Vì sao Apple không thể rời Trung Quốc?
Trong gần hai thập kỷ, Apple và Trung Quốc đã có mối quan hệ chặt chẽ. Quốc gia đông dân nhất thế giới không chỉ chiếm phần lớn sản lượng thiết bị của Apple mà còn chiếm một phần đáng kể trong doanh số bán hàng của họ, theo CNN.
Tuy nhiên, trong năm nay, một số rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện trong mối quan hệ đôi bên cùng có lợi này. Phần lớn tình trạng hỗn loạn được gây ra bởi chiến lược "Zero-COVID" của Trung Quốc, với các lệnh phong tỏa cửa nghiêm ngặt ở các khu vực chính của đất nước vào đầu năm nay đã ngừng sản xuất tại một số nhà máy, bao gồm cả các nhà máy của các đối tác sản xuất của Apple là Foxconn và Pegatron, qua đó làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tháng 4, CEO Apple Tim Cook đã cảnh báo rằng sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng của Trung Quốc có thể gây ra tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của hãng trong quý III.
Đây không phải lần đầu tiên sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc khiến công ty phải đau đầu. Một năm trước khi đại dịch bùng phát, Apple đã cảnh báo về nguy cơ doanh số bán iPhone có thể tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh căng thẳng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Apple cũng phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ trong nhiều năm đối với điều kiện làm việc tại một số cơ sở của các nhà cung cấp.
Tuy nhiên, dù tình hình có tồi tệ đến đâu, các chuyên gia cho rằng gã khổng lồ công nghệ khó có thể (thậm chí là không thể) rút khỏi Trung Quốc trong tương lai gần.
Lisa Anderson, CEO Tập đoàn Tư vấn LMA chia sẻ: "Rõ ràng ai cũng nhìn ra việc Apple muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Họ không thể chịu được rủi ro liên quan đến gián đoạn nguồn cung. Do đó, họ muốn kiểm soát tốt hơn khả năng phục vụ khách hàng. Như đã nói, quy mô của Trung Quốc sẽ không dễ nhân rộng, và do đó, quá trình chuyển đổi sẽ mất thời gian cũng như nguồn lực”.
Mối quan hệ thân thiết với các nhà cung cấp
Nhiệm kỳ của Tim Cook tại Apple trùng với quãng thời gian mối quan hệ giữa công ty và Trung Quốc được gắn kết. Tim Cook gia nhập Apple vào năm 1998, một vài năm trước khi công ty bắt đầu sản xuất các sản phẩm tại Trung Quốc. Ông đã giúp xây dựng và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu của mình với tư cách là COO trước khi trở thành nhà lãnh đạo vào năm 2011. Ông đã có một số chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc với tư cách là CEO, minh chứng cho tầm quan trọng của quốc gia này với Apple.
Tuy nhiên, Apple có thể đang suy nghĩ khác về một số vụ đặt cược của mình. Đầu năm nay, tờ Wall Street Journal đưa tin rằng công ty đang tìm cách thúc đẩy sản xuất ở các nước như Việt Nam và Ấn Độ, với lý do chính sách phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc là một trở ngại.
Apple đã không trả lời bình luận về câu chuyện này, nhưng Tim Cook đã liên tục nhấn mạnh về việc mở rộng sản xuất trong các cuộc họp với nhà đầu tư thời gian gần đây. Ông nói: “Chuỗi cung ứng của chúng tôi thực sự mang tính toàn cầu và vì vậy các sản phẩm cần được sản xuất ở khắp mọi nơi. Chúng tôi tiếp tục xem xét việc tối ưu hóa sản xuất. Chúng tôi học hỏi điều gì đó mỗi ngày và thực hiện các thay đổi phù hợp".
Tuy nhiên, Trung Quốc đã dành nhiều năm để phát triển sự kết hợp của các chính sách khuyến khích sản xuất, tài năng kỹ thuật địa phương và một hệ sinh thái chuỗi cung ứng gắn kết mà các doanh nghiệp như Apple sẽ rất khó để tìm thấy ở những nơi khác.
Bryan Ma, Phó chủ tịch công ty theo dõi thị trường IDC cho biết "Apple đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc đa dạng hóa hoạt động lắp ráp sản phẩm bên ngoài Trung Quốc, nhưng làm như vậy sẽ không dễ dàng vì mối quan hệ thân thiết với các nhà cung cấp linh kiện là lý do chính để công ty ở lại Trung Quốc”.
"Tôi chắc chắn rằng các nhà cung cấp sẽ khám phá các lựa chọn của họ, đặc biệt là khi chính phủ các nước áp dụng các biện pháp khuyến khích lắp ráp trong nước. Nhưng nếu toàn bộ chuỗi cung ứng không di chuyển theo họ, thì khả năng về logistics của việc chuyển linh kiện đến các cơ sở lắp ráp sẽ trở thành một thách thức lớn”, ông nói thêm.
Một thị trường lớn
Một yếu tố khác khiến Apple phải cân nhắc đó là Trung Quốc chính là thị trường lớn nhất của “táo khuyết” bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Apple hiện chiếm 18% thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc, và Trung Quốc cũng chiếm gần một phần tư doanh số bán hàng toàn cầu của Apple, theo Amber Liu, một chuyên gia phân tích ngành smartphone tại công ty nghiên cứu công nghệ Canalys.
“Tựu chung lại, Trung Quốc là nơi có một phần quan trọng của thị trường tăng trưởng của Apple. Apple có nhiều, rất nhiều lý do để không chèo lái con thuyền đi ngược với định hướng của chính phủ Trung Quốc", Gad Allon, Giám đốc chương trình quản lý và công nghệ tại Đại học Pennsylvania, người có nghiên cứu tập trung vào chuỗi cung ứng, cho biết.
Việc tăng cường mở rộng sản xuất ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc cũng có thể là dấu hiệu cho thấy Apple đang lo lắng về nhu cầu nội địa ở thị trường tỷ dân. Chẳng hạn, trong tuần này, Apple đã giảm giá cho khách hàng Trung Quốc lên tới 600 nhân dân tệ (89 USD) đối với các mẫu iPhone mới nhất của mình trong thời gian có hạn. Đây là động thái mà “táo khuyết” hiếm khi thực hiện trong suốt chiều dài lịch sử tại thị trường tỷ dân.
Rủi ro tiếp diễn
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt không phải rủi ro duy nhất mà Apple phải đối mặt tại Trung Quốc. Quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington có thể ảnh hưởng tới định hướng phát triển của Apple với các nhà lắp ráp chính, bao gồm Foxconn, Pegatron và Wistron.
Paul Triolo, Phó chủ tịch cấp cao của công ty cố vấn chiến lược Dentons Global, chia sẻ trên CNN Business: “Mặc dù việc phong tỏa sẽ buộc một số công ty phải đa dạng hóa địa điểm sản xuất của họ, nhưng chính sách zero-CCOVID sẽ không làm tổn hại đến vị thế của Trung Quốc. Mặt khác, một sự leo thang lớn ở các khu vực lân cận có thể ảnh hưởng đến tương lai của một số nhà sản xuất tại Trung Quốc.
Hiện tại, Apple dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi đúng hướng. “Các khoản chi tại Trung Quốc đã trở nên đắt đỏ hơn trong vài năm qua, nhưng những gì đã xảy ra trong năm ngoái khiến thị trường tiếp tục biến động mạnh. Phải nói rằng, trong giai đoạn này, rất khó để tìm được nơi nào đó có đủ điều kiện cung cấp những thứ mà Apple cần, ngoại trừ Trung Quốc”.