|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

SGI Capital: Dòng vốn ngoại khó trở lại bất chấp triển vọng nâng hạng TTCK

09:58 | 10/01/2025
Chia sẻ
Theo SGI Capital, định giá thị trường Việt Nam hiện không hấp dẫn nhiều hơn các thị trường khác dù phần lớn vốn hóa thuộc nhóm có rủi ro chu kỳ cao như ngân hàng, tài chính, và bất động sản. Bởi vậy, kỳ vọng dòng vốn ngoại quay lại mua ròng trong 2025 sẽ khó khả thi nếu định giá chưa đủ rẻ và rủi ro tỷ giá vẫn hiện hữu.

Tại báo cáo hoạt động mới đây, SGI Capital đánh giá kinh tế Việt Nam đi qua năm 2024 với nhiều kết quả vượt kỳ vọng như tăng trưởng GDP vượt 7%, sự hồi phục mạnh mẽ của ngành du lịch, vốn FDI giải ngân tốt và thị trường bán lẻ nội địa ấm dần lên.

Những yếu tố vĩ mô chính nhìn chung vẫn trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng tích cực. Quyết tâm đạt mức tăng trưởng trên 10% của Chính phủ đang mang lại hy vọng và lạc quan cho giới doanh nghiệp cũng như các thị trường chứng khoán (TTCK) và bất động sản.

Tuy vậy, chiến lược và các chính sách thực thi cụ thể vẫn được trông chờ rõ ràng hơn trong bối cảnh thách thức và rủi ro cả trong và ngoài nước đang hiện hữu hơn trong năm 2025.

Chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong năm 2024 khi giữ được nền lãi suất thấp trong khi tỷ giá biến động ở mức vừa phải so với các đồng tiền các quốc gia mới nổi khác.

Thách thức điều hành đầu 2025 vẫn sẽ lớn với áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ Trung và mức thuế có thể áp lên hàng nhập khẩu Việt Nam và tỷ giá Yuan (CNY) yếu đi. Hệ quả của thuế quan luôn là biến động mạnh về tỷ giá và sức ép lên thanh khoản, lãi suất.

Trong khi đó, nguồn lực để can thiệp của Ngân hàng Nhà nước không dư giả khi dự trữ ngoại hối đã giảm hơn 8 tỷ USD trong 2024 và chỉ còn tương đương khoảng 11 tuần nhập khẩu - thấp hơn mức khuyến nghị tối thiểu 14 tuần của IMF.

Trong vòng quay của tiền tệ, khi hạ lãi suất VND xuống sâu, dòng vốn ngoại tệ chảy ngược khỏi Việt Nam về nơi lãi suất cao khiến dự trữ ngoại tệ suy giảm, cung tiền tổng thể chậm lại so với tín dụng gây áp lực ngược lên thanh khoản và khiến lãi suất tăng trở lại.

Điều này đã xảy ra trong giai đoạn nới lỏng 2021 - 2022 và có dấu hiệu tái diễn trong 2024 khi dự trữ ngoại tệ giảm và hệ số LDR toàn ngành ngân hàng tăng cao. Dưới áp lực đảm bảo thanh khoản, nhiều ngân hàng đã phải tăng lại lãi suất huy động khi chạm các giới hạn an toàn.

Tương quan VN-Index, lãi suất huy động kỳ hạn ba tháng của nhóm ngân hàng TMCP lớn, lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam một năm. (Nguồn: SGI Capital).

Khác với bối cảnh đầu 2024, TTCK Việt Nam bước vào 2025 kém thuận lợi hơn khi hai lực đẩy quan trọng là dòng tiền và tăng trưởng nội tại doanh nghiệp đều có biểu hiện suy yếu đáng kể. Trong bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng đã hết dư địa, kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước đòi hỏi hệ thống ngân hàng sẽ phải huy động một lượng vốn rất lớn tương ứng.

Điều này có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng mạnh hơn kỳ vọng và ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền nội trên TTCK vốn đã cạn kiệt sau những đợt bán ròng của khối ngoại và phát hành từ các doanh nghiệp niêm yết (chủ yếu là chứng khoán và bất động sản).

“Những giai đoạn nới lỏng tiền tệ luôn chứng kiến dòng tiền nội chảy mạnh vào TTCK và thậm chí áp đảo nguồn cung khối ngoại để duy trì đà tăng tích cực cho thị trường.

Tuy nhiên, khi giai đoạn nới lỏng đi qua, lãi suất tăng trở lại, dòng tiền nội suy yếu khiến thanh khoản suy yếu, rủi ro giảm giá sẽ tăng lên nếu khối ngoại vẫn duy trì bán ròng hoặc có những biến cố khiến nguồn cung tăng đột biến”, nhà quản lý quỹ nhận định.

