Những điểm nhấn của thị trường tiền tệ trong tháng 3
Nhu cầu vay vốn hồi phục
Nhu cầu tín dụng trong tháng 2 và tháng 3 tiếp tục tăng. Theo số liệu từ Tổng cục thống kê (GSO), tính tới 25/3, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 4,03%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Trong tháng 1, tăng trưởng tín dụng đạt mức cao nhất trong 10 năm qua (1,9% so với cuối năm 2021). Đến tháng 2, tốc độ giảm nhẹ do yếu tố mùa vụ (nghỉ Tết nguyên đán) và việc siết quy định về trái phiếu doanh nghiệp theo Thông tư 16, sau đó lại tiếp tục phục hồi trở lại trong tháng 3.
Cung tiền tăng cao hơn tín dụng trong tháng 1/2022
So với mức tăng khá mạnh của tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng dư nợ tiền gửi chỉ tăng 0,3% so với đầu năm. Trong đó, tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 1,2% so với đầu năm, trái lại tiền gửi của khu vực dân cư có sự phục hồi với mức tăng 1,9%.
So với tháng trước, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm hơn 68.000 tỷ đồng, chủ yếu thể hiện tính mùa vụ khi doanh nghiệp rút tiền để thực hiện chi trả lương thưởng cho lao động trước tết Nguyên Đán. Trong khi đó, tiền gửi của người dân tăng hơn 103.000 tỷ đồng, đây cũng là tháng người dân gửi ròng tiền vào ngân hàng nhiều nhất trong 10 tháng trở lại đây.
Số liệu của NHNN cũng cho thấy tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế ghi nhận mức tăng 2,6% so với đầu năm, tốc độ tăng cung tiền lần đầu tiên vượt tốc độ tăng tín dụng kể từ tháng 2/2021.
Xét về số tuyệt đối, cung tiền tăng cao hơn tín dụng khoảng 87.000 tỷ đồng, mức này thấp hơn con số 103.000 tỷ đồng vào tháng 12/2021.
Hiện tại, lạm phát đang là rủi ro lớn nhất của chính sách tiền tệ, diễn biến cung tiền và tín dụng cần được theo dõi sát trong thời gian tới nhằm đảm bảo lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.
Nhu cầu vốn sôi động trên thị trường liên ngân hàng
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cơ bản đã hình thành một mặt bằng mới kể từ sau Tết. Lãi suất cho vay qua đêm tăng từ mức bình quân 0,74%/năm trong năm 2021 lên 1,45%/năm trong tháng 1/2022, sau đó tiếp tục tăng lên 2,75%/năm trong tháng 2/2022. Từ đầu tháng 3 đến nay, lãi suất cho vay qua đêm bình quân khoảng 2,28%/năm, doanh số giao dịch bình quân khoảng 173.800 tỷ đồng, cao hơn lần lượt 5,5% và 47,2% so với mức bình quân của tháng 2/2022 và tháng 1/2022.
Điều này cho thấy nhu cầu vốn sôi động trên thị trường liên ngân hàng sẽ tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất trên thị trường này ở mức trên 2%/năm.
Trong một diễn biến khác, lượng tiền bơm thêm từ NHNN thông qua thị trường mở đã giảm trong tháng 3, nghĩa là áp lực thanh khoản đã giảm đi đáng kể so với giai đoạn đầu năm.
Trong nửa đầu tháng 3, Kho bạc Nhà nước thông qua hai đợt chào mua USD với quy mô 350 triệu USD đã cung ứng ra thị trường khoảng 8.000 tỷ đồng.
Tỷ giá USD dao động trong biên độ hẹp trước áp lực tăng lãi suất của Fed
Trong cuộc họp mới nhất, Fed đã thực hiện bước đầu tiên trong lộ trình nâng lãi suất với mức tăng 25 điểm cơ bản đối với lãi suất điều hành lên 0,25 - 0,5%, đồng thời đưa ra tín hiệu rõ hơn với nhà đầu tư về việc lộ trình tăng lãi suất nhanh hơn và cao hơn trong thời gian tới.
Trong đó, Fed cũng để ngỏ sẽ nâng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tháng 5/2022 và số lần tăng có thể là 7 lần trong năm 2022.
Phản ứng trước thông điệp từ Fed, thị trường tiền tệ trong nước tỏ ra khá bình lặng. Tỷ giá mua-bán USD tại Vietcombank tăng khoảng 60 đồng ở cả hai chiều so với cuối tháng 2, giá USD trên thị trường tự do tăng 76 đồng ở chiều mua và 116 đồng ở chiều bán ra.
Tỷ giá trung tâm của NHNN chỉ tăng 11 đồng so với cuối tháng trước.
Tính đến ngày 15/3/2022, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt khoảng 492 triệu USD, cải thiện so với mức nhập siêu gần 2 tỷ USD trong hai tháng đầu năm.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong hai tháng đầu năm đạt 2,7 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ và dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện khi Chính Phủ cho phép các chuyến bay quốc tế hoạt động bình thường trở lại.
Những diễn biến trên cho thấy tính liên thông giữa áp lực tăng lãi suất của Fed và diễn biến tỷ giá USD/VND trong đợt nâng lãi suất đầu tiên là chưa nhiều và Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ có những bộ đệm để kiểm soát biến động tỷ giá.