|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vì sao Lộc Trời báo lãi thấp nhất 9 năm dù doanh thu đạt kỷ lục?

08:34 | 29/01/2024
Chia sẻ
Giá vốn và các chi phí đều tăng mạnh trong năm, chủ yếu là chi phí lãi vay, lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái và phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi là nguyên nhân chính kéo lợi nhuận ròng của Lộc Trời về đáy kể từ khi công bố báo cáo tài chính.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, doanh thu thuần của Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) tăng 90% so với cùng kỳ lên 5.820 tỷ đồng. Giá vốn tăng với mức thấp hơn mức tăng của doanh thu thuần nên biên lãi gộp được cải thiện lên 26,2%.

Doanh thu từ hoạt động tài chính đi xuống do không còn ghi nhận lợi nhuận được chia từ hợp đồng hợp tác kinh doanh như cùng kỳ. Trong khi đó các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí lãi vay đều tăng hai đến ba chữ số.

Trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế cổ đông ty mẹ (lợi nhuận ròng) của Lộc Trời tăng 18% lên 247 tỷ đồng.

Cả năm 2023, doanh thu thuần đạt 16.068 tỷ đồng, tăng 37% so với năm trước đó và cao nhất kể từ khi công bố báo cáo tài chính năm.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính quý IV/2023. 

Kết quả này có được trong bối cảnh năm qua, Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu gạo cao đạt kỷ lục với 4,78 tỷ USD, tăng 38% so với năm 2022. Giá gạo Việt Nam cũng lập đỉnh trong 15 năm.

Trong cơ cấu doanh thu năm 2023, doanh thu từ lương thực - lúa gạo đem về 11.233 tỷ đồng, tăng 75% và đóng góp 70% vào doanh thu của doanh nghiệp. Mảng hạt giống tăng hơn 7% lên hơn 713 tỷ đồng. Trong khi đó, mảng thuốc bảo vệ thực vật giảm 4% xuống 4.218 tỷ đồng.

Dù mảng gạo đóng góp doanh thu lớn nhất nhưng giá vốn cũng tăng cao, khiến biên lãi gộp của mảng này chỉ đạt 2,2% trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với con số 56% của mảng thuốc bảo vệ thực vật hay 25% của mảng hạt giống.

Nhìn chung giá vốn các mặt hàng và các chi phí đều tăng mạnh trong năm, chủ yếu là chi phí lãi vay, lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái và phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi. Trong năm, doanh nghiệp đã có hai quý lỗ, lần lượt lỗ 81 tỷ đồng trong quý I và lỗ kỷ lục hơn 327 tỷ đồng trong quý III.

Cả năm, lợi nhuận ròng của Lộc Trời còn 265 tỷ, giảm 36% so với năm 2022 và thấp nhất 9 năm. Với kết quả này, công ty vượt 37% kế hoạch doanh thu nhưng mới thực hiện được 64% mục tiêu lợi nhuận năm 2023.

Trong năm 2023, Lộc Trời đã có hai quý lỗ lớn, lần lượt lỗ 81 tỷ đồng trong quý I và lỗ kỷ lục hơn 327 tỷ đồng trong quý III, kéo kết quả lợi nhuận ròng về đáy kể từ khi lên UPCoM, dù doanh thu đạt mức kỷ lục. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính).

Tính đến 31/12/2023, tổng tài sản của Lộc Trời đạt hơn 11.710 tỷ đồng, tăng 34% so với đầu năm. Mức tăng này đến chủ yếu từ khoản phải thu ngắn hạn khi tăng 111% lên 6.565 tỷ đồng, chiếm 56% tổng tài sản. Trong đó công ty ghi nhận hơn 1.035 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi và phải trích lập dự phòng gần một nửa.

Hàng tồn kho tại cuối kỳ còn 1.970 tỷ, giảm 7% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi còn 490 tỷ đồng. Năm qua công ty nhận về 33 tỷ đồng lãi tiền gửi.

Trong khi đó, dư nợ vay tài chính trên 6.300 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn từ các ngân hàng, gấp 1,9 lần vốn chủ sở hữu. Năm ngoái, Lộc Trời đã đi vay gần 15.449 tỷ đồng và trả nợ gốc vay 12.984 tỷ. Chi phí lãi vay 582 tỷ cho cả năm cũng là một trong những nguyên nhân kéo kết quả lợi nhuận công ty đi xuống như đã đề cập ở trên.

Cuối năm, vốn chủ sở hữu đạt 3.314 tỷ, với lợi nhuận sau thuế chưa phân phối xấp xỉ 1.258 tỷ đồng.

Minh Hằng