Vì sao Alibaba muốn chiêu mộ 1 triệu 'ngôi sao livestream' để bán hàng trực tuyến?
Valentina Avalon dành một giờ gọi điện thoại video và nói về quần áo của mình.
"Rất khó để tìm quần áo màu này. Nó rất thời trang và đẹp. Bạn thấy đó, tôi cực kì thích nó", cô nói khi đứng gần tủ quần áo của mình ở nhà.
Đây không phải một cuộc trò chuyện bình thường giữa những người bạn với nhau. Avalon đang làm công việc bán hàng cho một nhà bán trên AliExpress, sàn thương mại điện tử quốc tế của Alibaba. Trong sự kiện livetream kéo dài 90 phút của mình, hàng nghìn người mua hàng nói tiếng Nga, đã đổ về kênh của cô để trò chuyện và xem sản phẩm.
Valentina Avalon là người mở màn series 25 sự kiện livestream trong vài ngày trở lại đây, khi AliExpress khởi động gala lễ hội mua sắm giữa năm của mình.
"Có lẽ tôi sẽ không có thời gian để ngủ", Avalon nói với Nikkei.
Cô gái 37 tuổi là một phần trong chiến lược "chiêu mộ" đội quân "influencer" (người có ảnh hưởng) đa quốc tịch mà Alibaba đang thực hiện, để mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu. Alibaba muốn "đội quân" của họ có 1 triệu người cho tới năm 2023.
Đạt được thành công ở Trung Quốc khi kết hợp bán lẻ trực tuyến và tương tác xã hội (livestream), Alibaba đang tìm cách áp dụng công thức tương tự trên quy mô toàn cầu, song phải giải quyết các chướng ngại liên quan đến ngôn ngữ.
"Đây là sự mở rộng tự nhiên của chiến lược trong nước của Alibaba", Jeffrey Towson, cựu giáo sư đầu tư công nghệ Trung Quốc tại Đại học Peking, nói. Towson nhận định sự sáng tạo có thể mang đến cho Alibaba lợi thế tiên phong trong việc tạo ra vị thế trên thị trường toàn cầu.
Đến thời điểm hiện tại, mảng thương mại điện tử quốc tế của Alibaba chỉ chiếm tỉ trọng một con số trong tổng doanh thu. Trước đó, Jack Ma, người sáng lập Alibaba, từng kì vọng một nửa thu nhập của Alibaba sẽ đến từ bên ngoài Trung Quốc vào năm 2025.
Giới phân tích nói rằng kết quả không như kì vọng nói trên là do Alibaba chưa có nhận diện thương hiệu tốt trên thị trường quốc tế, cùng với đó là quan ngại của khách hàng về chất lượng hàng hóa. Alibaba tin rằng những người như Avalon có thể giúp vượt qua các rào cản, thông qua camera và microphone.
"TMĐT dựa trên livestream giúp xây dựng niềm tin", Yuan Yuan, Giám đốc vận hành AliExpress, nói. "Khi bạn xem livestream, bạn tương tác trực tiếp với người bán hàng và hiểu hơn về sản phẩm", bà chia sẻ thêm.
Cùng thời điểm, sự kết hợp giữa mua sắm trực tuyến và livestream cũng giúp thu hút đối tượng người dùng trẻ, những người vốn rất thích sử dụng ứng dụng streaming trước đó.
Bán hàng qua livestreaming mới chỉ nhen nhóm ở phương Tây, song nó đã chứng minh hiệu quả ở Trung Quốc. Năm ngoái, gần 433,8 tỉ nhân dân tệ (61,3 tỉ USD) giá trị hàng hóa được bán qua hình thức này ở quốc gia tỉ dân, theo iiMedia Research.
Với nhiều người ở Trung Quốc, "influencer" như những người bạn mà họ chưa từng gặp. Vì các ngôi sao trực tuyến thường chia sẻ cuộc sống thường nhật trên Internet, họ hình thành một sự gắn bó với người xem. Niềm tin mang đến cho họ tiếng nói khi người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng. Họ thậm chí còn hướng dẫn khách hàng mua gì hay đi đâu.
