|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao người Mỹ giàu lên trong đại dịch và điều đó có xảy ra tại Việt Nam?

07:05 | 04/07/2021
Chia sẻ
Dù cho đại dịch COVID-19 gây ra ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế nhưng có một điều kỳ lạ là rất nhiều người Mỹ đang giàu lên và đa phần là nhóm đã có tài sản tích trữ sẵn.

Theo Wall Street Journal, đại dịch COVID-19 đã khiến nước Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái, nhưng thay vì trở nên nghèo hơn, nhiều người lại giàu lên trông thấy.

Số liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy tài sản các hộ gia đình Mỹ đã tăng thêm 13.500 tỷ USD vào năm ngoái, mức tăng kỷ lục lớn nhất trong vòng ba thập kỷ. Nhiều người Mỹ đã trả hết nợ thẻ tín dụng, tiết kiệm nhiều hơn và còn được tái cấp vốn các khoản thế chấp rẻ hơn.

Khi đọc tới đây, nhiều người đã không khỏi đặt ra nghi vấn về dữ liệu trên "có sai hay không?". Bởi vì khi nền kinh tế suy yếu, nhiều hoạt động kinh doanh khó khăn, đình trệ sẽ khiến thu nhập của người dân giảm đi chứ sao lại giàu lên?

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, ngay cả nguồn tiền trợ cấp khổng lồ từ Chính phủ Mỹ cũng không thể nào làm được điều đó. 

"Chính Phủ Mỹ và cả những nước phát triển khi trợ cấp cho dân đều tính toán rất kỹ. Hiển nhiên không bao giờ xảy ra chuyện người đi làm lại có thu nhập ít hơn người ở nhà lĩnh tiền trợ cấp và rõ ràng là các đối tượng phải nhận tiền trợ cấp thì sẽ không thể giàu lên vì thu nhập đã giảm", chuyên gia cho biết.

Vậy điều gì đang xảy ra ở Mỹ?

Đại dịch COVID-19 có phạm vi ảnh hưởng lớn chưa từng có trong kỷ nguyên hiện đại. Và kèm theo đó, những phản ứng tài chính của chính phủ Mỹ cũng vậy, họ đã chi hàng nghìn tỷ USD để giữ cho nền kinh tế đứng yên, không bị "lún" quá sâu.

Chính những hành động này là trung tâm của sự bất thường trong cả tình trạng suy thoái và phục hồi của nền kinh tế. 

Lãi suất chạm đáy thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán nhằm gia tăng tài sản, từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp đến cả những người lao động bị mắc kẹt tại nhà.

Bất chấp đại dịch, người Mỹ vẫn giàu lên và Việt Nam cũng vậy, vì sao? - Ảnh 1.

Ảnh: WSJ/Việt hóa: Thùy Trang

Ở Mỹ, khoảng cách giàu nghèo đang là rất lớn nên không khó hiểu khi các hộ gia đình khá giả có nhiều khả năng sở hữu cổ phiếu hơn. Theo WSJ, hơn 70% tài sản gia tăng của hộ gia đình trong giai đoạn này thuộc về Top 20% người Mỹ có thu nhập cao nhất và 1/3 trong số đó thuộc Top 1% (nhóm những người giàu có bậc nhất nước Mỹ và cả thế giới).

Nhóm người Mỹ kiếm được nhiều tiền nhất trong năm 2020 là những người có khối tài sản lớn trong tay. Giá trị của những khoản đầu tư vào nhà cửa, cổ phiếu và tài khoản quỹ hưu trí đã tăng vọt, điều này khác xa với những gì các nhà kinh tế dự đoán.

Ví dụ, ở thời điểm đại dịch tấn công nước Mỹ lần đầu tiên, cổ phiếu đã tăng theo hình xoắn ốc. Sau đó, Fed giảm lãi suất xuống gần bằng 0, khởi động hàng loạt chương trình cho vay khẩn cấp và mua nợ chính phủ quy mô lớn. 

Khi đó, các nhà đầu tư đổ xô vào chứng khoán mà không phải lo sợ thị trường sẽ đóng băng. Việc người dân ở nhà nhiều đã giúp các ông lớn công nghệ "bay cao" trên thị trường chứng khoán. Trong nửa cuối năm, S&P 500 đã lập kỷ lục mới 33 lần.

Đáng chú ý, giá nhà vốn có xu hướng giảm trong thời kỳ kinh tế suy thoái thì nay lại tăng vọt. Đại dịch đẩy nguồn cung nhà, vốn đã thiếu nay còn thiếu hụt trầm trọng hơn.

Giá bán trung bình của một ngôi nhà lần đầu tiên vượt qua 300.000 USD vào năm ngoái và tiếp tục tăng cao, đạt mức 350.000 USD vào tháng 5/2020. Các nhà kinh tế kỳ vọng tăng trưởng giá nhà sẽ vừa phải vào năm 2021 nhưng sẽ không giảm.

Điều tương tự đang xảy ra tại Việt Nam

Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, việc người Mỹ giàu lên nhờ thị trường chứng khoán là không có gì lạ, tương tự Việt Nam. 

Vì sao người Mỹ giàu lên trong đại dịch và điều đó có xảy ra tại Việt Nam? - Ảnh 2.

Chuyên gia Kinh tế Đinh Thế Hiển. (Ảnh: BizLIVE).

"Khi chỉ số VN index vượt 1.400 điểm, có nhiều triệu phú, tỷ phú USD mới xuất hiện do giá cổ phiếu tăng quá mạnh. Có cổ phiếu tăng 4 - 6 lần trong vòng một năm. Dù hai nền kinh tế đều đang gặp khó khăn, các doanh nghiệp vẫn đang xin giãn nợ, nhưng do chứng khoán tăng mạnh nên người dân vẫn giàu lên", ông Hiển nhận xét.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng "chứng khoán tăng không phải từ nền tảng kinh tế thuận lợi, doanh nghiệp phát triển tốt mà lại "từ số đông bỏ tiền vào mua chứng khoán khiến "cầu nhiều hơn cung" thì cũng dễ dàng bị suy giảm khi nhà đầu tư phát hiện đủ lời, rút tiền về".

Ông chia sẻ trên trang cá nhân: Tại thị trường chứng khoán Mỹ, luôn nhớ câu của John Templeton, nhà đầu tư huyền thoại của thế kỷ 20: "Thị trường đầu cơ sinh ra trong sự ảm đạm, lớn lên bằng sự hoài nghi, phát triển nhờ sự lạc quan và chết bởi sự thỏa mãn".

Và giới đầu cơ biết rằng khi thị trường đã đến lúc ảo, thì canh bán rút lời. Nếu không thì "Trong chớp mắt, thị trường có thể cướp đi mọi thứ của bạn" - theo chuyên gia đầu tư Jim Cramer".

Chuyên gia Đinh Thế Hiển cũng chia sẻ bản thân từng chứng kiến rất nhiều người "chơi" mạnh để kiếm tiền lớn trong chứng khoán. Tài sản có lúc lên vài chục tỷ sau một năm đầu tư nhưng lại không giữ vững phong độ được sau đó.

Thùy Trang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.