|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá vàng SJC chạm mốc 62 triệu đồng/lượng, người mua lãi gần 3 triệu đồng/lượng sau hơn nửa tháng

16:02 | 17/11/2021
Chia sẻ
Giá vàng SJC hôm nay lại tiếp tục tăng mạnh, chạm mốc 62 triệu đồng/lượng, mức cao nhất kể từ đầu năm 2021 đến nay và khả năng đà tăng này sẽ còn tiếp diễn.

Giá vàng SJC tăng hơn 1 triệu đồng/lượng, chạm mốc 62 triệu đồng/lượng

Tiếp nối đà tăng giá của những ngày qua, vàng trong nước bất ngờ bật tăng vào đầu giờ chiều nay (17/11) và chạm mốc 62 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, tại Tập đoàn PNJ, giá vàng SJC ghi nhận vào lúc 13h30 đạt mức 61,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua và và 62 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tăng 300 đồng/lượng ở mỗi chiều so với cuối ngày hôm qua.

Đây là mức giá cao nhất của vàng trong nước kể từ đầu năm đến nay và xấp xỉ so với mức đỉnh hồi tháng 8/2020 vào khoảng 62,3 triệu đồng/lượng.

Như vậy, chỉ trong hai ngày (16 và 17/11) giá vàng SJC đã tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán. 

Và với những người nắm giữ vàng từ đầu tháng 11 ở vùng giá 57,7 - 58,4 triệu đồng/lượng theo hai chiều mua - bán thì đến nay mức tăng hiện lên đến 3,5 - 3,6 triệu đồng/lượng. Theo đó, người mua đã lãi 2,8 triệu đồng/lượng sau hơn nửa tháng "ôm vàng".

Giá vàng SJC chạm mốc 62 triệu đồng/lượng, lãi gần 3 triệu đồng/lượng sau hơn nửa tháng - Ảnh 1.

(Nguồn: tygia.vn)

Cùng thời điểm khảo sát, trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay ở mức 1.855,5 USD/ounce. Trước đó, chốt phiên giao dịch 16/11, giá vàng thế giới giảm gần 12 USD về 1.850 USD.

Theo Reutersvàng thế giới quay đầu giảm trong phiên 16/11 sau khi dữ liệu doanh số bán lẻ của Mỹ cho kết quả khả quan trong tháng 10 giúp đồng USD phục hồi. Và việc đồng USD mạnh khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.

Giá vàng SJC chạm mốc 62 triệu đồng/lượng, lãi gần 3 triệu đồng/lượng sau hơn nửa tháng - Ảnh 2.

Diễn biến giá vàng trên thị trường thế giới. (Nguồn: Kitco.com)

Theo Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp của công ty môi giới OANDA, báo cáo cho thấy lượng tiêu thụ không bị ảnh hưởng bởi giá cao và vẫn ở mức khá mạnh, điều này thúc đẩy khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.

"Triển vọng của vàng đang gặp nhiều rủi ro hơn. Đà tăng sẽ chậm lại, nhưng vẫn có thể hướng đến 1.900 USD", ông cho biết.

Trên thực tế, vàng đã tăng hơn 2% kể từ thứ Ba tuần trước (9/11) sau khi dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tăng mạnh trong tháng 10.

Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin hôm 15/11 cho biết Fed không ngại nâng lãi suất. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ chờ để đánh giá liệu tình trạng lạm phát và thiếu lao động có kéo dài thêm hay không.

Việc tăng lãi suất có xu hướng gây áp lực lên vàng, vì việc này kéo lợi suất trái phiếu lên cao, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Như vậy, giá vàng thế giới có phần sụt giảm so với các phiên giao dịch trước, tuy nhiên so với mức 1.781 USD/ounce hồi đầu tháng 11, người mua đã lãi hơn 74,5 USD/ounce, tương đương gần 1,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng hướng tới mốc 2.000 USD/ounce

Theo Kitco News, sau khi bứt phá vững chắc trên 1.850 USD/ounce, vàng có thể sẵn sàng cho mức tăng lớn hơn nữa.

