Vì sao thỏa thuận Brexit gây chia rẽ nội bộ nước Anh?
Brexit khiến giới doanh nghiệp Na Uy 'đứng ngồi không yên' |
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: EPA/TTXVN |
Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liam Fox đã nói với các ký giả hồi tháng 7/2017 rằng việc ký kết một thỏa thuận thương mại tự do với EU sẽ là “một trong những thỏa thuận dễ dàng nhất trong lịch sử loài người”.
Bộ trưởng Môi trường Michael Gove hứa hẹn với các cử tri trên đường đi vận động tranh cử hồi tháng 4/2016 rằng “sau ngày chúng ta bỏ phiếu rời đi, chúng ta sẽ nắm trong tay mọi quân bài và chúng ta có thể lựa chọn con đường mình muốn”.
Nhìn chung,Brexit sẽ dẫn tới “một thỏa thuận tốt hơn cho người dân của nước này, tiết kiệm tiền cho họ và nắm quyền kiểm soát”, lời hứa của nhà lý luận hàng đầu về vấn đề Brexit Boris Johnson trong thời gian trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 – “một thỏa thuận khiến nước này phấn khởi, đó là một cơ hội lớn và giải phóng chúng ta để đấu tranh bảo vệ thương mại tự do trên khắp thế giới”.
Tuy nhiên, hầu như không có lời hứa vội vàng nào trong số đó đã trở thành hiện thực. Sau 2 năm đàm phán, và còn chưa đầy 6 tháng nữa trước khi đến hạn Anh chính thức rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019, Thủ tướng Anh Theresa May đã xuất hiện cùng với một bản dự thảo kế hoạch rời khỏi mà giờ đây bà phải thuyết phục Quốc hội phê chuẩn.
* Sự bất bình ở trong nước
Cả những người ủng hộ nồng nhiệt việc rời khỏi EU và những người tha thiết ở lại đều nhất trí – thỏa thuận của bà May đem lại điều gì đó tồi tệ hơn đáng kể so với tư cách thành viên đầy đủ hiện nay của Anh trong EU, với việc không có khía cạnh hứa hẹn nào.
Dominic Raab, người đóng vai trò nổi bật trong phe Rời đi và đã từ chức Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit nhằm phản đối thỏa thuận này, đã lên án việc EU khăng khăng đòi Anh phải tuân theo những quy tắc của họ một cách vô hạn định như là cái giá phải trả cho việc tiếp tục có quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu.
Các nhóm khác trong Quốc hội Anh cũng vội vã lên án kế hoạch của bà May. Các đảng viên Bảo thủ của Scotland đã phàn nàn về quyền đánh cá dành cho các tàu châu Âu trong vùng biển của Anh.
Đảng Liên minh dân chủ Bắc Ireland – bà May dựa vào là phiếu của đảng này để có được đa số cần thiết trong quốc hội – cũng đã cam kết không bao giờ ủng hộ thỏa thuận này vì nó quy định rằng một biên giới hải quan nội bộ giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Anh sẽ phải được thiết lập nếu Anh có ý định từ bỏ tư cách thành viên thị trường chung châu Âu trên thực tế hiện nay.
Và một biên giới trên Biển Ireland là điều mà đảng Liên minh Dân chủ, vốn tự nhận là vô cùng trung thành với Anh, sẽ không bao giờ ủng hộ.
Một quan chức cấp cao của Anh am hiểu các cuộc đàm phán nói rằng thực tế là bà May “không có cơ hội đạt được một thỏa thuận tốt hơn” từ Brussels. “Và ngay cả bản dự thảo này cũng là quá hào phóng đối với nhiều nước thành viên”. Một buổi họp đặc biệt của 27 nước còn lại trong EU vào cuối tháng 11 phê chuẩn dự thảo cuối cùng thậm chí trước khi Quốc hội Anh bỏ phiếu thông qua.
