Ví rỗng - tôi đã thử và vẫn sống khoẻ cả tuần
Thời của quẹt thẻ thì có thể sống khỏe cả tuần dù ví rỗng không còn tiền mặt - Ảnh: TL |
Hàng ngày tôi đi làm bằng xe Grab, trả tiền qua thẻ. Trưa tôi ăn ở căng-tin cơ quan, trả tiền theo tháng, hoặc gọi đồ ăn qua mạng, cũng có các dịch vụ kiểu GrabFood, Now, trả tiền cũng bằng cà thẻ luôn.
Chiều tôi đi bộ rồi đi xe buýt về nhà, bằng thẻ vé tháng. Như vậy có thể cả ngày tôi không động đến cái ví.
Bạn sẽ nói quanh quẩn giữa nhà và cơ quan thì đúng là cần gì có tiền trong ví. Nhưng cuộc sống của tôi diễn ra ở nhiều nơi hơn thế. Và đi đâu tôi cũng có thể đi bằng ba phương tiện kể trên.
Tôi xem phim hay xem biểu diễn nghệ thuật đều có thể mua vé qua mạng hoặc quẹt thẻ. Đôi lúc còn có thể dùng điểm trong thẻ thành viên mà mua vé không mất tiền.
Tôi cũng đi ăn hàng và trả bằng thẻ. Bạn bè tôi cũng thường xuyên không có tiền mặt trong ví nên cuộc đối thoại phổ biến giữa chúng tôi là "Hôm nay đứa nào quẹt thẻ?".
Bạn sẽ nói phải rồi, cứ vào nhà hàng, cửa hiệu sang thì quẹt thẻ khó gì. Nhưng quả thật đã có lần tôi ăn vặt chỉ hết 39.000 đồng mà không có tiền mặt để trả.
Cơn hốt hoảng "ăn thì ăn rồi mà ví thì trống rỗng" của tôi đã được hóa giải bằng một thông tin đơn giản từ người bán hàng: "Chị có thể chuyển khoản mà". Và tôi làm việc đó trên... điện thoại.
Cũng bằng cách đó, tôi đã nhiều lần mua quần áo, giày dép ở những cửa hàng nhỏ không trang bị máy POS, với những số tiền mà nhiều người chép miệng cho là không đáng để chuyển khoản.
Vì không có thói quen trữ tiền mặt, tôi cũng hình thành thói quen đi siêu thị thay vì đi chợ. Tôi cảm ơn sự xuất hiện của ngày càng nhiều siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi có thể quẹt thẻ khi thấy những nhu cầu mua sắm cơ bản hàng ngày của mình không bị cản trở bởi việc không có tiền mặt trong ví.
Hàng tháng tôi thanh toán phần lớn các hóa đơn qua ngân hàng trực tuyến (internet banking): tiền điện, tiền điện thoại di động và cố định, tiền internet.
Tôi đang mong đến ngày tiền nước và các loại phí khác cũng có thể thanh toán qua mạng, gia đình tôi sẽ không phải lo việc người ta đến thu tiền mà không ai ở nhà và đến lúc nhận giấy dọa cắt dịch vụ.
Tôi tự cho là mình may mắn khi có điều kiện lựa chọn một lối sống ít phụ thuộc vào tiền mặt. Tôi có thể từ bỏ xe máy, đồng nghĩa với việc không phải lo mua xăng hay gửi xe.
Tôi cũng không bị ràng buộc bởi những trách nhiệm của một người có gia đình dẫn đến hàng loạt vấn đề phát sinh luôn cần có tiền sẵn sàng trong ví. Rất nhiều vấn đề tiền bạc tôi có thể giải quyết trên điện thoại.
Tuy vậy, dù tôi có thể cả tuần không tiêu đến tiền mặt, sự lý tưởng đó cũng không kéo dài lâu. Xét cho cùng tôi đang sống ở một xã hội nơi tiền mặt là vua.
Vì ví rỗng mà không ít lần tôi bụng đói cồn cào vẫn phải cố chịu đựng. Vì ví rỗng mà việc quan trọng cấp thiết đến mấy cũng phải đợi tìm được một cây ATM hoạt động tốt.
Vì ví rỗng mà có lần tôi đã đẩy bản thân vào hoàn cảnh đứng giữa đường lúc tối muộn, hoang mang tìm cách về nhà. Vì ví rỗng mà tôi dù chả thiếu thốn gì vẫn có lúc phải mở miệng vay người bên cạnh vài chục ngàn đồng.
Quả thật có một ít tiền mặt trong ví cũng không hại gì. Nhưng không có cũng không phải là bi kịch.
Xã hội sẽ tiến lên theo hướng bớt tiền mặt và bớt giao dịch trực tiếp chứ không thể theo hướng ngược lại. Các dịch vụ phi tiền mặt sẽ ngày càng tiện lợi hơn chứ không thể thụt lùi.
Những khó khăn nhỏ tôi từng gặp phải như trên chỉ là tình huống cá biệt.
Vì vậy, ví rỗng một ngày, hay cả tuần, cũng không phải là việc đáng lo. Cái đáng lo lúc này là... điện thoại hết pin.
Mời độc giả cùng tham gia Diễn đàn Hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt trên Tuổi Trẻ Online. Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Nhà nước phối hợp thực hiện với sự đồng hành của hai ngân hàng VCB và ACB.