Vi phạm tại 6 dự án BOT, BT ở TP HCM
Phí giao thông “gánh” lỗi nhà đầu tư
Thanh tra Chính phủ vừa hoàn tất Kết luận Thanh tra số 1423/KL - TTCP về việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn TP HCM.
Việc Thanh tra Chính phủ phải mất gần 2 năm để có thể hoàn thành bản kết luận này đã cho thấy tính chất phức tạp của vụ việc. Trước đó, vào tháng 9/2015, Tổng thanh tra Chính phủ đã ký Quyết định số 2638/QĐ - TTCP về thanh tra một số dự án BOT, BT giao thông, môi trường trên địa bàn TP HCM.
Phải mất 3 năm, Dự án BOT cầu Phú Mỹ mới hoàn thành hồ sơ quyết toán công trình. Ảnh: Lê Toàn |
Trong Kết luận 1423, Thanh tra Chính phủ chỉ chọn “mổ xẻ” 6/13 dự án BOT, BT giao thông, môi trường với giá trị 32.971 tỷ đồng được triển khai trong giai đoạn 2010 - 2015. Theo đó, ngoại trừ Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn An Sương - An Lạc thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), 5 dự án BOT, BT còn lại được đề cập trong Kết luận 1423 của Thanh tra Chính phủ đều do UBND TP HCM là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, gồm: Dự án Xây dựng cầu Phú Mỹ; Dự án Đường kết nối vào cầu Phú Mỹ; Dự án Xa lộ Hà Nội; Dự án Cầu Bình Triệu II; Dự án Xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu.
Công trình hạ tầng đầu tiên được Thanh tra Chính phủ đề cập trong bản kết luận gồm 23 trang A4 là Dự án BOT Xây dựng cầu Phú Mỹ - cầu dây văng lớn nhất TP HCM bắc qua sông Sài Gòn nối quận 2 và quận 9 do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ là nhà đầu tư. Công trình có tổng mức đầu tư 2.077 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là 23,6%, nguồn vốn vay ngân hàng nước ngoài và ngân hàng trong nước là 76,4% này có thời gian thu phí hoàn vốn 26 năm.
Theo kế hoạch ban đầu, công trình cầu Phú Mỹ được triển khai với 3 mốc tiến độ quan trọng: khởi công xây dựng vào tháng 12/2005; hoàn thành thi công vào tháng 9/2008; bắt đầu thu phí từ tháng 1/2009. Tuy nhiên, trên thực tế phải đến tháng 2/2007, nhà đầu tư mới có thể khởi công xây dựng những hạng mục đầu tiên. Do khởi công muộn, nên phải đến tháng 8/2009, các bên liên quan mới tiến hành nghiệm thu và bắt đầu thu phí hoàn vốn từ tháng 4/2010.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính chỉ đạo UBND TP HCM xem xét xử lý số tiền với tổng giá trị là 2.172 tỷ đồng, trong đó: Thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư của các Dự án với giá trị là 1.467.627,94 triệu đồng; Giảm tổng vốn đầu tư, điều chỉnh hợp đồng các dự án với giá trị là 90.652,6 triệu đồng; loại khỏi phương án tài chính cầu Bình Triệu II là 49.067,67 triệu đồng. Giảm giá trị quyết toán dự án với giá trị là 497.335,21 triệu đồng. Thu về ngân sách Thành phố từ các nhà đầu tư với giá trị là 41,1 tỷ đồng do thực hiện không đúng quy định. |
Việc để lụt tiến độ Dự án, theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm thuộc Bộ GTVT do chậm trễ thực hiện công tác thẩm định và UBND TP HCM do chậm phê duyệt thiết kế kỹ thuật, bàn giao mặt bằng, bảo lãnh vay vốn nước ngoài. Hệ lụy trực tiếp của việc chậm trễ này là việc nhà thầu thi công đã “thẳng tay” phạt nhà đầu tư với số tiền 60,1 tỷ đồng do vi phạm hợp đồng. Hiện số tiền nhà đầu tư bị phạt nói trên đã được UBND TP HCM phê duyệt vào chi phí công trình.
Tại Kết luận số 1423, Thanh tra Chính phủ không đưa ra đánh giá cụ thể đối với khoản phạt kỷ lục này. Tuy nhiên, một chuyên gia thuộc Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho rằng, việc hạch toán số tiền này vào chi phí công trình Dự án BOT cầu Phú Mỹ là chưa chính xác. Nếu tính vào chi phí công trình sẽ đồng nghĩa với việc người tham gia giao thông qua cầu Phú Mỹ phải trả tiền cho lỗi của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, đây không phải là lỗi duy nhất tại Dự án BOT cầu Phú Mỹ.
