Làm giàu trên YouTube và TikTok: 90% không kiếm nổi bát phở mỗi tháng, phải nộp lại 45% doanh thu
TikTok và YouTube đều là những ứng dụng mạng xã hội hàng đầu thế giới hiện nay. Hai ứng dụng này có tới hàng tỷ lượt tải về trên cả hệ điều hành Android và iOS.
Không đơn thuần là một kênh giải trí, cả TikTok và YouTube đồng thời cũng là những kênh kiếm tiền tiềm năng với rất nhiều người, đặc biệt là những bạn trẻ. Chỉ cần có những ý tưởng nội dung độc đáo, người dùng hoàn toàn có thể ngồi nhà mà vẫn kiếm được tiền.
Kiếm tiền trên YouTube không dễ
Về quá trình hình thành và phát triển, YouTube là ứng dụng có tuổi đời lâu hơn. YouTube được thành lập bởi ba cựu nhân viên PayPal gồm Chad Hurley, Steve Chen và Jawed Karim. Sau đó, ứng dụng này được Google mua lại vào năm 2005 với giá 1,65 tỷ USD.
Hiện tại, YouTube đang hoạt động với tư cách là một trong những công ty con của Google. Năm 2019, Alphabet Inc, công ty mẹ của Google lần đầu công bố doanh thu của YouTube sau 14 năm hoạt động. Theo đó, chỉ tính doanh thu từ phí thuê bao và các dịch vụ không quảng cáo, YouTube đã thu về 750 triệu USD.
Các nội dung trên YouTube thường rất đa dạng và có độ dài không cố định. Độ dài trung bình của các video được đăng tải lên YouTube rơi vào khoảng gần 5 phút. Dù vậy, vẫn có những nội dung có thời lượng dài hơn.
Trong vài năm gần đây, những câu chuyện về việc khởi nghiệp làm Youtuber xuất hiện dày đặc trên các mặt báo. Giới trẻ trên toàn thế giới không còn xa lạ gì với gương mặt nổi tiếng như PewDie-Pie hay tại Việt Nam là Độ Mixi. Hiện tại, kênh YouTube của PewDie Pie có tới 110 triệu lượt đăng ký, hay với Độ Mixi là hơn 5 triệu lượt đăng ký.
Tính đến năm 2017, tổng lượt theo dõi trên kênh YouTube của PewDie Pie lên tới gần 15 tỷ lượt, qua đó giúp anh chàng gốc Thụy Điển có thu nhập lên tới 12 triệu USD/năm.
Trong khi đó, thu nhập của streamer Độ Mixi vẫn luôn là một ẩn số khiến dân mạng phải tò mò. Mặc dù luôn xác nhận trên kênh stream rằng bản thân có thu nhập khoảng 7,8 triệu đồng/tháng nhưng theo thống kê của SocialBlade, kênh Youtube của streamer này thu về khoảng gần 13.000 USD đến hơn 203.000 USD, thu nhập ước tính hàng năm khoảng 152.000 USD đến 2,4 triệu USD (tương đương 3,5 tỷ đồng đến hơn 55 tỷ đồng).
Chính thành công của những cái tên này đã đem lại niềm cảm hứng cho rất nhiều người tham gia YouTube để kiếm tiền. Có rất nhiều hình thức để kiếm tiền thông qua YouTube, nhưng phổ biến nhất có lẽ là đăng ký tham gia YouTube Partner.
Điều kiện để có thể kiếm tiền từ quảng cáo của YouTube đầu tiên là kênh YouTube cần phải có ít nhất 4.000 giờ xem trong một năm và có ít nhất 1.000 người đăng ký. Số tiền kiếm được tùy thuộc vào số lượt xem quảng cáo do Google chuyển vào các video clip theo cách tính của công ty này.
Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần một chiếc máy tính, một chiếc máy quay và khả năng "chém gió" là có thể kiếm được tiền qua YouTube. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy. Tất nhiên, nếu bạn là người nổi tiếng, việc kiếm tiền sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Ngược lại, bạn cần có một sự sáng tạo trong việc lên ý tưởng nội dung cho các clip và video nhằm giữ chân người xem. Bên cạnh đó, nếu vi phạm bản quyền, YouTube có thể tắt chức năng kiếm tiền của bất kỳ kênh nào.
YouTube hiện nay trả tiền theo 1.000 lượt xem cho một đoạn quảng cáo dài 30 giây. Nói một cách chính xác, dù một clip có hàng triệu lượt xem thì YouTube cũng chỉ trả tiền theo số lượng người bấm vào các quảng cáo được hiển thị trong clip. Ngoài ra, số tiền thu được cũng tùy thuộc vào quốc gia bạn đang sinh sống.
Một thống kê đáng buồn từ chính YouTube chỉ ra rằng có tới 90% các kênh trên ứng dụng này không kiếm nổi 2,5 USD/tháng bởi người dùng sẽ phải nộp lại tới 45% thu nhập cho chính YouTube, ngoài ra họ còn phải tự lo các khoản chi phí khác.
TikTok - nhân tố mới thay đổi cuộc chơi
Về phần TikTok, ứng dụng này ra đời vào năm 2017 tại thị trường bên ngoài Trung Quốc. Sau đó, ByteDance, công ty mẹ của TikTok đã mua lại Musical.ly, đối thủ cạnh tranh của TikTok với giá 1 tỷ USD và sáp nhập hai ứng dụng.
Dù ra đời muộn hơn nhưng TikTok lại có tốc độ phát triển đáng kinh ngạc. Hiện tại, ứng dụng này đã có hàng tỷ lượt tải về trên tất cả các nền tảng khác nhau và có khoảng 800 triệu người dùng thường xuyên. Con số này thậm chí vượt qua cả Twitter và Snapchat.
Năm 2019, tổng doanh thu, bao gồm cả tiền quảng cáo của TikTok đạt 150 triệu USD. Song qua 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát vô tình trở thành động lực tăng trưởng cho TikTok.
Theo một thống kê từ Bloomberg, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2020, mức tăng trưởng của TikTok đạt 1.000%/tháng. Điều này giúp ByteDance có định giá hơn 75 tỷ USD, qua đó trở thành startup có giá trị cao nhất toàn cầu.
So với nhiều nền tảng khác trên thị trường, Tiktok đang sở hữu lượng người dùng trẻ nhất hiện nay. Do đó, dù có tiềm năng tiếp cận nhiều độ tuổi khác nhau nhưng ứng dụng này vẫn tập trung hơn vào giới trẻ.
Không đơn thuần là một kênh giải trí, TikTok cũng là một kênh kiếm tiền tiềm năng với rất nhiều người trẻ. Chỉ cần có những ý tưởng nội dung độc đáo, người dùng hoàn toàn có thể ngồi nhà mà vẫn kiếm được tiền.
Mỗi video trên TikTok thường có độ dài không quá một phút, trái ngược với YouTube, khiến việc phát quảng cáo trên ứng dụng này gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, phần đông người dùng hiện nay lại cảm thấy việc phát quảng cáo gây ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ mà họ sử dụng, do đó TikTok phần nào chiếm được thiện cảm hơn so với YouTube.
Trong khi YouTube có YouTube Partner thì TikTok lại không có chương trình nào để giúp người dùng kiếm tiền. Dù vậy, vẫn có một số cách ví dụ như bán hàng, PR thương hiệu sản phẩm, kêu gọi ủng hộ, trở thành người có sức ảnh hưởng (Influencer),...
Ngoài ra, do thời lượng ngắn nên người dùng buộc phải phát triển nội dung thật sáng tạo, nếu không các thuật toán của TikTok sẽ không đẩy sản phẩm tiếp cận nhiều người