|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao người đã bình phục COVID-19 lại tái dương tính?

22:32 | 16/08/2020
Chia sẻ
Với những trường hợp có tổn thương phổi, các tế bào nhiễm virus sẽ bị vỡ và giải phóng vật liệu di truyền của virus. Dù không gây bệnh nhưng các vật liệu này vẫn bị bài xuất ra khỏi phổi. Khi đó, xét nghiệm ở những hệ thống nhạy có vật liệu di truyền vẫn cho kết quả dương tính.

Hàn Quốc đã ghi nhận hơn 150 bệnh nhân tái dương tính virus SARS-CoV-2 vào tháng 4. Gần đây Trung Quốc cũng ghi nhận một phụ nữ ở tỉnh Hồ Bắc mắc COVID-19 sau 6 tháng được tuyên bố khỏi bệnh. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam cũng đã ghi nhận 11 trường hợp dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2.

Theo The Korea Herald, Tổng Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc (KCDC) cho biết các cơ quan y tế nước này đang nghiên cứu dịch tễ học và các thử nghiệm lâm sàng để xem những người tái dương tính có lây nhiễm cho người khác hay không.

Giả thuyết cho lí do tái dương tính, các quan chức đứng đầu của KCDC khẳng định, khả năng nhiều nhất là do sự kích hoạt lại các virus SARS-CoV-2 còn sót lại trong cơ thể bệnh nhân. 

Vì sao người đã bình phục COVID-19 lại tái dương tính? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế Việt Nam lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Reuters.

Nếu một bệnh nhân chưa đủ khả năng miễn dịch chống lại virus, hoặc nếu hệ miễn dịch suy yếu sau khi bình phục, thì mức độ tập trung virus không được phát hiện trước đó có thể bùng phát trở lại. Hoặc virus SARS-CoV-2 có thể có khả năng ở trạng thái không hoạt động trước khi được kích hoạt lại.

Giải thích về điều này, theo TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, với những trường hợp có tổn thương phổi, các tế bào nhiễm virus sẽ bị vỡ và giải phóng vật liệu di truyền của virus. Mặc dù những vật liệu này không gây bệnh nhưng vẫn bị bài xuất ra khỏi phổi. Khi đó, xét nghiệm ở những hệ thống nhạy có vật liệu này vẫn cho kết quả dương tính.

Một khả năng khác là các xét nghiệm đang chọn các hạt virus chết không còn lây nhiễm hoặc không thể lây truyền được nữa. 

Tổng giám đốc KCDC cho biết các virus thu thập được từ 6 trường hợp tái phát không thể nuôi cấy được trong sự cô lập, thể hiện rằng chúng đã chết, tuy nhiên, một số bệnh nhân tái phát có kèm triệu chứng, dù là triệu chứng nhẹ.

Giả thuyết tái nhiễm thông qua sự lây lan mầm bệnh từ một người khác đang mang virus ít có khả năng xảy ra hơn, vì hầu hết bệnh nhân dương tính lại không lâu sau khi họ bình phục.

KCDC cho biết, các trường hợp tái nhiễm được phát hiện trung bình 13,5 ngày sau khi hồi phục. Tuy nhiên, theo báo cáo khoảng thời gian dài nhất tái nhiễm là 35 ngày.

KCDC cũng đã đề cập đến những sai sót trong thử nghiệm hoặc thu thập mẫu như những nguyên nhân tiềm ẩn.

Vì sao người đã bình phục COVID-19 lại tái dương tính? - Ảnh 2.

Việc sai sót trong xét nghiệm là khó có thể xảy ra vì kĩ thật rT-PCR rất nhạy, chỉ cần thấy sót lại một vài vật liệu di truyền của virus cũng sẽ có kết quả dương tính (Ảnh minh họa: Discovery Magazine).

Tuy nhiên, TS Phạm Quang Thái cũng khẳng định, việc sai sót trong xét nghiệm là khó có thể xảy ra vì kĩ thật rT-PCR rất nhạy, chỉ cần thấy sót lại một vài vật liệu di truyền của virus cũng sẽ có kết quả dương tính.

Trả lời báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng thuộc Bộ Y tế, cho biết về lí thuyết, bệnh nhân dương tính có thể lây bệnh cho người khác.

Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam chưa phát hiện ra những ca lây nhiễm từ những bệnh nhân tái dương tính này. Điều này cũng phù hợp với thực tế và nghiên cứu tại Hàn Quốc - nơi đã có hơn 160 ca tái dương tính. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không nên chủ quan do virus SARS-CoV-2 rất mới, "rất biến ảo", khó lường, TS Trần Đắc Phủ khẳng định.

Dù không có câu trả lời dứt khoát, các nhà chức trách hiện vẫn khuyến khích những bệnh nhân đã bình phục nên ở nhà thêm hai tuần và theo dõi các triệu chứng.

Minh Hằng