COVID-19 buộc các doanh nghiệp công nghệ ở Thung lũng Silicon hi sinh hàng nghìn tài năng công nghệ
Vừa thôi việc ở một tập đoàn công nghệ lớn ở đảo Đài Loan, kĩ sư Trương Vỹ tới Mỹ để làm việc cho Airbnb. Vỹ tới Thung lũng Silicon với hoài bão lớn lao cùng nhiều câu chuyện đầy cảm hứng.
Sau đúng một năm làm việc trên đất Mỹ, kĩ sư gốc Á không thể ngờ anh sẽ mất việc ở Airbnb vào một ngày đẹp trời.
"Rất nhiều kĩ sư Trung Quốc làm việc ở đây. Môi trường làm việc hấp dẫn, lương cũng rất cao. Theo kế hoạch, năm nay Airbnb sẽ phát hành cổ phiếu. Tôi nghĩ tôi sẽ ở đây ít nhất vài năm", Vỹ hồi tưởng thời gian đầu làm việc ở Airbnb.
Rồi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều cơ sở kinh doanh, công ty phải ngừng hoạt động. Ngành du lịch, lưu trú tê liệt khiến Airbnb phải giảm dần nhân sự. Vỹ chỉ là một trong số gần 2.000 người mà tập đoàn phải sa thải.
Brian Chesky, tổng giám đốc Airbnb, thổ lộ trong email dành cho gần 2.000 người mà ông phải chia tay: "Một tin buồn là chúng ta cần phải giảm quy mô lực lượng lao động Airbnb". Rồi ông tiết lộ các nội dung minh bạch và thông tin chi tiết, để mọi người hình dung chính xác về những thách thức mà tập đoàn đang đối mặt.
Phải ra đi nhưng Trương Vỹ không tỏ ra bất bình. "Mọi người đều biết Airbnb khó khăn do dịch bệnh. Tập đoàn phải hoãn kế hoạch phát hành cổ phiếu, đồng thời hứng chịu tổn thất nặng nề về doanh thu, lợi nhuận. Giảm nhân sự là giải pháp mà họ không thể tránh". Airnbn hỗ trợ Vỹ 4 tháng lương kèm gói hỗ trợ bảo hiểm y tế.
Chàng kĩ sư gốc Á không muốn nghĩ tới tương lai, vì anh đang thấy làn sóng sa thải dữ dội ở Thung lũng Silicon. Dương như Amazon và Facebook là hai tập đoàn duy nhất vẫn tuyển nhân sự ở đây.
"Đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường. Mới có một năm kinh nghiệm ở Silicon, bắt đầu lại là mục tiêu khó đối với tôi", Vỹ tâm sự.
Chỉ trong một tuần, 3 tập đoàn theo mô hình "kinh tế chia sẻ" ở Silicon - gồm Uber, Lyft và Airbnb - lần lượt thông báo kế hoạch giảm nhân sự. Hôm 29/4, Lyft chia tay 900 người, và yêu cầu gần 300 nhân viên khác nghỉ phép tạm thời. Airbnb xác nhận hôm 5/5 rằng họ giảm 25% nhân sự. Một ngày sau đó, Uber sa thải 3.700 người trên khắp thế giới.
Cũng là người gốc Á nhưng Vương Ly may mắn hơn Trương Vỹ. Nữ nhân viên Uber không thuộc danh sách nhân sự mà tập đoàn sa thải. Song cô không cảm thấy vui vẻ, và cũng lo sợ nguy cơ mất việc trong tương lai.
"Uber chỉ sa thải nhân sự ở bộ phận tuyển dụng và dịch vụ khách hàng nên chúng tôi vẫn còn việc để làm", cô kể.
Viết trong tâm thư dành cho nhân viên, các nhà điều hành doanh nghiệp công nghệ ở thung lũng Silicon đều miêu tả cuộc khủng hoảng như cơn ác mộng tồi tệ, ghê gớm hơn cuộc khủng hoảng họ từng trải qua.
"Chúng tôi không biết thời điểm thị trường du lịch mới phục hồi. Ngay cả khi phục hồi, tình hình sẽ khác xưa rất nhiều", Brian Chesky bình luận.
Giám đốc điều hành của Lyft dự báo: "Ngay khi giới chức nới lỏng lệnh giãn cách, hủy tình trạng hạn chế đi lại, xã hội hoạt động trở lại, hành vi tiêu dùng của người dân sẽ thay đổi. Họ sẽ giảm chi tiêu".
Do ảnh hưởng của COVID-19, phong trào giảm nhân sự ở thung lũng Silicon diễn ra theo hiệu ứng dây chuyền. Doanh nghiệp phải thắt lưng buộc bụng để tồn tại trong lúc chờ thị trường hồi phục.
M Rangaswami, nhà đầu tư mạo hiểm và có ảnh hưởng lớn trong giới khởi nghiệp tại Mỹ, dự đoán số người mất việc sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới. Theo ông, mức độ nghiêm trọng của COVID-19 còn lớn hơn cả khủng hoảng vào những năm 2000 hay 2007, 2008.
Airbnb, Uber hay Lyft không phải là những doanh nghiệp duy nhất giảm nhân sự để sinh tồn. Hàng loạt công ty công nghệ khác ở Thung lũng Silicon đang lần lượt xác nhận thua lỗ và phải cắt giảm nhân sự.
Layoffs.fyi, trang chuyên theo dõi dữ liệu sa thải của Thung lũng Silicon, tiết lộ rằng khoảng 375 công ty khởi nghiệp đã giảm hơn 42.000 nhân viên từ ngày 11/3. Một số công ty quen thuộc như TripAdvisor đã chia tay 1.100 người, Kayak giảm 400 người, Expedia giảm 3.000 người, Groupon giảm 2.800 người, Yelp giảm 1.000 người, GoPro giảm 200 người.
Những tập đoàn công nghệ lớn, có tiềm lực tài chính mạnh như Netflix, Google, SAP, Slack, Apple, Microsoft cũng tạm thời dừng hoạt động tuyển nhân sự hoặc giảm chỉ tiêu tuyển dụng so với kế hoạch ban đầu.
Dường như Facebook, Amazon là hai tập đoàn công nghệ duy nhất vẫn tuyển dụng khi COVID-19 chưa kết thúc. Facebook sẽ tuyển thêm khoảng 10.000 nhân viên trên toàn cầu vào cuối năm nay để bổ sung nhân lực cho nhóm sản phẩm và kỹ thuật. Amazon dự định tuyển thêm 20.000 kiến trúc sư công nghệ và nhân viên nhà kho.
COVID-19 không tác động tới những công việc kĩ thuật phổ biến trong lĩnh vực điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo. ServiceNow, nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây ở Thung lũng Silicon, còn có kế hoạch tuyển thêm 1.000 người.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/