|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao nhiều công ty công nghệ muốn rời Thung lũng Silicon?

10:40 | 29/01/2021
Chia sẻ
Số lượng các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon muốn rời khỏi Florida (Mỹ) tới Miami, Texas ngày càng trở nên rõ rệt, họ không đơn thuần chỉ muốn hưởng lợi từ môi trường kinh doanh dễ dàng hơn và quy định về thuế bớt khắc nghiệt.
Lý do thực sự khiến các công ty ở Thũng lũng Silicon muốn rời đi - Ảnh 1.

Ông Francis Suarez, Thị trưởng Miami, bang Florida (Mỹ) phát biểu trong cuộc phỏng vấn năm 2018. (Ảnh: MediaPunch/IPx).

Ông Francis Suarez, Thị trưởng Miami, bang Florida (Mỹ) đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ các lãnh đạo của công ty công nghệ hàng đầu thế giới cho việc chuyển trụ sở hoặc nhà riêng của họ tới Miami, theo NBC News đưa tin.

Trong số những người liên hệ với ông đã có CEO Tesla Elon Musk, CEO Twitter Jack Dorsey. Gần đây, ông cũng nhận được yêu cầu từ cựu CEO Google Eric Schmidt, Chủ tịch Palantir Peter Thiel và nhiều người khác nữa.

Trong các buổi gặp gỡ này, ông Suarez đã cố gắng thuyết phục lãnh đạo của nhiều công ty công nghệ rằng Miami là một địa điểm hứa hẹn với môi trường kinh doanh thân thiện. Ông cũng cho rằng lý do họ muốn chuyển trụ sở là quy định và chính sách thuế.

Ông Suarez bày tỏ sẽ "cung cấp dịch vụ trợ giúp đặc biệt" như đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các công ty công nghệ khi họ đến Miami. Ông cũng ám chỉ rằng các chủ doanh nghiệp công ty công nghệ cảm thấy bị đối xử tệ ở Thung lũng Silicon.

Thung lũng Silicon từ lâu là trung tâm của ngành công nghệ Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung, nhưng nơi đây đang chứng kiến một cuộc di tản của một số công ty công nghệ có tiếng đến các thành phố khác như Miami hay Texas.

Đơn cử như người đồng sáng lập trang Reddit (web dịch vụ, giải trí, tương tác) ông Alexis Ohanian, đã chuyển từ San Francisco đến sống ở Miami vào năm 2017. Một năm sau đó, Shervin Pishevar, một nhà đầu tư mạo hiểm, cũng đã mua nhà ở bãi biển Miami.

Cuối năm 2020, Jonathan Oringer, người thành lập Shutterstock cũng chuyển đến Miami. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư mạo hiểm như Keith Rabois, David Blumberg... cũng lần lượt rời khỏi thung lũng Silicon.

Vào tháng 12 năm ngoái, gã khổng lồ công nghệ Oracle đã thông báo chuyển trụ sở công ty từ thành phố Redwood, California, đến Austin (Texas). Cùng thời điểm, công ty Hewlett Packard Enterprise cũng đã thông báo chuyển trụ sở chính từ San Jose, California sang một vùng ngoại ô thành phố Houston, Texas.

Người phát ngôn Hewlett Packard Enterprise, ông Adam Bauer, cho biết họ đã quyết định chuyển trụ sở của mình đến khu vực Houston nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh, tiết kiệm chi phí lâu dài và sở thích của các thành viên trong công ty về kế hoạch công việc trong tương lai.

Khu vực vịnh San Francisco, nơi có thung lũng Silicon, hiện vẫn tiếp tục thu hút các công nhân làm cho công ty công nghệ nhưng tỷ lệ đã giảm hơn 35% trong năm 2020 so với năm 2019, mức giảm lớn nhất so với các đô thị khác, theo dữ liệu của LinkedIn.

Các chuyên gia dự báo tỷ lệ này sẽ còn giảm sâu hơn. Ông Dan Ives, nhà phân tích tài chính của Wedbush Securities, dự báo sẽ có đợt di cư nhỏ của các công ty công nghệ rời khỏi thung lũng Silicon và xu hướng này sẽ tăng tốc vào năm 2021.

Các chuyên gia về thuế cho biết, xu hướng chuyển trụ sở của các công ty công nghệ không chỉ đơn giản là để hưởng ưu đãi tốt hơn về thuế. Thay vào đó, đây có thể là một cuộc chơi dài hạn nhằm giúp các công ty trả lương cho người lao động ít hơn ở những nơi có chi phí sinh hoạt thấp.

"Có thể bạn nghĩ phần lớn các công ty công nghệ đều xuất thân từ Thung lũng Silicon và sẽ không có bất kỳ nơi nào khác có khả năng này. Nhưng nếu bạn để ý kỹ hơn vào Austin (Texas), một Thung lũng Silicon thu nhỏ đang được hình thành với mọi chi phí dành cho nhân viên được cắt giảm xuống một nửa", ông Dan Ives nói.

Tuy vậy, Thị trưởng Suarez hy vọng các cuộc gọi từ CEO công ty công nghệ vẫn sẽ tiếp tục đến.

Tường Vy