Một số công ty Trung Quốc khác như JD.com và Pinduoduo cũng đang đẩy mạnh livestream để thúc đẩy doanh số, song hiện tại chỉ Alibaba sử dụng cách tiếp cận tương tự với thị trường quốc tế.
Cùng thời điểm, các công ty công nghệ toàn cầu cũng đang để ý. Mới đây, Facebook bổ sung tính năng gian hàng trực tuyến trên nền tảng của mình. Amazon thì hợp tác với chương trình truyền hình trực tuyến thời trang "Project Runway", để người dùng có thể xem nó vừa mua sắm. Dù vậy, Alibaba tin rằng mình đang đi "tay trên" ở việc mở rộng chiến lược livestream nội dung trên toàn cầu.
"Chúng tôi đang đứng trên vai mảng Internet ở Trung Quốc", Yuan nói. Vì hết hết các ngành công nghiệp ở Trung Quốc đều đề cao livestream, trải nghiệm và kinh nghiệm sâu sắc từ thị trường nội địa sẽ giúp Alibaba mở đường tốt cho những "influencer" quốc tế, bà Yuan nhấn mạnh thêm.
Với mục tiêu có 1 triệu đại sứ bán hàng vào năm 2023, Alibaba ra mắt một nền tảng kết nối nhà bán và các "influencer" từ các mạng xã hội, như YouTube và Instagram. AliExpress cũng hợp tác với các công ty marketing địa phương và hứa sẽ chia sẻ các bí quyết bán hàng thông qua livestreaming.
Barbara Soltysinska, người sáng lập công ty marketing ở Warsaw indaHash, nằm trong số các công ty đã thử nghiệm chiến lược này. Ấn tượng với ngành công nghiệp livestream ở Trung Quốc, công ty của Soltysinska hợp tác với AliExpress để tổ chức hàng trăm chương trình phát trực tiếp nhắm đến người mua hàng Châu Âu từ năm ngoái
Alibaba cũng tổ chức đào tạo với những "influencer" tham gia dự án. Ít nhất 1 tháng 1 lần, AliExpress tổ chức các hội thảo trực tuyến cùng đội ngũ của Soltysinska, để đánh giá các nội dung livestream và đưa ra cách để cải thiện. Nhờ đó, AliExpress có thêm khách hàng mới. Trong một sự kiện mua sắm kéo dài 2 ngày hồi cuối năm ngoái, các "influencer" đã giúp AliExpress có thêm 2.000 khách hàng.
Dù vậy, vẫn còn quá sớm để đánh giá xem đây chỉ là thành công nhất thời hay là điểm khởi đầu của một trào lưu mới. Các nhà phân tích cho rằng, khác với Trung Quốc nơi 1,4 tỉ người có cùng hành vi mua sắm và nói cùng ngôn ngữ, thị trường Châu Âu phân mảnh hơn rất nhiều với các ngôn ngữ và nền văn hóa khác nhau.
"Thị trường Châu Âu chưa quen với việc mua qua livestream", Fabian Ouwehand, người đồng sáng lập một công ty marketing tại Hà Lan, chia sẻ. "Mọi người chỉ xem livestream cho vui và nếu bạn muốn người ta mua hàng qua đó, sẽ thực sự rất khó khăn".
Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng ngồi 30 phút xem livestream săn giảm giá, song không nhiều người Châu Âu đánh đổi các phiếu giảm giá với thời gian của mình.
Yuan của AliExpress thừa nhận phải mất "ít nhất 2 năm" để phổ biến xu hướng livestream với người mua hàng quốc tế, song bà tự tin rằng xu hướng này sẽ thăng hoa trong tương lai.
Ở Nga, một trong những thị trường mục tiêu của AliExpress, Anna Akimova, sinh viên 20 tuổi ngành marketing, nói rằng cô chưa từng mua hàng qua livestream nhưng sẵn sàng thử.
Theo cô, streaming sẽ giúp nội dung đáng tin hơn. "Nếu bạn trình bày một sản phẩm qua livestream và nó bị hỏng, bạn sẽ không thể làm gì hơn. Tất cả mọi điểm yếu đều đợi phơi bày với khách hàng", cô nói với Nikkei.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/