|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ấn Độ điều tra chống bán phá giá thép HRC của Việt Nam

16:32 | 19/08/2024
Chia sẻ
Các nhà sản xuất thép Ấn Độ đã báo động tình trạng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc chuyển hướng qua Việt Nam theo hiệp định thương mại tự do Ấn Độ-ASEAN trong một thời gian. Việc nhập khẩu với giá thấp hơn đã tác động đến giá thép trong nước.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục Trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho biết mới đây Cục đã nhận được văn bản từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ về việc nước này đang khởi xướng điều tra thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Việt Nam. 

“Hiện tại chúng tôi đang kiểm tra xác minh thông tin này”, ông nói.

Vị này nói thêm hiện Cục Phòng vệ Thương mại vẫn chưa nắm được thông tin doanh nghiệp nằm trong đối tượng bị điều tra. Trong thông báo chỉ nêu chung là thép cán nóng từ Việt Nam. 

Theo trang Business Standard, các nhà sản xuất thép Ấn Độ đã báo động tình trạng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc chuyển hướng qua Việt Nam theo hiệp định thương mại tự do Ấn Độ-ASEAN trong một thời gian. Việc nhập khẩu với giá thấp hơn đã tác động đến giá thép trong nước.

Động thái này diễn ra sau khi Hiệp hội Thép Ấn Độ (ISA) - thay mặt cho các nhà sản xuất thép trong nước, cụ thể là JSW Steel và ArcelorMittal Nippon Steel Ấn Độ (AM/NS Ấn Độ) - đã nộp đơn xin điều tra các sản phẩm thép phẳng cán nóng làm từ thép hợp kim hoặc không hợp kim có xuất xứ từ Việt Nam.

Thông báo do Tổng cục Phòng vệ thương mại (DGTR) thuộc Bộ Thương mại ban hành ngày 14/8 cho biết, trên cơ sở đơn yêu cầu điều tra bằng văn bản có đầy đủ chứng cứ do ngành sản xuất trong nước nộp, có bằng chứng rõ ràng về việc bán phá giá sản phẩm đang bị điều tra có xuất xứ từ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam, gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

“Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá”, thông báo cho biết.

Sản phẩm được xem xét là “các sản phẩm phẳng cán nóng bằng thép hợp kim hoặc không hợp kim, không phủ, không mạ hoặc tráng, có độ dày lên đến 25 mm và chiều rộng lên đến 2100 mm”. 

Thời gian điều tra từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/3/2024 (15 tháng).

Người nộp đơn đã yêu cầu áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực hồi tố.

Họ cho rằng do tác động bất lợi về khối lượng và giá của hàng nhập khẩu bị bán phá giá nên hiệu quả hoạt động của công ty đã giảm sút về lợi nhuận, thị phần và lợi tức đầu tư.

Các nhà sản xuất thép lớn đã điều chỉnh kế hoạch mở rộng của mình phù hợp với mục tiêu đạt công suất thép 300 triệu tấn vào năm 2030-2031 của Ấn Độ.

Thép HRC của Việt Nam đồng thời cũng đang phải đối mặt với việc điều tra phòng vệ thương mại từ phía EU. Hồi đầu tháng 8, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành Thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU).

Giai đoạn điều tra bán phá giá từ ngày 1/4/2023 đến ngày 31/3/2024; giai đoạn điều tra thiệt hại từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/3/2024.

 Thép HRC sản xuất tại Hoà Phát (Ảnh: H.Mĩ)

Ở chiều ngược lại, ngày 26/7, Việt Nam cũng khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. 

Thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá và xác định thiệt hại là từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024.

Bộ Công Thương cho biết bên yêu cầu điều tra đã cung cấp các cơ sở chứng cứ để chúng minh hành vi bán phá giá của hàng hoá, xác định biên độ phá giá của HRC nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc ở mức 27,83%.

Trước đó, ngày 19/3, Hoà Phát và Formosa đã gửi hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc. 

Trong một báo cáo công bố hồi cuối tháng 7, Hoà Phát cho biết lượng thép HRC nhập khẩu giá thấp tràn vào thị trường Việt Nam trong nửa đầu năm nay đang gây sức ép lớn cho việc tiêu thụ sản phẩm cùng loại của tập đoàn ở thị trường nội địa. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, lượng thép nhập khẩu đạt 6 triệu tấn, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2023. 

Ngoài ra, tập đoàn này cho biết thị trường xuất khẩu có nhiều thử thác đến từ tình trạng dư thừa thép HRC. Đồng thời, các quốc gia nhập khẩu đang tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại. 

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tình hình sản xuất, tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) trong tháng 7 vẫn tiếp tục ảm đạm so với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tiêu thụ thép HRC giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 578.000 tấn. Trong đó, xuất khẩu  giảm sâu 42% xuống 217.360 tấn. 

  Nguồn: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

Tính chung 7 tháng qua, lượng tiêu thụ HRC gần như tương đương so với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu giảm gần 29%. Năm nay, các doanh nghiệp tập trung cho việc bán hàng ở thị trường nội địa hơn là xuất khẩu. Trong cơ cấu thị trường tiêu thụ HRC, xuất khẩu chiếm 35%, giảm mạnh so với mức 50% của cùng kỳ năm ngoái.

H.Mĩ