Theo quy định về quản lý đầu tư hợp đồng BOT, trong vòng 6 tháng từ khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư phải lập hồ sơ quyết toán dự án. Tuy nhiên, do lãnh đạo TP HCM không quyết liệt đôn đốc, nên dù Dự án BOT cầu Phú Mỹ đưa vào sử dụng từ tháng 8/2009, nhưng đến tháng 9/2012, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ mới hoàn thành hồ sơ quyết toán và thuê kiểm toán chi phí đầu tư của Dự án.
“Việc chậm quyết toán nói trên đã vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 36, Nghị định 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ về Hợp đồng BOT, BT”, Kết luận số 1423 do Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh ký nêu rõ.
Vi phạm Luật Đấu thầu
Nếu như sai sót trong quá trình triển khai đầu tư chỉ xuất hiện ở một số khâu tại Dự án BOT cầu Phú Mỹ, thì tại Dự án BT Xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ cũng do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ là nhà đầu tư, “lỗi” hiện diện dày đặc ở mọi giai đoạn.
Được biết, Dự án có tổng mức đầu tư 1.440,343 tỷ đồng, trong đó 80% là vốn vay thương mại, có mục tiêu xây dựng 11 km đường giao thông cấp II; thời gian xây dựng từ tháng 3/2008 đến tháng 7/2014.
Qua xác minh, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc UBND TP HCM có Văn bản số 5149/VP - ĐTMT ngày 8/8/2007 về việc chấp thuận chủ trương giao Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ tổ chức đầu tư Dự án theo hình thức hợp đồng BT, mà không tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước và quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư đàm phán hợp đồng là vi phạm quy định tại Điều 10 và Điều 11, Nghị định số 78/2007/NĐ - CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT (Nghị định số 78).
Bên cạnh đó, theo quy định, Dự án Xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, được ngân sách Thành phố thanh toán sau khi công trình hoàn thành, nên việc lựa chọn nhà thầu xây lắp thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhà đầu tư không tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu xây lắp mà tiến hành chỉ định các nhà thầu xây lắp là vi phạm Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29/11/2005.
Một hạt sạn lớn, khá hy hữu đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong quá trình thực hiện Dự án Xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ. Cụ thể, theo quy định của hợp đồng BT, đơn vị thực hiện xây lắp phải có trách nhiệm bảo hành công. Tuy nhiên, do Công ty TNHH Xây dựng How Yu (Việt Nam) là đơn vị xây lắp đã hoàn thành công trình nhưng không thực hiện trách nhiệm bảo hành công trình khiến Công tỵ cổ phần Đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ phải thuê đơn vị khác thực hiện bảo hành công trình và đề nghị quyết toán với số tiền là 41,645 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ khẳng định, số tiền đề nghị quyết toán nói trên nhà đầu tư này phải có trách nhiệm đòi Công ty TNHH xây dựng How Yu để trả cho đơn vị bảo hành công trình, mà không được đề nghị đưa vào quyết toán làm tăng chi phí Dự án.
Trong quá trình thực hiện, nhà đầu tư không tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu xây lắp mà tiến hành chỉ định các nhà thầu xây lắp là vi phạm Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29/11/2005. |
Tiếp tục dẫn chiếu các quy định về quản lý thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT và hợp đồng đã ký kết giữa UBND TP HCM với nhà đầu tư, Thanh tra Chính phủ cho rằng, khoản lợi nhuận nhà đầu tư tại Dự án sẽ được Thành phố trả bằng quỹ đất. Tuy nhiên, do UBND TP.HCM không giao quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện Dự án và cũng không có quy định cụ thể giá trị lợi nhuận nhà đầu tư được hưởng, nên Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc nhà đầu tư đề nghị quyết toán giá trị lợi nhuận là 383.649,525 triệu đồng vào hồ sơ quyết toán là không có cơ sở.
Cũng tại Dự án này, Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc UBND TP HCM không thực hiện xây dựng và công bố Danh mục Dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ để kêu gọi đầu tư (đến ngày 1/4/2011, UBND TP HCM mới thực hiện công bố danh mục đầu tư tại Quyết định số 1690/QĐ - UBND) là vi phạm quy định tại Điều 7, Điều 8, Nghị định số 78/2007/NĐ-CP.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc công bố danh mục dự án chậm, chỉ định nhà đầu tư không đúng quy định như đã nêu trên dẫn đến không phát huy được nguồn lực của xã hội, không tạo tính cạnh tranh giữa các nhà đầu tư.
“Trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm trên thuộc UBND TP HCM, trực tiếp là Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM và các cơ quan chuyên môn liên quan của Thành phố”, Thanh tra Chính phủ khẳng định.