|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao Việt Nam vẫn mãi nhập siêu từ Trung Quốc

12:40 | 17/03/2022
Chia sẻ
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng khi bắt đầu sản xuất mặt hàng nông sản nào đó, người dân cần phải trả lời được câu hỏi sản xuất được gì? Bán ở đâu? Cho ai. Nếu làm theo cách cũ tức có gì làm nấy, có gì bán nấy thì sẽ bị động.

Xuất khẩu củ khoai, hạt lúa giá rẻ nhưng nhập nguyên liệu giá đắt

Tại phiên trả lời chất vấn hôm 16/3, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết trong thương mại quốc tế phương châm đặt ra là cân đối xuất - nhập hai chiều nhưng các ngành sản xuất hiện nay, để có được nguyên liệu các ngành, kể cả nông nghiệp thì hầu hết phải đi nhập. 

Trong đó, Việt Nam nhập nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc. Điển hình như hàng dệt may, Việt Nam cần rất nhiều nguồn nguyên liệu vải vóc, kim chỉ từ Trung Quốc. 

"Chúng ta bao giờ cũng nhập siêu từ TQ vì đây là công xưởng thế giới. Chúng ta nhập các nguyên liệu phục vụ cho nông nghiệp và công nghiệp. Trong khi đó, chúng ta bán củ khoai, hạt lúa sang Trung Quốc giá không được cao mà nhập vật tư giá đắt", Bộ trưởng cho biết. 

"Nếu không chủ động thì Việt Nam sẽ mãi là thị trường tiêu thụ của thế giới".

Trong khi đó, việc xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc thời gian qua gặp khó khăn chồng chất khi hàng bị ùn ứ tại cửa khẩu. Điều này càng khiến Việt Nam khó thoát khỏi việc nhập siêu từ quốc gia này. 

Bài học từ việc ùn ứ nông sản tại cửa khẩu: Sẽ không còn chỗ sống cho cách làm cũ là có gì bán nấy

Từ việc hàng hoá bị ùn ứ cửa khẩu, nhận định chiến lược sản xuất, tiêu thụ nông sản của Việt Nam còn nhiều luẩn quẩn, bế tắc. 

Trong 2 - 3 năm qua Bộ Công Thương luôn kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương là cần quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi, bám sát tín hiệu của thị trường. 

"Khi bắt đầu sản xuất mặt hàng nông sản nào đó, người dân cần phải trả lời được câu hỏi sản xuất được gì? Bán ở đâu? Cho ai. Nếu làm theo cách cũ tức có gì làm nấy, có gì bán nấy thì sẽ bị động. Do đó, chúng tôi khuyến cáo các địa phương quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi, bám sát nhu cầu thị trường", Bộ trưởng Công Thương cho biết.

Chẳng hạn như thanh long ruột đỏ có thời điểm giá giảm xuống còn 2.000 đồng/kg do không thể bán qua thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, ở những nước ôn đới, các sản phẩm dòng như thanh long lại được quan tâm và có thể tiêu thụ dễ dàng nếu đạt tiêu chuẩn. 

"Nhưng vấn đề là chúng ta lại không muốn làm theo tiêu chuẩn đó hoặc chưa làm được như thế", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ Công Thương cùng thương vụ Việt Nam tại các nước gần đây đã tổ chức các buổi trao đổi thông tin, tập huấn các hiệp hội ngành hàng về tập quán tiêu dùng của người địa phương. 

Câu chuyện trước mắt là nỗ lực mọi cách giải quyết ùn tắc ở biên giới. Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, đã nhiều lần Việt Nam làm việc với Trung Quốc. 

Những ngày gần đây, tình hình COVID-19 tại Trung Quốc phức tạp, nước này thực hiện chính sách "zero Covid" phong tỏa nhiều thành phố. Giải pháp trong ngắn hạn là cùng phối hợp với phía Trung Quốc để có được những vùng an toàn để đẩy nhanh tốc độ thông quan, giải quyết được vấn đề trước mắt.

"Việc giao thiệp với Trung Quốc để thông quan hàng hoá vẫn phải duy trì. Khi nào việc giao thiệp không có tác dụng nữa thì sẽ dùng đến các biện pháp kỹ thuật", Bộ trưởng cho biết.

Tuy nhiên trong tương lai, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ thực hiện đề án quy hoạch ngành nông nghiệp một cách bài bản hơn.

"Trung Quốc vẫn là thi trường rất tốt, các nước xa khác cũng tìm đến bán hàng thì không có lý do gì chúng ta không bán. Không chỉ bạn mà các nước đưa ra tiêu chuẩn rất cao và chúng ta cần phải đạt các tiêu chuẩn đó".

3 yếu tố giúp ngành nông nghiệp thoát cảnh ùn ứ nơi cửa khẩu

Tham gia trả lời chất vấn cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Quốc hội sáng 16/3 về vấn đề ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu phía bắc thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ không như sản phẩm công nghiệp, nông sản có chu kỳ thu hoạch và dù tình trạng như thế nào cũng phải tiêu thụ. 

Đây là điều khó nhất trong câu chuyện của nông sản và nông nghiệp.

"10 triệu hộ nông dân sản xuất với 10 triệu thửa đất, một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thì để kiểm soát, để tổ chức lại, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, không phải ngày một ngày hai," Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Để giải quyết căn cơ vấn đề tiêu thụ nông sản hiện nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần tổ chức lại sản xuất, hướng đến xây dựng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Muốn vậy, cần phải có 3 yếu tố.

Thứ nhất, phải tổ chức lại được sản xuất. Với thực trạng là một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát thì không cách nào khác là phát triển kinh tế tập thể để liên kết các đầu mối, thông qua hợp tác xã. Mọi thông tin truyền thông, định hướng, phổ biến chính sách… phải trực tiếp hơn. Đây là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời cũng là trách nhiệm của địa phương.

Thứ hai, phải tổ chức lại ngành hàng, vì mỗi ngành hàng không chỉ có ở một địa phương. Phải đưa vào một quỹ đạo thông qua các hiệp hội ngành hàng và hiệp hội doanh nghiệp, hình thành những liên minh để cùng đề ra những khuyến nghị, định hướng chiến lược chứ không thể là tư duy mùa vụ.

Yếu tố thứ ba được Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập là giá cả vật tư đầu vào và kéo giá đầu ra. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã có rất nhiều phiên làm việc để có thể cân bằng được nguồn nguyên vật liệu chính cho nông nghiệp, nhưng thị trường thế giới cũng có độ trễ nhất định, không thể giải quyết được trong ngày một ngày hai.

Gần đây có rất nhiều người nông dân ở Gia Lai, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Phúc… thay vì dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu thì đã dùng phân hữu cơ. Đây vừa là giải pháp trước mắt cũng là định hướng lâu dài để chúng ta bớt lệ thuộc, chuyển từ nền nông nghiệp thâm dụng phân, thuốc hóa học sang nền nông nghiệp hữu cơ hóa, nền nông nghiệp sinh thái.

Liên quan đến giá phân bón tăng cao, Bộ trưởng Công Thương cho biết cơ quan này đang nghiên cứu đề xuất cơ quan thẩm quyền về hỗ trợ thuế đối với doanh nghiệp sản xuât, lưu thông mặt hàng này hoặc các đối tượng dễ bị tổn thương.

H.Mĩ