|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao Bộ Công Thương chưa áp thuế CBPG tạm thời với thép HRC nhập khẩu?

20:13 | 23/10/2024
Chia sẻ
Hiện Bộ Công Thương vẫn đang trong quá trình điều tra và chưa có kết luận sơ bộ. Do đó, Bộ Công Thương chưa ban hành thuế tạm thời cho thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.

 

Trao đổi với chúng tôi bên lề cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 23/10, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho biết việc Việt Nam chưa áp thuế tạm đối với thép HRC nhập khẩu vì đang trong quá trình điều tra để đưa ra kết luận sơ bộ. Sau khi có kết luận sơ bộ, Bộ Công Thương mới có cơ sở để quyết định đưa ra mức thuế tạm hay không.

Đối với thời hạn đưa ra kết luận sơ bộ, ông Trung cho biết “Hiện vẫn chưa có quy định về thời hạn đưa ra kết luận sơ bộ. Tất cả đều phải phụ thuộc vào khối lượng công việc phân tích dữ liệu các bên liên quan cung cấp”.

Trả lời tại buổi họp báo ông Trung cho biết theo quy trình điều tra, Cục Phòng vệ thương mại cần gửi bảng câu hỏi điều tra cho các bên liên quan. Thời hạn trả lời câu hỏi điều tra vừa mới kết thúc với doanh nghiệp sản xuất trong nước vào 6/10 và doanh nghiệp nước ngoài vừa kết thúc vào ngày 22/10.

“Chúng tôi đang tổng hợp lại thông tin các bên đang cung cấp. Riêng các doanh nghiệp nước ngoài, chúng tôi nhận được hơn 20 bản trả lời, chưa kể doanh nghiệp trong nước. Đây là khối lượng dữ liệu tương đối khổng lồ trong quá trình điều tra, lên tới 500 MB”, ông cho biết. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan điều tra xác định sản xuất trong nước có thiệt hại hay không và nguyên nhân thiệt hại đến từ đâu.

Ông cho biết trong trường hợp có đủ bằng chứng sơ bộ xác định sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể từ hàng nhập khẩu do bán phá giá thì cơ quan điều tra sẽ kiến nghị Bộ Công Thương xem xét áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời. Động thái này nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất trong nước.

Lãnh đạo Cục Phòng Vệ thương mại cho biết hiện tại tổng công suất của hai doanh nghiệp trong nước (Tập đoàn Hoà Phát và Formosa) là 8,6 triệu tấn/năm. Lượng hàng này vừa sử dụng trong nhu cầu nội địa, vừa xuất khẩu với tỷ lệ trung bình 50 - 50. Trong khi đó, nhu cầu trong nước khoảng 13 triệu tấn/năm. Do đó nhập khẩu vẫn là nguồn bổ sung nhu cầu thị trường trong nước trong thời điểm hiện tại.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, lượng nhập khẩu có sự tăng vọt, trong khi kim ngạch có dấu hiệu giảm. Điều này có nghĩa giá có những dấu hiệu cho thấy phải tiến hành điều tra. Đây là quy định cần thực hiện theo quy trình điều tra pháp luật về áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Thứ trưởng Tân cũng nhấn mạnh rằng Bộ Công Thương cũng đang cân nhắc về tổng cung - cầu, sản xuất trong nước chưa đáp ứng nhu cầu thì phải nhập khẩu. Nhưng nhập khẩu ồ ạt gây tổn hại sản xuất trong nước và ngăn cản sản xuất trong nước thì phải có công cụ bảo vệ.

Ngoài biện pháp chống bán phá giá, Bộ Công Thương cũng sẽ có biện pháp khác nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích các bên. 

Trước đó, ngày 26/7, Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu  từ Trung Quốc và Ấn Độ. 

Thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá và xác định thiệt hại là từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024.

Bộ Công Thương cho biết bên yêu cầu điều tra là Hoà Phát và Formosa đã cung cấp các cơ sở chứng cứ để chúng minh hành vi bán phá giá của hàng hoá, xác định biên độ phá giá của HRC nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc ở mức 27,83%.

Tuy nhiên, điều này vướng phải sự phản đối của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép bởi nguồn cung trong nước hiện chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, các doanh nghiệp này hiện đang phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc.

H.Mĩ

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.