Vì sao lãi suất liên ngân hàng xuống đáy 3 năm nhưng lãi suất huy động vẫn ở mức cao?
Lãi suất liên ngân hàng chạm đáy hơn 3 năm
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến ngày 28/5, lãi suất cho vay tiền đồng liên ngân hàng đã giảm xuống mức rất thấp. Cụ thể, lãi suất kì hạn qua đêm giảm còn 0,28%/năm, 1 tuần còn 0,63%/năm, 2 tuần còn 0,69%/năm, 1 tháng 1,28%/năm, 3 tháng 2,84%/năm, 6 tháng 4,55%/năm…
Như vậy, so với cuối tháng 4, lãi suất cho vay tiền đồng qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã giảm hơn 1,83 điểm % (từ 2,11%/năm xuống còn 0,28%/năm); còn so với hồi đầu năm, loại lãi suất này đã giảm 2,16 điểm % và đã chạm vùng thấp nhất trong hơn 3 năm qua.
Không chỉ kì hạn qua đêm, lãi suất các kì hạn 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng cũng giảm 0,8 - 2 điểm % tùy từng kì hạn so với mức giao dịch hồi đầu năm.
Lãi suất liên ngân hàng bắt đầu lao dốc mạnh sau khi NHNN thông báo giảm đồng loạt 0,5 điểm % các loại lãi suất điều hành từ 13/5. Đây là lần cắt giảm lãi suất điều hành lần thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng và lần thứ ba trong vòng 1 năm qua của nhà điều hành.
Đi cùng với quyết định giảm lãi suất điều hành, liên tục trong 7 tuần qua, NHNN gần như không phát hành phát hành tín phiếu để hút tiền về trong khi có tới hàng trăm nghìn tỉ đồng tín phiếu đáo hạn. Điều này đồng nghĩa nhà điều hành đã bơm ròng một lượng tiền lớn vào thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong những tuần vừa qua.
"Sau 1 tháng liên tục đáo hạn, lượng tín phiếu lưu hành đã giảm mạnh từ 147.000 tỉ đồng xuống còn 38.000 tỉ đồng, tương ứng với 109.000 tỉ đồng được bơm trở lại hệ thống ngân hàng khiến lãi suất trên liên ngân hàng liên tục giảm và về vùng thấp nhất trong vòng hơn 3 năm trở lại đây", Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI nhận định.
Trong bối cảnh lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm sâu và thanh khoản hệ thống ở trong trạng thái rất dồi dào, lãi suất trên thị trường huy động tiền gửi giữa ngân hàng và dân cư vẫn được neo ở mức khá cao.
Khảo sát tại các ngân hàng, lãi suất huy động áp dụng cho các kì hạn từ 12 tháng trở lên phổ biến trong khoảng 7 - 8%/năm, thậm chí vượt 8% khi khách hàng tham gia các chương trình khuyến mãi và kịch mức trần cho phép đối với kì hạn dưới 6 tháng là 4,25%.
Trước đó, sau khi NHNN giảm trần lãi suất huy động tiền gửi dưới 6 tháng xuống còn 4,25%/năm, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động tiền gửi dưới 6 tháng với mức giảm phổ biến từ 0,15 đến 0,25 điểm %. Tuy nhiên, tại các kì hạn trên 6 tháng, lãi suất hầu như vẫn được giữ nguyên hoặc giảm không đáng kể.
Vì sao lãi suất huy động trên 6 tháng vẫn chưa thể giảm sâu?
Tại Tọa đàm "Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng", ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, nhận định thời điểm hiện nay là cơ hội vàng để Việt Nam giảm lãi suất. Tuy nhiên, ông Hòe đặt câu hỏi NHNN đã giảm các lãi suất điều hành 1% từ đầu năm, tại sao lãi suất huy động không giảm.
"Lãi suất trái phiếu Chính phủ xuống rất thấp, theo lí thuyết về đường cong lãi suất thì đáng lẽ lãi suất huy động trên thị trường cũng phải giảm nhưng thực tế không giảm. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại vẫn cao, trừ kì hạn dưới 6 tháng. Có thể do độ trễ chính sách nhưng tôi nghĩ còn nhiều vấn đề khác", vị chuyên gia này cho biết.
Lí giải về việc ngân hàng vẫn phải huy động với lãi suất cao, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng áp lực chi phí vốn tăng dần sẽ khiến các ngân hàng phải dần hạ lãi suất huy động, tuy nhiên vì sự nhạy cảm giữa lãi suất và cung cầu vốn tại Việt Nam còn yếu nên lãi suất vẫn chưa thể hạ ngay.
Theo ông Tú Anh, trong bối cảnh này, NHNN sẽ đóng vai trò rất quan trọng để giảm lãi suất và cơ quan này cần bắc cầu ghép, để luân chuyển tiền. Cụ thể, ngành ngân hàng đang triển khai giãn nợ, cơ cấu nợ, khiến dòng tiền trả về từ người đi vay chậm lại, do đó NHNN cần phải có một cầu nối để bù đắp khoảng thời gian giãn nợ, tạo điều kiện cho các ngân hàng cân đối nguồn vốn.
Ông Tú Anh nhận định, trong tương lai, lãi suất huy động cũng sẽ hạ khi lãi suất liên ngân hàng đang giảm mạnh.
"Những ngày gần đây, lãi suất liên ngân hàng đã giảm rất sâu, xuống mức kỉ lục khi lãi suất kì hạn 1 tháng chỉ còn 1,8%/năm. Đây là nguồn vốn giá rẻ, qua đó dần dần lãi suất huy động sẽ hạ xuống, dựa trên cơ chế thị trường, không thể mãi duy trì cao được", ông Tú Anh nhận định.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, vấn đề giảm lãi suất không chỉ được đề cập trong dịch COVID-19, mà là điều đã nói lâu nay. Quá trình này phụ thuộc vào 3 yếu tố.
Thứ nhất là chất thị trường của lãi suất còn yếu (do vẫn mang tính hành chính). Thứ hai là hoạt động liên ngân hàng, mối liên hệ trong thị trường này rất yếu mặc dù gần đây có cải thiện một chút. Thứ ba là ngân hàng và thị trường giấy tờ có giá, đặt biệt là kết hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khoá có vấn đề, nằm ở cả thời điểm, khâu phối hợp giữa các định chế chưa ăn ý.
"Vì vậy, giải quyết vấn đề lãi suất là câu chuyện dài", chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định.