Vì sao hệ thống thanh toán của Trung Quốc khó 'cứu' Nga khỏi cơn ác mộng SWIFT?
Nga đang bị áp dụng hàng loạt các lệnh trừng phạt về kinh tế và tài chính sau khi thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine. Một trong số các biện pháp được nhắc đến nhiều nhất là chặn nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống điện thanh toán quốc tế SWIFT. Hệ thống này còn được biết đến như "Gmail của ngân hàng quốc tế".
Thực tế này đặt ra câu hỏi là liệu Trung Quốc có thể cung cấp cho Nga một phương án tài chính thay thế cho SWIFT hay không. Hiện tại, Trung Quốc có một hệ thống thanh toán mang tên gọi CIPS.
1. CIPS là gì?
CIPS (Cross-Border Interbank Payment System, tạm dịch: Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới) được thành lập vào tháng 10/2015 trong vai trò một hệ thống thanh toán và đối trừ thanh toán cho các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.
Hệ thống này thuộc quản lý của ngân hàng trung ương Trung Quốc nhưng do một công ty có tên CIPS Co. Ltd ở Thượng Hải vận hành.
Dù vậy, quyền sở hữu CIPS được chia đều cho các cổng đô của nó, bao gồm nhiều ngân hàng quốc doanh Trung Quốc, các sàn giao dịch và các ngân hàng Phương Tây.
Tình hình sử dụng CIPS đang tăng đều qua các năm. Ở thời điểm tháng 2 năm nay, giá trị giao dịch hàng ngày trung bình qua CIPS đạt 388,8 tỷ nhân dân tệ (61,3 tỷ USD), tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
2. CIPS có phải một đối thủ của SWIFT không?
CIPS và SWIFT không phải các đối thủ trực tiếp. Trong khi SWIFT là một hệ thống điện tín để các ngân hàng toàn cầu giao tiếp, CIPS chủ yếu là kênh thanh toán cho các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ và cũng cung cấp một số tính năng giao tiếp.
Theo Viện Nghiên cứu tài chính xuyên quốc gia, phần lớn các ngân hàng dùng CIPS cũng đang dùng cả SWIFT, hoặc là do thói quen hoặc là do họ chưa có các công cụ trao đổi điện đặc thù của CIPS.
Năm ngoái, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thành lập một liên doanh với SWIFT để cung cấp các dịch vụ mạng lưới địa phương và lưu trữ thông tin ở Trung Quốc. Nếu xét theo quy mô, CIPS khá nhỏ bé so với SWIFT. Hiện tại, SWIFT có hơn 11.000 thành viên và xử lý hơn 42 triệu điện mỗi ngày. Tính đến tháng 2 năm nay, CIPS mới có 1.300 thành viên, chủ yếu ở Trung Quốc, và xử lý khoảng 13.000 giao dịch mỗi ngày.
3. Vậy còn CHIPS thì sao?
CHIPS có thể là một so sánh tốt hơn với SWIFT vì nó xử lý giá trị giao dịch cao hơn. CHIPS, hay Clearing House Interbank Payments System (tạm dịch: Hệ thống đối trừ thanh toán liên ngân hàng), là hệ thống thanh toán đồng USD do tư nhân sở hữu lớn nhất. Nó đang xử lý khoảng 1,8 nghìn tỷ USD giá trị thanh toán trong ngày, gấp gần 30 lần giá trị giao dịch hàng ngày của CHIPS.
4. Vì sao CIPS ra đời?
CIPS nằm trong kế hoạch khuyến khích sử dụng đồng nhân tệ trên toàn cầu. Hiện tại, khối lượng giao dịch thanh toán quốc tế bằng đồng nhân dân tệ có quy mô khá nhỏ so với quy mô nền kinh tế Trung Quốc. Theo SWIFT, đồng nhân dân tệ hiện đang chỉ chiếm 3,2% giao dịch toàn cầu. CIPS cũng có thể là một cách để Trung Quốc giảm phụ thuộc vào hệ thống tài chính Phương Tây và việc dùng đồng USD.
5. Liệu CIPS có thể được dùng để tránh các lệnh trừng phạt của Phương Tây?
CIPS chỉ hiệu quả nếu giao dịch được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ. Điều này khả thi khi Nga và Trung Quốc thanh toán các giao dịch thương mại trực tiếp và các bên đều là thành viên của CIPS.
Trong thực tế, ngay cả khi Nga và Trung Quốc muốn giảm dùng đồng USD trong thương mại, họ cũng sẽ có xu hướng chuyển sang đồng EUR (hiện cũng bị cấm vận).
Hiện chưa rõ các nhà xuất khẩu và nhập khẩu không đến từ Trung Quốc và đang kinh doanh với Nga có muốn nhận và thực hiện thanh toán bằng đồng nhân dân tệ không.
Bên cạnh đó, để CIPS có thể thực sự giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt về tài chính của Mỹ, Nga sẽ phải là một phần trong hệ thống tài chính nhân dân tệ của quốc gia này. Điều này cũng khó có thể xảy ra vì Trung Quốc kiểm soát khá gắt gao đồng tiền của mình. Trung Quốc hiện đang hạn chế luồng vốn chuyển đi và chuyển vào quốc gia này.
6. Quan điểm của Trung Quốc là gì?
Trung Quốc cam kết sẽ duy trì thương mại như thường lệ với Nga, đối tác chiến lược của quốc gia này. Dù vậy, trong một bài phỏng vấn với CNBC vào hôm 10/3, bà Janet Yellen, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ, nói rằng bà "chưa thấy bằng chứng Trung Quốc đang cung cấp cho Nga các giải pháp cho vấn đề cấm vận".
Không có nhiều khả năng các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc sẽ giúp Nga vượt qua các lênh trừng phạt của Phương Tây trong bối cảnh vận hành quốc tế của chúng cũng cần dùng đồng USD vì lo ngại sẽ bị trừng phạt thứ cấp.
Hiện tại Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Trung Quốc (BoC) đã hạn chế tài trợ mua các hàng hoá Nga, đặc biệt là bằng đồng USD.
7. Trung Quốc còn có thể hỗ trợ Nga bằng cách nào?
Một số ngân hàng Nga bắt đầu dùng hệ thống UnionPay của Trung Quốc để phát hành thẻ tín dụng sau khi Visa và Mastercard dừng hoạt động tại Nga. Bằng cách này, Nga có thể thực hiện một số khoản thanh toán quốc tế với việc UnionPay hiện đang hoạt động hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các ngân hàng nhỏ và không có hoạt động quốc tế của Trung Quốc có thể tiếp tục giao dịch với Nga. Họ cũng không có nhiều điều để mất nếu bị Phương Tây trừng phạt dưới dạng cấm vận thứ cấp.
Một nghiên cứu từ Natixis cho biết đồng nhân dân tệ kỹ thuật số mà Trung Quốc đang thử nghiệm cũng không đóng vai trò trong việc này vì hiện tại chưa áp dụng cho thanh toán quốc tế và Nga cũng chưa đăng ký tham gia nhân dân tệ số.
Bên cạnh đó, khoản dự trữ của Nga tại Trung Quốc và các thoả thuận hoán đổi tiền tệ trị giá nhiều tỷ USD giữa Nga và Trung Quốc cũng có thể cải thiện thanh khoản của Nga.