Vị trí người giàu nhất Trung Quốc đổi chủ
Colin Huang, người sáng lập Pinduoduo, từng có một số dự án kinh doanh khá thành công trong lĩnh vực trò chơi điện tử và thương mại điện tử. Tuy nhiên, sau một thời gian, ông đã gặp vấn đề về sức khỏe và quyết định nghỉ ngơi. Có thời điểm, Huang dành trọn một năm ở nhà để suy nghĩ về bước đi tiếp theo của mình, tờ Bloomberg viết.
Năm 2015, Huang - cựu kỹ sư Google đã khởi nghiệp Pinduoduo, một nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng với việc bán các sản phẩm giá rẻ kèm theo các chương trình khuyến mãi lớn. Chỉ trong một thời gian ngắn, Huang đã vươn lên đứng trong hàng ngũ những người giàu nhất thế giới, với khối tài sản đạt đỉnh 71,5 tỷ USD vào đầu năm 2021.
Giống như nhiều tỷ phú nổi lên trong thời kỳ đại dịch COVID-19, tài sản của Huang cũng sụt giảm nhanh chóng, mất tới 87% giá trị chỉ trong khoảng một năm. Sự sụt giảm này đặc biệt rõ rệt khi đại dịch toàn cầu chậm lại, đồng thời Trung Quốc tiến hành các biện pháp mạnh tay đối với khu vực tư nhân. Tuy nhiên, một điều bất ngờ đã xảy ra: PDD Holdings Inc., đã có sự trở lại.
Dù không lớn như trước, nhưng sự phục hồi này diễn ra một cách ổn định, nhờ vào việc mở rộng ra ngoài Trung Quốc dưới thương hiệu Temu, điều này đã giúp bù đắp phần nào cho nền kinh tế nội địa vẫn đang suy yếu. Kết quả cho sự bành trướng này là Huang, 44 tuổi, đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg.
Với khối tài sản trị giá 48,6 tỷ USD, ông đã vượt qua tỷ phú Zhong Shanshan, ông chủ ngành nước đóng chai, người đã giữ vị trí này từ tháng 4/2021.
Khối tài sản của Colin Huang được thúc đẩy bởi sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Trung Quốc sau khi cuộc khủng hoảng bất động sản của quốc gia này chuyển thành suy thoái kéo dài. Huang cũng là nhà sáng lập công nghệ đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng giàu có trong hơn ba năm qua, sau khi áp lực từ chính phủ đối với các doanh nghiệp tư nhân đã ảnh hưởng đến các đối thủ như Alibaba Group Holding Ltd. của Jack Ma.
Tuy nhiên, sự thành công của ông cũng không tránh khỏi những chỉ trích, từ việc ép giá nhà cung cấp đến việc yêu cầu nhân viên làm việc với lịch trình khắt khe. Huang không giống như Jack Ma, người từng là giáo viên tiếng Anh trước khi sáng lập Alibaba.
Colin Huang đại diện cho thế hệ doanh nhân công nghệ mới của Trung Quốc, những người khởi đầu sự nghiệp với các cơ hội toàn cầu. Ở tuổi 12, tài năng toán học xuất sắc của ông đã giúp Huang giành được một vị trí tại Trường Ngoại ngữ Hàng Châu, nơi ông học cùng với con cái của giới tinh hoa chính trị và xã hội Trung Quốc.
Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học máy tính từ Đại học Chiết Giang, Huang rời Trung Quốc vào năm 2002 để theo học bằng thạc sĩ tại Đại học Wisconsin. Hai năm sau khi tốt nghiệp, Huang trở về Trung Quốc để giúp thành lập Google China.
Năm 2007, ông sáng lập công ty đầu tiên của mình và sau đó bán nó vào năm 2010 để bắt đầu một công ty mới, chuyên giúp các doanh nghiệp tiếp thị trên các nền tảng như Taobao của Alibaba hay JD.com. Sau khi bị nhiễm trùng tai dẫn đến nghỉ hưu vào năm 2013, Huang đã ấp ủ ý tưởng cho Pinduoduo.
PDD Holdings, công ty mẹ của Pinduoduo, đã có sự tăng trưởng đáng kể khi mở rộng ra ngoài Trung Quốc với thương hiệu Temu. Temu đã nhanh chóng vươn lên đứng đầu các cửa hàng ứng dụng tại Mỹ ngay sau khi ra mắt vào tháng 9/2022, thu hút người tiêu dùng Mỹ với các sản phẩm giá rẻ, không có thương hiệu được vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc. PDD đã báo cáo doanh thu khoảng 248 tỷ nhân dân tệ (35 tỷ USD) vào năm ngoái, tăng 90% so với năm 2022.
Sự phát triển nhanh chóng này cũng đã thu hút sự chú ý tại cả Trung Quốc và quốc tế. Dù đã tiến hành điều tra điều kiện làm việc sau khi một nhân viên tử vong vào năm 2021, PDD vẫn yêu cầu nhân viên làm việc từ 11 giờ sáng đến 11 giờ đêm, 6 ngày một tuần, cùng với thời gian làm thêm giờ.
Đây là một biến thể của văn hóa làm việc "996" trong ngành công nghệ, điều mà các công ty như ByteDance Ltd. và Alibaba đã cố gắng từ bỏ sau khi bị chính quyền Trung Quốc giám sát chặt chẽ.