|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao khối ngoại gia tăng áp lực rút ròng?

09:50 | 08/12/2023
Chia sẻ
Theo SGI Capital, khối ngoại bán ròng tập trung ở một số cổ phiếu là hoạt động cơ cấu danh mục do những nhìn nhận về rủi ro ở từng nhóm cổ phiếu hơn là rủi ro chung của toàn thị trường.

Báo cáo mới đây của The Ballad Fund thuộc SGI Capital, thị trường chứng khoán toàn cầu tháng 11 có sự đồng pha với S&P 500 của Mỹ tăng 8,92%, Châu Âu Stoxx 50 tăng 7,88%, Kospi (Hàn Quốc) tăng mạnh nhất với 11,3% trong khi Shanghai Composite, VN-Index tăng lần lượt 0,36% và 6,41%. 

Những cân đối vĩ mô lớn của Việt Nam duy trì ổn định và tích cực trong tháng 11 với mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, thanh khoản dư thừa trong hệ thống, và tỷ giá đã hạ nhiệt từ đỉnh tháng 10. Nhóm phân tích cho rằng sự ổn định này sẽ tiếp tục được duy trì khi lạm phát và lãi suất đang có xu hướng giảm đồng pha trên toàn cầu.

Nguồn: SGI Capital.

Nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn cho năm 2024

Điểm tiêu cực lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam là khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 14.000 tỷ từ tháng 7 và vẫn tiếp tục bán ròng mạnh những ngày gần đây. Điều này tạo áp lực lên chỉ số khi giá trị bán ròng chủ yếu tại các cổ phiếu vốn hoá lớn.

Những chỉ báo như CDS, lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam hiện đều ổn định và tích cực, không thể hiện những rủi ro mang tính hệ thống của Việt Nam.

Do đó, nhóm phân tích cho rằng khối ngoại bán ròng tập trung ở một số cổ phiếu là hoạt động cơ cấu danh mục do những nhìn nhận về rủi ro ở từng nhóm cổ phiếu hơn là rủi ro chung của toàn thị trường. Tuy nhiên, những nhà phân tích nhìn thấy cơ hội đầu tư tốt ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã giảm giá sâu dưới áp lực bán ròng của khối ngoại.

Nguồn: SGI Capital.

Ngược lại với đà bán ròng của khối ngoại, tác động của lãi suất trong nước giảm mạnh đang là bệ đỡ kích hoạt dòng tiền của nhà đầu tư nội mua vào khi khối ngoại bán ròng. Dù khối nội tăng mua vào, tỷ lệ vay margin ở nhiều công ty chứng khoán vẫn ghi nhận giảm trong các tuần gần đây.

Trong giai đoạn 2020 - 2021, khi lãi suất giảm mạnh tương tự như hiện nay, khối ngoại cũng liên tục bán ròng nhưng sự tham gia tích cực từ dòng tiền nội vẫn đưa VN-Index lên những đỉnh cao mới.

Nguồn: SGI Capital.

Về tổng quan, nhóm phân tích cho rằng nền kinh tế đang có những điều kiện nội tại tốt để hồi phục trong năm 2024 gồm mặt bằng lãi suất thấp, tỷ giá ổn định, xuất nhập khẩu bắt đầu tăng trưởng trở lại và đầu tư công vẫn được đẩy mạnh. Triển vọng phục hồi tăng trưởng của doanh nghiệp cũng dần rõ ràng hơn khi lãi suất đủ thấp sẽ bắt đầu kích thích các hoạt động kinh tế và làm tăng vòng quay của tiền.

Mặt bằng định giá chung của VN-Index hiện khá thấp với P/B 2023 1,5x, gần với các giai đoạn thấp lịch sử 2009, 2012 và 2020. Nhóm phân tích lạc quan với triển vọng chung của thị trường và đang tìm thấy nhiều hơn các cơ hội đầu tư hấp dẫn cho năm 2024.

Diệu Nhi