Vì sao Vietcombank lãi đột biến?
Theo thông tin công bố về hoạt động 6 tháng đầu năm, Vietcombank là nhà băng công bố mức lãi lớn nhất hệ thống sau nửa năm hoạt động. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu đạt 5.254 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lãi này bỏ xa hàng trăm tỷ đồng đối với lãi 6 tháng của ngân hàng đứng vị trí thứ hai là VietinBank với 4.813 tỷ đồng, và hơn 1.200 tỷ đồng so với BIDV (khoảng 4.000 tỷ).
Để có được mức lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng và tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh kinh tế khó khăn là điều không dễ dàng. Trong đó, lý do nổi bật nhất phải kể đến là tăng trưởng tín dụng của nhà băng này khá cao.
Lợi nhuận 6 tháng của Vietcombank đạt hơn 5.200 tỷ đồng. Ảnh: Nguyệt Triều
Tính đến hết ngày 30/6, cho vay tại ngân hàng này tăng gần 14% so với đầu năm. Đặc biệt, dư nợ cho vay với khách hàng cá nhân của Vietcombank tăng mạnh tới hơn 24% so với đầu năm. Điều này giúp thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi với VnExpress mới đây, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại Thương cho biết, năm nay ngân hàng tăng trưởng bán lẻ rất tốt. Trong đó, doanh số cho vay nông nghiệp nông thôn và hộ kinh doanh nhỏ lẻ khá lớn. Đây cũng là trọng tâm của ngân hàng trong thời gian tới bên cạnh công tác nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động ở mảng bán buôn.
Đặc biệt, với địa bàn miền Tây Nam bộ, ông Thắng cho rằng ngân hàng hoạt động rất hiệu quả. Trong đó, riêng chi nhánh Tây Đô (thuộc Cần Thơ), năm 2015 bị tổn thất lớn và trích lập dự phòng hơn 2.000 tỷ đồng thì năm ngoái và năm nay ngân hàng đã thu hồi được một phần khoản nợ. Đồng thời, năm 2017 này, chi nhánh Tây Đô (nay đổi tên là Tây Cần Thơ) dự kiến sẽ đạt mức lãi cao nhất ở địa bàn Tỉnh Cần Thơ so với tất cả các ngân hàng trên địa bàn.
"Ngoài ra, các khoản nợ xấu ngoại bảng của ngân hàng có chất lượng tốt và được sự hỗ trợ lớn từ các cơ quan ban ngành như toà án, viện kiểm sát, thi hành án... nên việc thu hồi các khoản nợ xấu rất khả quan và đã đóng góp không nhỏ vào con số lợi nhuận cho Vietcombank", ông Thắng chia sẻ và cho biết, hiện nhà băng đã mua lại toàn bộ hơn 4.300 tỷ đồng nợ xấu từ VAMC để tự xử lý bằng nguồn lực tài chính của mình, vượt 3 năm so với kế hoạch đề ra, trở thành ngân hàng đầu tiên sạch nợ tại VAMC.
Bên cạnh những yếu tố trên, việc các lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng cao cũng là lý do giúp lợi nhuận trước thuế của nhà băng này tăng mạnh. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 24% lên hơn 1.300 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng nhẹ lên 1.065 tỷ, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 40% lên 254 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác tăng 11% lên 908 tỷ đồng.
Song song đó, lãnh đạo Vietcombank cho biết thêm, những năm gần đây, ngân hàng đã triển khai hàng loạt dự án nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng cũng như xây dựng KPI đánh giá hiệu quả hoạt động cho từng cán bộ nhân viên; đưa ra chính sách khen thưởng cũng như kỷ luật rất chặt chẽ... Nhờ đó, hiện nay năng suất lao động của ngân hàng rất cao. Trong đó, có 10 chi nhánh có hiệu suất cao nhất, với mức trung bình năm là 2,5 tỷ đồng lợi nhuận trên một đầu người.
Tuy nhiên, đằng sau tín hiệu khả quan từ những con số lợi nhuận, phân tích cơ cấu thu nhập của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm có thể thấy rằng phần lớn số lãi vẫn đến từ hoạt động tín dụng. Và điều này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tương lai vì một khoản nợ xấu thường chỉ phát sinh sau giai đoạn 3-5 năm đầu của khoản vay.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp vay 100 tỷ, năm qua ngân hàng thu lãi 15 tỷ đồng, nhưng do kinh tế khó khăn, doanh nghiệp xin đáo hạn nợ thành 150 tỷ. Nghĩa là ngân hàng sẽ vẫn hạch toán khoản lãi và số tăng tín dụng vào sổ sách, nhưng thực tế là sau đó có thể do hoạt động khó khăn và khách hàng mất khả năng trả vốn lẫn lãi. Như vậy, con số tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận hiện nay của các ngân hàng vẫn chưa nói lên được điều gì chắc chắn.
Và nhìn vào bảng báo cáo tài chính của Vietcombank cũng cho thấy, nợ có khả năng mất vốn của nhà băng này đến cuối tháng 6 đã tăng gần 1.000 tỷ đồng, tương đương 25% so với cuối năm ngoái.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, các ngân hàng cần tiếp tục giảm bớt việc phụ thuộc vào cho vay, tăng tỷ trọng thu nhập từ phí dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.