IMF cảnh báo nguy cơ đồng USD suy yếu
Trả lời phỏng vấn trên tờ The Financial Times ngày 31/3, bà Gopinath cho rằng đồng USD sẽ vẫn được coi là đồng tiền mạnh nhất trong hệ thống thanh toán toàn cầu, song tác động của các biện pháp trừng phạt Nga hoàn toàn có thể gây ra sự phân mảnh dù nhỏ trong hệ thống tiền tệ quốc tế.
Bà cho biết một số quốc gia hiện đang thương lượng lại về loại tiền tệ sử dụng trong các giao dịch. Cũng theo quan chức IMF này, cuộc xung đột tại Ukraine sẽ thúc đẩy các dịch vụ tài chính số như tiền mã hóa, tiền điện tử Stablecoin (đồng tiền ổn định - theo sát giá của tiền pháp định hoặc các tài sản khác), tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương...
Phó Tổng Giám đốc Gopinath cũng cho rằng việc sử dụng các đơn vị tiền tệ khác trong giao thương toàn cầu sẽ giúp đa dạng hóa hơn nữa tài sản dự trữ mà các ngân hàng trung ương nắm giữ.
Trước đó, nhân vật quyền lực số hai của IMF đã từng nhận định rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga không dẫn đến sự sụp đổ của đồng USD và khiến đồng bạc xanh mất vị thế là đồng tiền dự trữ.
Cũng theo bà Gopinath, xung đột tại Ukraine sẽ làm chậm đà tăng trưởng của kinh tế thế giới nhưng sẽ không gây ra suy thoái toàn cầu.
Kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Mỹ cùng các đồng minh châu Âu đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề đối với Moskva.
Mới đây nhất, ngày 31/3, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết nước này sẽ bổ sung các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison cùng ngày thông báo sẽ áp thuế quan 35% đối với tất cả các loại hàng hóa nhập khẩu từ Nga và Belarus.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, vòng trừng phạt mới nhất của Australia sẽ có hiệu lực vào ngày 25/4, cùng ngày với lệnh cấm nhập khẩu dầu và năng lượng khác từ Nga mà nước này công bố trước đó.