|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao xuất khẩu sầu riêng giảm mạnh hơn 60% trong tháng 4?

08:00 | 04/06/2023
Chia sẻ
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết ba nguyên nhân chính khiến xuất khẩu sầu riêng giảm mạnh trong tháng 4 gồm nguồn cung thiếu hụt do thời điểm chuyển giao giữa chính vụ và trái vụ; một số vùng trồng hết hạn ngạch xuất khẩu; một số lô hàng không đạt chất lượng nên bị trả lại.

Ba nguyên nhân chính khiến xuất khẩu sầu riêng hụt hơi

 

Sau nhiều tháng tăng trưởng mạnh nhờ động lực đến từ thị trường Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng đã bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi. 

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng các loại (gồm dạng tươi, đông lạnh, sấy khô, mứt) đạt trên 37 triệu USD, giảm mạnh 62% so với tháng 3. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc giảm 69% so với tháng trước.

 

 

  Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

 

Lý giải cho sự sụt giảm mạnh của xuất khẩu sầu tháng 4, trao đổi với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết tháng 4 là thời điểm giao thời giữa trái vụ và chính vụ nên nguồn cung ít hơn. Chính vụ ở miền Nam bắt đầu từ tháng 4 và 5, tuy nhiên, một số địa phương trồng trái vụ cho thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 3. 

Nguyên thứ hai, tháng 4 là thời điểm đầu chính vụ, tuy nhiên, do giá sầu riêng gian thời gian qua liên tục tăng cao nên một số hộ thu hoạch sớm quá, quả không đạt chất lượng nên bị trả về. Ngoài ra, một số lô hàng không được xử lý kỹ nên vẫn còn chứa chứng rệp sáp và bị đối tác nhập khẩu trả về. 

Nguyên nhân cuối cùng là hết số lượng của mã số vùng trồng cũ, các doanh nghiệp chờ quota (hạn ngạch) của mã số vùng trồng mới.

“Họ sẽ rà soát xem mã số vùng trồng đã hết quota chưa. Ví dụ một mã số vùng trồng cho phép xuất khẩu 1.000 tấn, mỗi lần giao hàng, cơ quan hải quan Trung Quốc sẽ trừ dần đi. Những mã số vùng trồng nào đã sử dụng hết quota thì họ sẽ từ chối thông quan”, ông nói.

Sau hơn 4 năm đàm phán sầu riêng Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc bắt đầu từ giữa tháng 9/2022. Kể từ đó, lượng và kim ngạch sầu riêng tăng trưởng mạnh hơn so với giai đoạn 4 tháng đầu năm 2022. Do vậy, nếu xét tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong 4 tháng đầu năm 2023, con số vẫn cho thấy sự tăng trưởng mạnh do tháng 4 sụt giảm.

Theo đó, tính chung 4 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng 6,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 191,31 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tươi chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 170 triệu USD, tăng gấp gần 14 lần so với cùng kỳ. 

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, tỷ trọng chiếm 84% tổng kim ngạch trong 4 tháng đầu năm 2023, đạt 161 triệu USD, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2022. 

 

   Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

 

'Nên bán chất lượng thay vì chạy theo số lượng'

 

Ông Nguyên cho biết thêm, thời điểm hiện tại, ngoài những vấn đề kể trên, hoạt động xuất khẩu sầu riêng đang gặp khó khăn trong việc thông quan khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Tình trạng ùn ứ cửa khẩu tiếp tục tái diễn vào lúc cao điểm thu hoạch hoa quả (bắt đầu từ tháng 5) như mọi năm. 

“Hiện tại 500 - 600 xe sầu riêng đang bị tắc biên ở khu vực biên giới”, ông Nguyên cho biết. 

Theo ông Trung Quốc bắt đầu chú trọng đến chất lượng sầu riêng. Việc tắc biên có thể do nhiều nguyên nhân như năng lực thông quan, trục trặc máy móc nhưng nhiều khi là do cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm tra kỹ càng hơn. 

Do đó, các doanh nghiệp, chủ vườn cần có biện pháp quản lý dịch hại. Đặc biệt, cần kiểm soát thật chặt việc hái sầu riêng non, không vì lợi ích trước mắt mà làm tổn hại thương hiệu quốc gia. 

Ở Thái Lan, chính phủ kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, nhất là sau khi Việt Nam được phép xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Thậm chí, những người hái sầu riêng non sẽ bị phạt tù và quy vào tội phá hoại thương hiệu quốc gia. Cơ quan hải quan hải quan Thái Lan có quyền từ chối thông quan cả lô hàng nếu chỉ cần phát hiện 1 quả sầu riêng non hoặc không đảm bảo chất lượng về an toàn dịch bệnh, thuốc bảo vệ thực vật. 

Sầu riêng Thái Lan có thương hiệu chất lượng từ lâu nên giá đắt hơn so với sầu riêng Việt Nam. Theo đó, giá sầu riêng trung bình của Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 5.000 USD/tấn trong khi của Việt Nam là 4.800 USD/tấn.

"Lúc đầu mình mang hàng qua rất ngon, cắt đúng độ chín, cơm sầu riêng mềm thơm. Sau này nhiều đơn vị do chạy theo số lượng nên cắt non. Họ sợ rằng khi vào chính vụ, nguồn cung nhiều hơn, giá sẽ rẻ nên cắt sớm, bỏ qua khâu chất lượng. 

Sầu riêng là lại trái cây không phải rẻ tiền. Người tiêu dùng khi mua phải trái không đạt chất lượng của Việt Nam họ sẽ ôm cục tức vào người. Cũng từ đó họ sẽ tránh mua sầu riêng Việt Nam mà chuyển qua hàng Thái Lan”, ông Nguyên nói.

Trong khi đó,  theo ông Thái Lan làm sản phẩm rất tốt. Họ cắt sẵn vỏ sầu riêng thành 4, 5 múi sau đó lấy dây buộc lại. Người tiêu dùng có thể biết luôn chất lượng sầu riêng thế nào và khi ăn cũng chỉ cần cởi dây và tách múi dễ dàng. Còn sầu riêng Việt Nam lại bán cả quả, người tiêu dùng không biết chất lượng ra sao, nhiều khi ăn phải quả sượng. 

Do đó, ông cho rằng Việt Nam cũng cần có những biện pháp cứng rắn để kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc. 

“Các doanh nghiệp nên bán chất lượng, thay vì bán số lượng. Thà không có hàng xuất còn hơn là cắt non sầu riêng để bán. Đây là hành động giết tương lai ngành sầu riêng và cả công lao của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT trong việc đàm phán để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Ngoài ra, cơ quan hải quan Việt Nam tăng cường kiểm tra chất lượng quả sầu riêng giống như Thái Lan, từ chối thông quan nếu không đạt chất lượng”, ông Nguyên nói.

H.Mĩ