|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao giá vàng SJC nhạy cảm với đà tăng nhưng vô cảm với đà giảm của giá vàng thế giới?

20:00 | 17/11/2021
Chia sẻ
Giới chuyên gia cho rằng người dân Việt Nam thích tích trữ tài sản dưới dạng vàng. Do đó, khi thị trường vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước càng thêm sức hút, thậm chí giá còn cao hơn quốc tế.

Giá vàng SJC "lên thang máy, xuống thang bộ"

Đà tăng nóng của giá vàng SJC vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi tính đến 13h30 chiều ngày 17/11 đạt mốc 62 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tức chỉ còn cách mức giá kỷ lục thiết lập hồi tháng 8 năm ngoái khoảng 300 nghìn đồng/lượng.

Trao đổi với người viết chuyên gia tài chính - ngân hàng Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết: "Giá vàng tăng chủ yếu do giá  thế giới vượt hơn 1.800 USD/ounce. 

Hiện tại, giá vàng thế giới được hỗ trợ bởi các yếu tố như lạm phát tại Châu Âu, Mỹ ở mức cao nhất 30 năm và hàng loạt quốc gia bơm tiền để phục hồi kinh tế sau đại dịch. Điều này khiến nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn".

Giá vàng ghi nhận đà tăng mạnh trong vòng 1 tháng qua, khi tăng khoảng 5 triệu đồng/lượng, tương đương hơn 8%. Cùng thời điểm giá vàng thế giới cũng tăng khoảng 7%.

Như vậy, xu hướng của giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có vẻ đang biến động khá đồng nhất trong giai đoạn tăng như hiện nay.

Tuy nhiên, sự đồng nhất về diễn biến giá này không xuất hiện khi thị trường thế giới đi xuống. 

Trong một năm qua, thị trường vàng thế giới chứng kiến hai lần giá lao dốc nhưng giá vàng trong nước dường như không "hề hấn", thậm chí có lúc biến biến động ngược chiều.

Cú rơi đầu tiên ghi nhận trong giai đoạn 27/12/2020 - 28/2/2021 khi giá vàng giảm 12% từ mốc 1904/ounce còn hơn 1.700 USD/ounce

Cú rơi thứ hai diễn ra giai đoạn cuối tháng 5 đến giữa tháng 6, từ mức 1.900 USD/ounce xuống chỉ còn khoảng 1.766 USD/ounce.

Thế nhưng giá vàng trong nước ở cải 2 giai đoạn này dường như không chịu tác động quá lớn, gần như đi ngang trong khoảng 55 - 56 triệu đồng/lượng (lần 1) và 56-57 triệu đồng/lượng lần 2.

Vì sao giá vàng SJC nhạy cảm với đà tăng nhưng vô cảm với đà giảm của giá vàng thế giới? - Ảnh 1.

Nguồn: tygia.vn

Vì sao giá vàng SJC nhạy cảm với đà tăng nhưng vô cảm với đà giảm của giá vàng thế giới? - Ảnh 2.

Diễn biến giá vàng thế giới 17/11/2020 - 17/11/2021. Nguồn: Investing.com

Giải thích việc giá vàng trong lên thì "đi thang máy" cùng giá thế giới còn xuống thì "đi thang bộ", TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ cho rằng người dân Việt Nam thích tích trữ tài sản dưới dạng vàng. Do đó, khi thị trường vàng thế giới tăng, vàng trong nước càng thêm sức hút, thậm chí giá còn cao hơn quốc tế.

Ngoài ra, việc nhập khẩu vàng miếng hoàn toàn do nhà nước kiểm soát nên giá trị vàng trong nước sẽ cao hơn. 

Theo ông Thịnh: "Khoảng cách vàng trong nước và thế giới ngày một nới rộng và việc nhà nước độc quyền trong nhập khẩu vàng miếng khiến nguồn cung ra thị trường ít".

Hiện chênh lệch giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới lên tới 9 triệu đồng/lượng. Giới chuyên gia cho rằng giá vàng trong nước không hoàn toàn "thông" với giá vàng thế giới. Nhu cầu cao và trong khi nguồn cung ít được xem là "chiếc khiên" giúp giá vàng trong nước ít bị ảnh hưởng bởi các lần giảm giá trên thế giới. 

Thị trường vàng có đủ hấp dẫn để đầu tư ở thời điểm hiện tại?

Nhiều ý kiến cho rằng việc khả năng giá vàng thiết lập đỉnh mới hoàn toàn có thể xảy ra khi giá vàng thế giới thời gian qua không ngừng tăng do nhà đầu tư quan ngại rằng lạm phát hiện đang ở mức cao và vàng là kênh trú ẩn an toàn.

Thời gian qua, các ngân hàng trung ương đã đưa ra hàng loạt các chương trình mua trái phiếu chính phủ với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử.

Một số chuyên gia cho rằng điều này cũng đồng nghĩa với việc một lượng tiền cực lớn đã được cung ứng ra thị trường và giá vàng trong năm nước khả năng cao có thể vượt đỉnh cũ.

"Thị trường vàng biến động rất khôn lường, nhưng xác suất giá vàng trong nước tăng đang cao hơn xác suất giảm", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Thế nhưng liệu triển vọng giá vàng có thể phá đỉnh cũ đủ hấp dẫn đối với nhà đầu tư? Câu trả lời của một số chuyên gia là "Không".

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư tại Maybank Kim Eng, cho rằng khả năng lời quá ít của kim loại quý đã khiến sự quan tâm của nhà đầu tư không còn mặn mà so với các tài sản đầu tư khác dù giá vàng đã tiến gần mức đỉnh lịch sử. Điều này dẫn đến mức chênh lệch mua - bán không còn sôi động như trước.

Trong lần giá vàng tăng nóng này, mức chênh lệch mua - bán chỉ khoảng 700.000 đồng/lượng, chỉ bằng một nửa so với đợt giá vàng lập kỷ lục năm ngoái.

"Khả năng sinh lời khi đầu tư vàng thời điểm này rất thấp so với các kênh như chứng khoán, bất động sản hay thậm chí cả gửi tiết kiệm ngân hàng. Chưa kể rủi ro nếu chênh lệch mua bán thời gian tới nới rộng nữa thì thiệt hại càng nhiều", ông Khánh cho biết. 

Còn theo ông Thịnh thời điểm hiện tại không nên tham gia thị trương vàng vì giá vàng Việt Nam đang rất cao so với thế giới. 

"Nếu mua thời điểm hiện tại, giá vàng tăng thì lợi nhuận có chút đỉnh. Trong khi đó, nhà đầu đầu tư phải chờ đợi, rất rủi ro và chi phí cơ hội cao", ông Thịnh nói. 

H.Mĩ

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).