Làn sóng hủy đơn hàng, thanh toán chậm vì COVID-19 khiến ngành dệt may toàn cầu thêm khốn đốn
Kanvid Studio – công ty quảng cáo ngành thời trang – đã tránh hậu quả tệ nhất của đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 nhờ một số điều chỉnh nhanh từ khách hàng bán lẻ. Họ đã thay thế doanh số giảm ở cửa hàng bằng doanh số bán hàng trực tuyến.
Song Theodore O'Mahony, giám đốc của Kanvid Studio, hiểu rằng may mắn của công ty chỉ là một ngoại lệ, chứ không phải qui luật chung, theo SCMP.
Nhiều khách hàng nói với ông rằng tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn trong ngành thời trang và dệt may toàn cầu, và tình trạng khó khăn sẽ tồn tại tới tận cuối năm sau.
"Chúng tôi đang thấy sự chậm trễ nhẹ trong việc gửi mẫu hàng tới công ty do một số nhà cung cấp phải ngừng hoạt động ở Trung Quốc. Phần lớn khách hàng đã phục hồi hoạt động và có vẻ như chúng tôi đã thấy sự cải thiện. Tuy vậy, tôi nghi rằng trong thời gian tới trong năm, số lượng mẫu trang phục sẽ giảm hoặc số lượng đơn hàng giảm do khách hàng cố gắng giảm thiểu nguy cơ tích trữ quá nhiều sản phẩm", Theodore phát biểu.
Ngành dệt may, thời trang chuẩn bị đối phó suy thoái
Giống như nhiều doanh nhân khác trong ngành dệt may toàn cầu, Theodore đang chuẩn bị đối mặt tình trạng suy thoái trong bối cảnh khách hàng cao cấp giảm ngân sách tiếp thị do nhu cầu mua hàng thời trang xa xỉ lao dốc.
"Nhiều dấu hiệu mạnh cho thấy ngành dệt may toàn cầu – từ sản xuất tới quảng cáo và thiết kế thời trang – đang trên đà hướng tới thời kì giảm sâu do số lượng nhà bán lẻ hủy hoặc giảm đơn hàng tăng dần", Miran Ali, người phát ngôn của Mạng lưới Dệt may bền vững Khu vực Đông Á (STAR), phát biểu.
STAR là mạng lưới các hiệp hội dệt may thúc đẩy tính bền vững trong ngành dệt may. Thành viên của STAR là các nhà sản xuất từ Trung Quốc, Bangladesh, Campuchia, Myanmar, Pakistan và Việt Nam.
Ali nhận định rằng, ngay cả khi doanh số bán hàng trực tuyến tăng, ngành dệt may và thời trang sẽ không thể tránh sự suy giảm gần 50% nhu cầu mua quần, áo.
Sự xáo trộn mà đại dịch COVID-19 gây ra có thể làm thay đổi ngành dệt may, với sự biến mất của những doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc và Đông Nam Á.
"Trung Quốc có thể củng cố vị thế nhà sản xuất dệt may lớn nhất thế giới và tái xác lập vị thế bằng cách tạo ra những thương hiệu thời trang lớn của riêng họ để tận dụng nhu cầu nội địa, trong bối cảnh các nhà bán lẻ thời trang phương Tây đang hứng chịu tổn thất nặng từ cuộc cách mạng thương mại điện tử", Ali lập luận.
Mặc dù vậy, hiện tại ngành dệt may Trung Quốc cũng đang chật vật trong nỗ lực phục hồi sau đại dịch. Đơn hàng xuất khẩu của ngành dệt may Trung Quốc giảm trong tháng 4 bất chấp sự phục hồi hoạt động của hầu hết doanh nghiệp dệt may vào cuối tháng 3, theo số liệu của Hội đồng Dệt may và Thời trang Quốc gia Trung Quốc (CNTAC).
CNTAC xác nhận kim ngạch xuất khẩu quần, áo của Trung Quốc trong quí I giảm 22,7 tỉ USD so với cùng kì năm ngoái, tương đương mức giảm 18%.
Giá các loại vải cao cấp như lụa đã giảm khoảng 30% từ đầu năm, trong khi lượng hàng tồn kho của các nhà máy sản xuất lụa đang tăng dần, theo CNTAC.
