|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao các chuỗi trà sữa, cà phê vẫn cửa đóng then cài dù đã được cho phép mở lại?

10:08 | 18/09/2021
Chia sẻ
Quy định mở cửa trở lại đòi hỏi các chuỗi phải cho nhân viên thực hiện "ba tại chỗ", test nhanh 2 ngày 1 lần. Chi phí này cộng với những khó khăn về nguyên vật liệu, logistic khiến các cửa hàng vẫn đóng cửa then cài.

Đã hơn một tuần TP HCM cho phép dịch vụ ăn uống bán mang về, tuy nhiên nhiều chuỗi cà phê, trà sữa vẫn "án binh bất động" hoặc chỉ mở cửa chừng mực. Theo khảo sát của người viết, tính đến ngày 18/9 vẫn chưa có nhiều chuỗi đồ uống mở cửa trở lại hàng loạt điểm bán.

Chuỗi cửa hàng trà Phúc Long dẫn đầu với 18 cửa hàng và 20 kiosk hoạt động. Chuỗi trà sữa TocoToco tạm thời mở cửa 12 điểm bán, chưa kể những cửa hàng nhượng quyền. Chuỗi trà sữa BoBaPop dần mở được 8 cửa hàng. Trong khi đó, chuỗi trà sữa KOI sáng 18/9 cũng mới rục rịch mở lại hai cửa hàng đầu tiên sau quá trình tiến hành khử khuẩn toàn bộ hệ thống cửa hàng.

Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều chuỗi đồ uống khó thể mở cửa đồng loạt. Trong đó, đại diện Gong Cha Việt Nam cho biết, chuỗi trà sữa này đang gặp khó khăn với "ba tại chỗ" - một trong những nguyên tắc bắt buộc để hàng quán hoạt động trở lại.

"Đây là lần đầu tiên Gong Cha tiếp cận quy định và khái niệm 'ba tại chỗ' nên việc chuẩn bị phải từng bước một", đại diện thương hiệu cho biết thời gian qua đang chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng cũng như tham khảo thêm nhiều thông tin của các doanh nghiệp "tiên phong" khác để có tác phong "ba tại chỗ" an toàn và hiệu quả. Doanh nghiệp cũng chưa thể mở cửa vì cần thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, các tiện ích phục vụ nhân viên và động viên về tinh thần cho họ.

"Khi mở một cửa hàng, chúng tôi mong muốn phải an toàn cho nhân viên, an toàn cho các đối tác giao hàng và ngay cả chính khu vực địa phương có cửa hàng Gong Cha mở cửa hoạt động", đại diện này nhấn mạnh. Trong ba ngày cuối tuần, chuỗi trà sữa sẽ "tái xuất" với 3/23 cửa hàng tại TP HCM.

Vì sao các chuỗi trà sữa, cà phê vẫn cửa đóng then cài dù đã được cho phép mở lại? - Ảnh 1.

Nhân viên chuẩn bị trà sữa tặng lực lượng chống dịch từ tháng 7/2021. (Ảnh tư liệu: Y Khải).

Có 93 cửa hàng tại TP HCM, The Coffee House mới đang chuẩn bị mở cửa trở lại một vài cửa hàng vào cuối tuần này. Đại diện doanh nghiệp cho biết, đang làm việc với các cơ quan chức năng để chuẩn bị tốt trong khâu tổ chức, vận hành đảm bảo thực hiện đúng quy định và cố gắng đẩy mạnh tiến độ quay trở lại trong thời gian sớm nhất. "Chúng tôi nhận định đây là phương án triển khai đúng và The Coffee House sẽ mở cửa trở lại với phương châm an toàn và mở dần theo lộ trình", đại diện này nói thêm.

Cũng giống như Gong Cha, chuỗi cà phê này cũng đang gặp một số khó khăn ở "ba tại chỗ" và các khâu thủ tục hành chính, các chi phí để vừa hoạt động vừa phòng dịch khác như xét nghiệm 2 ngày 1 lần. Ngoài ra, chi phí logistic và nguyên vật liệu... hiện tại đều tăng. Đại diện doanh nghiệp cho biết đây không chỉ là khó khăn của riêng chuỗi mà là cả ngành F&B nói chung.

Vì lẽ trên, ông Lê Bá Nam Anh, Tổng giám đốc The Coffee House, kiến nghị ba giải pháp để gỡ vướng mắc và sớm khôi phục kinh doanh.

Thứ nhất, doanh nghiệp này mong muốn các chỉ thị công văn của UBND thành phố được thực thi nhất quán tại các quận, phường. Theo ông Nam Anh, hiện nay chưa phải mọi địa phương đều cho phép bán mang về mặc dù thành phố đã có công văn cho phép triển khai mô hình phục vụ này khi doanh nghiệp đáp ứng những yêu cầu về an toàn. Có những phường còn trả lời rằng, hình thức bán mang về chỉ áp dụng cho các hộ kinh doanh gia đình chứ không áp dụng cho doanh nghiệp

Tiếp theo, ông Nam Anh mong muốn TP HCM xem xét nới dần những điều kiện cho việc mở bán khi số lượng tiêm chủng mũi 2 đã nhiều. "Những chi phí hoạt động cho 'ba tại chỗ', xét nghiệm cùng với chi phí nguyên vật liệu và logistics tăng lên do khan hiếm nguồn cung đã gây sức ép không nhỏ lên các doanh nghiệp, đặc biệt khi chúng tôi vừa trải qua gần 5 tháng khó khăn trong đại dịch", ông nói.

Thứ ba, chuỗi cà phê này vọng có thể đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng hơn nữa, đặc biệt có cơ chế ưu tiên cho những ngành sản xuất, là mắt xích trong chuỗi cung ứng hay những ngành dịch vụ phải tiếp xúc với nhiều khách hàng trong ngày. Điều này, theo đại diện The Coffee House có thể sẽ giúp toàn thành sớm quay lại bình thường mới, quay lại hoạt động kinh doanh sản xuất, khôi phục kinh tế sau đại dịch.

Về phía Gong Cha, doanh nghiệp chỉ tự tin mở cửa trở lại khi các công ty khác có thể mở cửa cho nhân viên của mình đi làm, từ đó ngành F&B mới có đủ độ lớn khách hàng trong phân khúc. Tự nhận mình chỉ là một cửa hàng phục vụ thức uống giải khát, vì thế nhu cầu này không phải thiết yếu trong thời điểm mọi người dân đều phải tiết kiệm chi tiêu tối đa vì gặp phải khó khăn do dịch bệnh mang lại.

"Khách hàng của chúng tôi không thể đi làm, không có thu nhập thì việc lưu thông đồng tiền sẽ cần phải tính toán kỹ lưỡng trước khi họ mua một món hàng không phải là nhu yếu phẩm", đại diện doanh nghiệp giải thích.

Về vĩ mô, Gong Cha hy vọng nhận được sự hỗ trợ lãi vay của ngân hàng đối với những khoản vay cũ và cho phép thực hiện những khoản vay mới khi thành phố quay trở lại với nhiệp sống cũ. Đơn vị này cũng mong các chủ nhà, đối tác cho thuê cần có thiện chí hoặc góc nhìn linh hoạt hơn để đàm phán giá thuê. Ngoài ra, giảm thuế cho doanh nghiệp cũng là sự hỗ trợ từ phía Nhà nước mà chuỗi trà sữa này kỳ vọng.

Y Khải