Tây Ban Nha vốn đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ không nhất trí trừ khi những đảm bảo về vị thế của Gibraltar trong tương lai – một thuộc địa của Anh kể từ năm 1713 – được tính đến. Các nước thành viên khác có thể làm theo với những yêu cầu của riêng họ - chẳng hạn như về quyền của công dân nước họ tại Anh – bất chấp việc nhà đàm phán chính phía EU là Michel Barnier muốn các nước thành viên không làm phức tạp thêm thỏa thuận bằng những sự can thiệp vào phút chót.
Bà May hứa hẹn rằng kế hoạch của bà sẽ giúp Anh kiểm soát đường biên giới của họ - mối quan ngại then chốt trong số nhiều người bỏ phiếu ở phe Rời đi – và rằng thỏa thuận với EU có nghĩa là “chúng ta sẽ có đầy đủ quyền kiểm soát ai đến đây”.
Trên thực tế, điều đó không đúng. Theo điều 39 của thỏa thuận dự thảo, quyền của công dân EU sinh sống tại Anh được đảm bảo “trọn đời” – nói cách khác, chừng nào đứa bé nhỏ tuổi nhất mang hộ chiếu EU còn sống ở đây. Trong tương lai, các công dân EU vẫn sẽ có quyền tự do đi lại và làm việc tại Anh, theo Điều 15 và 16 – cũng có quyền định cư tại Anh sau 5 năm, như hiện nay.
Văn bản này cũng nhấn mạnh các tuyên bố rằng Anh sẽ lấy lại quyền kiểm soát theo một số cách đáng kể. Điều 7 của Thỏa thuận rút khỏi quy định rằng “mọi đề cập đến các nhà nước thành viên… phải được hiểu là bao gồm cả Anh”. Do đó, vì mục đích pháp lý và thương mại, EU trên thực tế vẫn sẽ coi Anh là một thành viên – nhưng không có bất kỳ thành viên nào trong Nghị viện châu Âu, một ủy viên hội đồng hay các thẩm phán trong Tòa án công lý châu Âu.
Hơn nữa, bất chấp lời hứa rõ ràng của bà May hồi tháng 10/2016 rằng “thẩm quyền của luật pháp EU tại nước này sẽ chấm dứt mãi mãi. Chúng ta không rời đi chỉ để quay trở lại quyền tài phán của Tòa án công lý châu Âu.
Điều đó sẽ không xảy ra”, thỏa thuận dự thảo lại nói đúng điều ngược lại. Điều 158 quy định rằng thẩm quyền của Tòa án công lý châu Âu vẫn sẽ là thẩm quyền tối cao cho tới 8 năm sau khi giai đoạn chuyển tiếp chấm dứt. Hiện tại, giai đoạn chuyển tiếp đó được thiết lập trong 2 năm – nhưng Thỏa thuận rút khỏi nói rõ rằng thỏa thuận vĩnh viễn thay thế nó sẽ được thực hiện theo điều kiện của châu Âu.
Một quan chức Anh am hiểu các cuộc đàm phán, người không được phép phát biểu công khai, phàn nàn rằng thỏa thuận dự thảo “thực ra khá khôi hài. Nó tệ hơn tư cách thành viên theo mọi cách có thể có. Không có mặt tích cực rõ ràng nào theo đúng nghĩa đen”.
Thỏa thuận được đề xuất - tư cách thành viên “hữu thực vô danh” - không chỉ ngăn cản Anh ký kết các thỏa thuận thương mại của riêng họ với các nước bên ngoài mà còn ràng buộc Anh phải chấp nhận mọi thỏa thuận thương mại và luật của EU trong tương lai, mà không có bất kỳ tiếng nói nào đối với chúng.
Và sau đó là vấn đề tiền bạc. Theo thỏa thuận này, Anh nhất trí trả các khoản thanh toán được cho là lên tới khoảng 40 tỷ euro (hơn 45 tỷ USD) để nhận được mọi “đặc quyền” đáng ngờ dành cho thành viên được nêu trong văn bản.