Tình trạng hủy hợp đồng, không thanh toán diễn ra hàng loạt
Cơn bĩ cực của ngành dệt may là sự tích tụ của tình trạng sa sút trong chuỗi cung ứng quần, áo toàn cầu trong 4 tháng qua, bắt đầu với sự tắc nghẽn về nguyên liệu thô ở Trung Quốc hồi tháng 1 do lệnh phong tỏa của chính phủ, rồi phong trào tái đàm phán về thanh toán của các nhà bán lẻ, và làn sóng hủy đơn hàng quần, áo đột ngột từ giữa tháng 3, theo một báo cáo của Trung tâm Vì quyền lợi người lao động toàn cầu.
"Một số đơn hàng đã hoàn tất và người bán đã sẵn sàng vận chuyển, song người mua từ chối nhận hàng hoặc không thanh toán khi nhận hàng", báo cáo nhấn mạnh.
Hồi đầu tháng 4, hơn một nửa nhà sản xuất dệt may trên thế giới vật lộn với tình trạng hủy đơn hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Những nước sản xuất dệt may lớn nhất – vốn đã hưởng lợi trong vài năm gần đây do các doanh nghiệp tìm nơi có chi phí lương thấp – đã chịu tổn thất kinh tế lớn nhất bởi dịch COVID-19.
Primark, chuỗi cửa hàng thời trang giá rẻ thuộc sở hữu của Associated British Foods, là một trong những thương hiệu bỏ mọi đơn hàng ở Bangladesh dù trước đó họ cam kết hỗ trợ thời trang bền vững và hành vi mua quần, áo có đạo đức.
Những nước sản xuất dệt may lớn như Bangladesh, Campuchia và Việt nam đã kêu gọi bên mua tôn trọng hợp đồng, trong bối cảnh các nhà máy dệt may ở một số nước Đông Nam Á vẫn đóng cửa.
"Mọi bên trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu đang cảm nhận gánh nặng cực lớn do đại dịch COVID-19 gây nên. Tuy nhiên, các nhà máy dệt may đang hoạt động với biên lợi nhuận cực thấp và khả năng chịu gánh nặng của họ cũng rất thấp so với khách hàng của họ. Hậu quả nghiêm trọng đang đè lên công nhân của chúng tôi, những người đang vật lộn để có thức ăn mỗi ngày", Hiệp hội Các nhà sản xuất dệt may Campuchia bình luận trong một thư ngỏ hồi tháng trước.
Nền công nghiệp dệt may Trung Quốc sẽ mạnh hơn sau COVID-19
Herman Leung, giám đốc vận hành của tập đoàn dệt may Dakota ở Hong Kong, nói rằng ngành dệt may phức tạp của Trung Quốc sẽ có thể chống chọi tốt trong đại dịch, chủ yếu nhờ chuỗi cung ứng hiệu quả, năng lực nghiên cứu và phát triển cao, khả năng thay đổi sản xuất nhanh để phù hợp với biến động nhu cầu.
"Giai đoạn mà các nhà máy Trung Quốc sản xuất đơn hàng tiêu chuẩn 2 triệu sản phẩm chỉ còn là dĩ vãng. Bây giờ họ có thể sản xuất rất nhiều mẫu thiết kế và có thể thay đổi sản xuất rất nhanh" Herman Leung, phát biểu. Tập đoàn dệt may Dakota của ông cũng có nhà máy ở Trung Quốc, Campuchia và Myanmar.
Vị giám đốc nhận xét những tổ hợp sản xuất của giới doanh nghiệp dệt may Trung Quốc rất tinh gọn, mạnh mẽ và có thể ứng phó hiệu quả với những thay đổi. Thậm chí nhiều xưởng dệt may ở Trung Quốc còn có robot và hệ thống treo tự động.
"Với hệ thống sản xuất linh hoạt và tinh gọn như thế, tôi có thể ra quyết định trong vòng một giờ để tăng sản lượng", Herman Leung bình luận.
Tập đoàn Dệt may Dakota giảm lương của cấp quản lí nhưng chưa phải đóng bất kì nhà máy nào của họ, theo Herman Leung. Ông dự báo tương lai ngành dệt may ở Trung Quốc sẽ vững mạnh hơn sau khủng hoảng, đặc biệt khi chuỗi cung ứng của họ tích hợp với Việt Nam và Campuchia, cũng như vai trò là trung tâm nghiên cứu và phát triển ngành dệt may toàn cầu.
Mặc dù nền công nghiệp dệt may của Trung Quốc khá phát triển, nước này cần một thời gian dài để tạo ra những thương hiệu bán lẻ hàng dệt may để cạnh tranh với những doanh nghiệp phương Tây như H&M hay Zara, theo nhận xét của Ali.
"Viễn cảnh ấy có thể xảy ra, nhưng nó sẽ chỉ xảy ra sau 3-5 năm nữa", ông bình luận.