|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao đồng USD bị suy yếu khi trừng phạt Nga?

06:00 | 03/04/2022
Chia sẻ
Theo một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các biện pháp trừng phạt tài chính áp đặt lên Nga vì xung đột với Ukraine có thể làm giảm sự thống trị của đồng USD.

Theo ý kiến của IMF, cuộc đối đầu ngày càng gia tăng mức độ và các biện pháp trừng phạt được thắt chặt có thể dẫn đến sự phân mảnh của hệ thống tiền tệ hiện tại của thế giới. Đặc biệt, đồng USD của Mỹ - đồng tiền có giá trị và được sử dụng phổ biến nhất cho các giao dịch cũng có thể mất đi vị thế vốn có, ngày càng suy yếu.

IMF cảnh báo đồng USD có nguy cơ bị suy yếu vì lệnh trừng phạt Nga

Tuyên bố của IMF cho hay: “Quyết định tấn công Ukraine của Nga đã vấp phải làn sóng trừng phạt của phương Tây, khiến Moscow hạn chế khả năng tiếp cận nguồn dự trữ ngoại tệ và thị trường tài chính toàn cầu”. Bà Gita Gopinath, Phó giám đốc điều hành thứ nhất của IMF nói rằng các biện pháp chưa từng có tiền lệ có thể làm giảm dần sự thống trị của đồng USD.

 Quan chức IMF cảnh báo USD suy yếu vì lệnh trừng phạt áp dụng với Nga. (Nguồn: Yahoo Finance)

Phát biểu với Financial Times, quan chức hàng đầu của IMF cũng cảnh báo rằng các hạn chế, bao gồm cả những hạn chế đối với Ngân hàng Trung ương Nga, có thể khuyến khích sự xuất hiện của các khối tiền tệ nhỏ dựa trên thương mại giữa các nhóm quốc gia. Tuy nhiên, bà Gopinath dự đoán rằng đồng bạc xanh sẽ vẫn là đồng tiền chính của thế giới nhưng không loại trừ sự phân mảnh ở cấp độ nhỏ hơn.

Bà khẳng định: “Chúng tôi đã thấy điều đó với một số quốc gia thương lượng lại đơn vị tiền tệ mà họ được thanh toán cho giao dịch”.

Liên bang Nga đã cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng tiền của Mỹ trong nhiều năm, đặc biệt là sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với việc sáp nhập Crimea vào năm 2014. Nga đang đặt trọng tâm vào "khử đô la hóa", Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Pankin tuyên bố trong một phỏng vấn Interfax vào tháng 10 năm ngoái.

 Tỷ lệ dự trữ ngoại hối bằng USD trên thế giới đã giảm nhiều trong 20 năm qua. (Nguồn: Arab News)

Sau vòng trừng phạt mới nhất, được đưa ra để đáp trả cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine, các quan chức ở Moscow đã bày tỏ sự quan tâm đến việc sử dụng tiền điện tử và thậm chí sẵn sàng chấp nhận bitcoin để xuất khẩu năng lượng, cùng với đồng rúp của Nga. Các nỗ lực hợp pháp hóa không gian tiền điện tử đã và đang nhận được sự ủng hộ và các nhà lập pháp đang làm việc để áp dụng các quy định toàn diện.

Trước chiến tranh, Nga nắm giữ khoảng 1/5 dự trữ ngoại hối của mình trong các tài sản bằng đồng USD, một phần là ở nước ngoài ở các nước như Đức, Pháp, Anh và Nhật Bản, hiện đang thực hiện các bước để cô lập nó khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Bà Gopinath lưu ý rằng việc sử dụng ngày càng nhiều các loại tiền tệ khác trong thương mại toàn cầu sẽ dẫn đến đa dạng hóa hơn nữa tài sản dự trữ do các ngân hàng trung ương nắm giữ. “Các quốc gia có xu hướng tích lũy dự trữ bằng các loại tiền tệ mà họ giao dịch với phần còn lại của thế giới và trong đó họ vay từ phần còn lại của thế giới, vì vậy bạn có thể thấy một số xu hướng chuyển động chậm đối với các loại tiền tệ khác đóng một vai trò lớn hơn”, bà giải thích.

Quan chức IMF chỉ ra rằng tỷ trọng dự trữ quốc tế của đồng USD đã giảm 10 điểm phần trăm xuống 60% trong 2 thập kỷ qua. Khoảng 1/4 sự sụt giảm có thể là do đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá. Bắc Kinh đã cố gắng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, bao gồm cả việc quảng bá phiên bản kỹ thuật số của nó.

Gita Gopinath tin rằng cuộc chiến Nga – Ukraine cũng sẽ thúc đẩy các tài sản tài chính kỹ thuật số, từ tiền điện tử đến stablecoin và tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). “Tất cả những điều này sẽ còn được chú ý nhiều hơn sau những diễn biến gần đây, điều này khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về quy định quốc tế. Có một khoảng trống cần được lấp đầy ở đó”, bà nhận định.

Thu Phương