Mối bận tâm lớn của TTCK Việt Nam năm 2024 và cả 2025 là áp lực bán ròng từ khối ngoại. Mức bán ròng kỷ lục hơn 94.000 tỷ đồng năm 2024 đã khiến VN-Index không thể vượt qua mốc 1.300 điểm dù dòng tiền nội đã tham gia đáng kể và hấp thụ tốt lượng cung này.

Thị trường luôn đồng thuận về sự hấp dẫn của TTCK Việt Nam cũng như khả năng sớm thăng hạng lên thị trường mới nổi (emerging market) sẽ thu hút dòng vốn ngoại, nhưng thực tế đang diễn ra trái ngược. Việt Nam là thị trường bị bán ròng mạnh 4/5 năm gần đây với tỷ lệ bán lớn bậc nhất khu vực nếu tính trên vốn hóa hay tổng giá trị nhà đầu tư ngoại đang nắm giữ.

Định giá thị trường Việt Nam không hấp dẫn nhiều hơn các thị trường khác dù phần lớn vốn hóa thuộc nhóm có rủi ro chu kỳ cao như ngân hàng, tài chính, và bất động sản. Bởi vậy, kỳ vọng dòng vốn ngoại quay lại mua ròng trong 2025 sẽ khó khả thi nếu định giá chưa đủ rẻ và rủi ro tỷ giá vẫn hiện hữu.

ROE và P/B của một số thị trường. (Nguồn: SGI Capital).

 

Về triển vọng tăng trưởng, nền lợi nhuận cao của 2024 cộng với áp lực tỷ giá, lãi suất tăng trong bối cảnh có khả năng bị áp thuế nhập khẩu vào Mỹ mang lại rủi ro và yếu tố bất định với kinh tế Việt Nam cũng như với nhiều doanh nghiệp niêm yết.

Khối ngân hàng, tài chính và bất động sản sẽ đối mặt với khó khăn khi lãi suất tăng. NIM giảm, huy động chậm cản trở đà tăng tín dụng và dự phòng nợ xấu tăng có thể khiến toàn ngành ngân hàng có năm tăng trưởng yếu nhất kể từ 2022.

Nhóm chứng khoán được dự báo sẽ có năm khó khăn khi dư thừa vốn và nhu cầu thị trường suy yếu. Áp lực tăng trưởng có thể khiến các công ty chứng khoán chấp nhận hạ chuẩn cho vay margin.

Những doanh nghiệp có dư nợ vay và nợ trái phiếu lớn đáo hạn trong nửa cuối 2025 có thể đối mặt với khó khăn khi không còn khả năng đảo nợ theo Thông tư 02 (hết hiệu lực) và thời gian ân hạn trái phiếu đã hết.

Ở cuối mỗi chu kỳ nới lỏng tiền tệ, sau khi dòng tiền và lượng lớn nhà đầu tư mới đã tham gia vào thị trường, cơ hội tốt sẽ trở nên khó tìm và sức hấp dẫn của TTCK cũng giảm. Dòng tiền sau đó sẽ bị chia sẻ với các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, hay tiền số…

Trong bối cảnh kém thuận lợi về dòng tiền, ở định giá chung không rẻ, diễn biến giá mỗi cổ phiếu sẽ phụ thuộc nhiều vào sực mạnh nội tại của doanh nghiệp và năng lực tài chính của cổ đông. Sự phân hóa có thể diễn ra trong môi trường dòng tiền yếu của năm nay.

“Chúng tôi chưa thấy nhiều doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng ấn tượng hay định giá hấp dẫn cung cấp đủ biên an toàn cho danh mục đầu tư 2025, đặc biệt là khi vận động thị trường và bối cảnh vĩ mô đang xuất hiện nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Việc hạ chuẩn đầu tư thường không mang lại kết quả tốt. Thị trường đang đi tới khúc cuối của giai đoạn dao động trong biên hẹp khi sức mua suy yếu, thanh khoản tụt giảm và số lượng cổ phiếu rơi vào pha thủng nền tích lũy ngày càng nhiều.

Ưu tiên bảo toàn vốn, luôn giữ sự chủ động và chuẩn bị tốt sức mua trong giai đoạn này sẽ đem lợi thế khi 'Ngài thị trường' mang tới những cơ hội từ những biến động lớn và bất ngờ của năm nay”, SGI Capital nhận định.

Về The Ballad Fund, quỹ ghi nhận hiệu suất đầu tư tăng 0,2% trong tháng 12/2024, thấp hơn so với VN-Index tăng 1,3%. Hiệu suất lũy kế từ đầu năm đạt 18,3%, cao hơn so với VN-Index tăng 12,1%. Danh mục giữ nguyên thành phần trong tháng cuối năm, với 7 cổ phiếu PNJ, FMC, BWE, VNM, DHG, VIP và TLG. Tỷ trọng tiền mặt ghi nhận 71,2%, thấp hơn so với 73,4% thời điểm cuối tháng 11/2024.

Xuân Nghĩa

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.