|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngoài báo cáo lạm phát của Mỹ, còn sự kiện nào có thể dẫn dắt giao dịch tuần này?

07:57 | 25/11/2024
Chia sẻ
Mỹ sẽ công bố báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI), thước đo lạm phát ưa thích của giới chức Fed, vào ngày 27/11.

Trader trên sàn giao dịch chứng khoán New York. (Ảnh: Bloomberg).

Tuần này, chính phủ Mỹ sẽ công bố một báo cáo lạm phát quan trọng trong bối cảnh các nhà đầu tư đang cố gắng đánh giá định hướng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Bên cạnh đó, sự bắt đầu của mùa mua sắm cuối năm và báo cáo tài chính của một số công ty bán lẻ lớn sẽ tiết lộ sức khoẻ của người tiêu dùng Mỹ trong bối cảnh giá cả vẫn còn tăng cao.

Dưới đây là một số sự kiện sẽ tác động đến giao dịch tuần này, theo tổng hợp của Investing.com:

1. Dữ liệu lạm phát của Mỹ

Mỹ sẽ công bố báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI), thước đo lạm phát ưa thích của giới chức Fed, vào ngày 27/11. Các nhà kinh tế dự đoán PCEPI tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 10.

Trước thềm cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2024 vào ngày 17 - 18/12, Fed sẽ đón nhận thêm báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 11.

PCEPI tháng 11 sẽ không được công bố trước cuộc họp đó, vậy nên báo cáo tuần này sẽ là dữ kiện quan trọng cuối cùng về thước đo lạm phát ưa thích của giới chức Fed.

Các báo cáo gần đây cho thấy đà đi xuống của lạm phát đang gặp lực cản. Một số quan chức ngân hàng trung ương đã tỏ thái độ thận trọng với việc tiếp tục cắt giảm lãi suất.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, xác suất cho mức giảm 25 điểm cơ bản vào tháng 12 hoặc tạm ngừng chu kỳ giảm lãi suất đang ngang nhau.

Các nhà đầu tư thay đổi nhận định trong bối cảnh có nhiều yếu tố khó đoán xoay quanh khả năng lạm phát bật tăng trở lại dưới thời chính quyền sắp tới của ông Donald Trump.

 

2. Black Friday

Các nhà đầu tư sẽ có thêm thông tin về sức khoẻ của người tiêu dùng Mỹ và lĩnh vực bán lẻ khi sự kiện Black Friday đánh dấu sự bắt đầu của mùa mua sắm cuối năm nay.

Kết quả kinh doanh từ hai nhà bán lẻ lớn vào tuần trước đã cung cấp hai bức tranh rất khác nhau. Hôm 19/11, Walmart đã nâng dự báo doanh thu và lợi nhuận cả năm lần thứ ba liên tiếp.

Ngược lại, giá cổ phiếu Target tụt mạnh trong phiên 20/11 sau khi gã khổng lồ bán lẻ dự báo doanh thu và lợi nhuận quý cuối năm thấp hơn ước tính của các nhà phân tích.

Một loạt báo cáo tài chính của các công ty bán lẻ khác sẽ được công bố trong những ngày tới, bao gồm Best Buy, Macy’s, Nordstrom và Urban Outfitters.

3. “Trump trade”

“Trump trade” - chiến lược giao dịch dựa trên chiến thắng và chính sách tiềm năng của Tổng thống đắc cử Trump - có vẻ vẫn đang là động lực chính cho thị trường.

Các nhà đầu tư đặt cược vào việc “mua tiền mã hoá và USD, bán tài sản nước ngoài hoặc cổ phiếu năng lượng tái tạo” vẫn đang có lãi, dù đà tăng đã chậm lại một chút.

Bitcoin đang mấp mé mốc kỷ lục 100.000 USD/BTC. Kể từ đầu tháng 10, giá của đồng tiền mã hoá lớn nhất thế giới đã bật tăng khoảng 50%. Chỉ số USD đi lên khoảng 3,6%.

Cổ phiếu năng lượng sạch lại là tài sản có kết quả giao dịch tệ nhất. Quỹ iShare năng lượng sạch đã giảm gần 14% kể từ cuối tháng 10. Đồng peso của Mexico mất hơn 4%, trong khi chứng khoán châu Âu tụt khoảng 3%.

Tuy nhiên, lực cản đối với chiến lược “Trump trade” có thể gia tăng do các lo ngại về định giá cổ phiếu hoặc căng thẳng địa chính trị.

 

4. Lạm phát của Eurozone

Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ công bố báo cáo lạm phát được thị trường mong chờ vào ngày 29/11. Tương tự như tại Mỹ, các nhà đầu tư cũng đang cố gắng đánh giá hướng đi chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Lạm phát của Eurone đã tăng trở lại mức 2% vào tháng 10 sau khi tụt xuống dưới mức mục tiêu của ECB vào tháng trước đó.

Dữ liệu công bố tuần trước cho thấy hoạt động kinh doanh trong khối kinh tế chung đã xấu đi đáng kể trong tháng 11. Trong đó, ngành dịch vụ tiếp tục thu hẹp và ngành sản xuất chìm sâu vào suy thoái.

ECB đã hạ lãi suất ba lần trong năm nay và thị trường đang chờ đợi một đợt giảm 25 điểm cơ bản vào tháng 12 trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về triển vọng kinh tế của khu vực này.

Ở diễn biến khác, cơ quan xếp hạng S&P Global đang xem xét lại xếp hạng tín dụng của Pháp sau khi Fitch Ratings và Moody’s hạ triển vọng xuống tiêu cực.

Khả Nhân