Ông Frank Cholly, chiến lược gia thị trường cấp cao của công ty tài chính RJO Futures, cho biết: "Thị trường đang bắt đầu chấp nhận thực tế là lạm phát sẽ còn kéo dài. Sẽ mất nhiều năm để khắc phục các vấn đề của chuỗi cung ứng do đại dịch, tất cả các biện pháp kích thích và hàng tấn nhu cầu bị dồn nén". 

Mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào vùng giá dao động quanh 1.835 - 1.875. Theo giới phân tích, nếu vàng tiếp tục tăng thì khả năng cao sẽ hướng tới mốc 2.000 USD/ounce.

Chiến lược gia Cholly nhân định yếu tố quan trọng để duy trì đà bứt phá này là thị trường có thể giữ vững mức 1.835 USD. Mặt khác, mức đóng cửa trên 1.875 USD sẽ châm ngòi cho một đợt tăng tiếp theo lên vùng 1.900 - 1925 USD. 

"Tôi nghĩ rằng vàng có thể chạm ngưỡng 2.000 USD vào cuối năm nay", ông Cholly nhận định.

Theo ông, hầu hết các mặt hàng, đặc biệt là năng lượng, gần đây đang chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ. Vàng vì thế mà bị mắc kẹt trong đà đi ngang của thị trường trong 5 tháng qua. Tuy nhiên, kim loại quý đang dần trở lại vị thế của hàng rào chống lại lạm phát.

Giám đốc công ty tài chính Walsh Trading, ông Sean Lusk cho biết đà tăng lên mốc 1.900 USD/ounce đang khả quan hơn bao giờ hết. "Giá vàng dưới 1.800 USD sẽ là một cơ hội mua vào tốt. Dù vậy vẫn phải xem liệu các ngân hàng có cố gắng tham gia và hạn chế điều này hay không".

Ông Bart Melek, chiến lược gia toàn cầu của ngân hàng đầu tư TD Securities dự báo, nhiều khả năng vàng có thể sẽ phải tăng trên 1.875 USD/ounce để có thể vươn lên đỉnh 2.000 USD/ounce.

"Còn khoảng 2 tháng nữa trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chuyển sang động thái diều hâu hơn. Một khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, phản ứng ban đầu của vàng chắc chắn sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, xét về dài hạn, vàng vẫn có thể tăng điểm do Fed tiếp tục thắt chặt từ từ.

Nếu lãi suất huy động của Fed tăng 25 điểm cơ bản và lạm phát duy trì ở mức 4,5% thì đó vẫn là một chính sách rất phù hợp", chiến lược gia Melek lưu ý.

Tại thị trường Việt Nam, nguy cơ lạm phát và xu hướng tăng giá theo vàng thế giới cũng khiến kim loại quý trở nên đắt giá hơn.

Với đà tăng duy trì, hiện chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới tiếp tục nới rộng, vượt ngưỡng 11 triệu đồng/lượng sau khi quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank ở mức 50,8 triệu đồng/lượng.

"Khi mức chênh lệch giá vàng của hai thị trường lớn như vậy có thể nó sẽ "khuyến khích" vấn đề buôn lậu vàng khiến thị trường phải điều chỉnh, nên đây cũng là rủi ro lớn mà nhà đầu tư cần thận trọng", chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.

Trong khi đó, nhận định về triển vọng giá của thị trường vàng trong nước, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư tại Maybank Kim Eng, cho rằng tư đây đến cuối năm, khả năng "đẹp nhất" giá vàng SJC có thể vượt mức 70 triệu đồng/lượng nhưng tỷ lệ này ở mức khá thấp, trong khi đó, khả năng cao là giá kim loại quý sẽ vượt đỉnh 2020 và giao động ở mức 63 - 65 triệu đồng/lượng.

Như Huỳnh