* Kịch bản có thể xảy ra
Giờ đây, có một số kịch bản có khả năng xảy ra - giả định rằng bà May vượt qua được thử thách về quyền lãnh đạo (điều có vẻ có khả năng xét tới việc bà vượt qua đối thủ nặng ký nhất của mình, Boris Johnson, với 62% so với 15% trong cuộc bỏ phiếu của đảng Bảo thủ).
Nếu cả EU lẫn Quốc hội Anh đều phê chuẩn thỏa thuận này, thì Anh sẽ chính thức rời EU vào tháng Ba tới - nhưng trên thực tế tiếp tục tuân thủ mọi nguyên tắc của nó.
Nếu bà May không thể triệu tập một đa số trong quốc hội, thì bà có 2 lựa chọn: kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử khác (một lựa chọn rất không có khả năng xảy ra, xét tới việc đảng Bảo thủ cầm quyền có kết quả tồi tệ trong các cuộc thăm dò dư luận như là kết quả của việc xử lý yếu kém cuộc khủng hoảng Brexit) hoặc tuyên bố một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai (một đường hướng hành động mà bản thân bà đã thẳng thừng bác bỏ).
Hoặc là, đương nhiên Anh có thể mò mẫm mà không có thỏa thuận nào được thiết lập và nắm lấy cơ hội tiến hành thương mại với EU theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Nhưng ngay cả lựa chọn đó cũng sẽ phải được tất cả các nước thành viên WTO phê chuẩn, trong đó có Nga, nước vốn đã đưa ra phản đối chính thức đối với danh sách thuế quan hậu Brexit do Anh đề xuất. WTO không thể xác nhận các điều khoản trong thương mại của Anh với EU cho đến khi vấn đề được giải quyết.
Đại đa số các nghị sĩ lo sợ tình trạng gián đoạn về nguồn cung thực phẩm và thuốc men, cũng như sự tổn hại tới các chuỗi cung ứng JIT (sản xuất đúng sản phẩm, với đúng số lượng, tại đúng nơi, vào đúng thời điểm) khắp châu Âu đều đã phản đối Brexit “không thỏa thuận” này.
Khả năng một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai - hay Lá phiếu của người dân, như những người ủng hộ gọi nó theo cách hoa mỹ - chắc chắn sẽ nổi lên nếu xảy ra tình trạng bế tắc trong chính phủ. Nhưng nhà lãnh đạo tả khuynh của Công đảng, Jeremy Corbyn, là một người luôn hoài nghi châu Âu (không giống như đa số đảng viên đảng này) và do đó luôn lãnh đạm về việc kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý mới.
Và mặc dù sự ủng hộ bên trong tất cả các đảng cho chiến dịch “Lá phiếu của người dân” đã gia tăng sau cuộc tuần hành gồm 700.000 người vừa qua tại London, chính phủ tiếp tục phản đối điều đó - và có khả năng sẽ không để cho quốc hội có thời gian tranh cãi về lựa chọn này. Thay vào đó, theo một nguồn tin thân cận với bộ trưởng nội các đã từ chức gần đây, có khả năng chính phủ sẽ kiên trì thúc ép phê chuẩn thỏa thuận này trong suốt mùa Đông tới.
Về phần mình, EU đã phát tín hiệu rằng họ có thể sẵn sàng trì hoãn ngày Anh rời khỏi liên minh này - nhưng chỉ khi nào một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai thực sự được triệu tập, chứ không phải chỉ vì cần đàm phán thêm.
Cho đến nay, kết quả có khả năng nhất của thỏa thuận Brexit này là thỏa thuận được phác thảo trong Thỏa thuận rút khỏi: Brexit chỉ trên danh nghĩa, theo các điều khoản của EU, với việc Anh rõ ràng mất quyền kiểm soát vào tay Brussels. Nói cách khác, nó sẽ ngược lại với điều mà chiến dịch Brexit hứa hẹn với các cử tri của mình, dù ít hay nhiều.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/