội dung liên quan đến hàng nhái đều có thể rơi vào "black-list" của YouTube.

Tuy nhiên, YouTube vẫn chưa thực sự triệt để trong vấn đề này và vẫn còn rất nhiều video có nội dung liên quan đến hàng nhái Apple còn khả dụng. Chỉ cần gõ tìm kiếm từ khóa "Airpod rep 1:1", có hàng loạt kết quả trả về và đủ các hình thức như review/phân biệt/unbox... Thời gian các video này được đăng tải trải dài từ vài năm trước đến cách đây vài tháng.

Rõ ràng, chính sách của YouTube đang thiếu đi công bằng với các nhà sáng tạo nội dung, không xem xét kỹ các khiếu nại đã đưa ra hình phạt, thậm chí là âm thầm xử lý rồi mới thông báo cho người sản xuất video.

Bên cạnh các quy tắc về nội dung, tháng 4/2021, YouTube cũng ban hành chính sách mới có tên là Violative View Rate (VVR), đặc biệt là các nội dung video vi phạm chính sách công ty.

VVR nêu chi tiết phần trăm lượt xem trên YouTube đến từ nội dung vi phạm nguyên tắc cộng đồng của công ty. Trên thực tế, đó là thước đo mức độ thực thi của YouTube đối với nền tảng của chính mình.

Năm ngoái, YouTube cho biết tỷ lệ VVR của họ là từ 0,16% đến 0,18%. Điều đó có nghĩa là từ 16 đến 18 trong số mỗi 10.000 lượt xem trên nền tảng này đến từ các video vi phạm nguyên tắc nội dung của nền tảng. 

YouTube nói rằng con số hiện tại thể hiện mức giảm hơn 70% so với năm 2017 khi công ty lần đầu tiên bắt đầu theo dõi VVR. Công ty cho rằng sự sụt giảm mạnh là do các khoản đầu tư vào công nghệ máy học để thu thập nội dung không phù hợp.

Lưu ý đây chỉ là chỉ số cho những video vi phạm chính sách nội dung của công ty, trong khi nhiều clip đáng ngờ vẫn xuất hiện trên YouTube mà mọi người có thể thấy có vấn đề nhưng không nhất thiết vi phạm nguyên tắc cộng đồng của công ty.

Ngoài ra còn có những video được xếp vào danh mục "giới hạn", chẳng hạn như một "phim tài liệu" phát trực tiếp từ bên ngoài vụ xả súng hàng loạt gần đây ở Boulder (Mỹ), và sau đó công ty quyết định loại bỏ sau một số cân nhắc. YouTube không tính những thứ đó vào chỉ số, chỉ để lại cho chúng ta bức tranh một phần về những nỗ lực thực thi của công ty.

Thùy Trang