Vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do COVID-19 thì có buộc phải bồi thường?
Đối với các bên ký kết hợp đồng, hậu quả mà đại dịch để lại là không thể lường trước được. Một bên không thể thực hiện theo thỏa thuận sẽ tìm cách được miễn thực hiện nghĩa vụ và để trốn tránh trách nhiệm vì lo sợ sẽ vi phạm hợp đồng.
Câu hỏi pháp lý đặt ra cho nhiều doanh nghiệp hiện tại là nếu doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất thì có buộc phải bồi thường?
Nhìn nhận chung về điều khoản bất khả kháng
Hầu hết các hợp đồng thương mại đều có một điều khoản về sự kiện bất khả kháng để đối phó với các sự kiện xảy ra sau khi hợp đồng được ký kết và nằm ngoài sự kiểm soát của các bên. Tác động của những sự kiện như vậy sẽ ảnh hưởng đến khả năng của một hoặc cả hai bên trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận.
Một điều khoản về sự kiện bất khả kháng sẽ quy định việc xảy ra sự kiện đó sẽ ảnh hưởng đến hợp đồng như thế nào, ví dụ, bằng cách cho phép các bên đình chỉ thực hiện hợp đồng, yêu cầu điều chỉnh chi phí hoặc đàm phán lại các điều khoản của hợp đồng, loại trừ việc chấm dứt hành vi vi phạm nghĩa vụ mà vi phạm đó gây ra sự kiện bất khả kháng, hoặc việc chấm dứt hợp đồng.
Các tác động chính xác của điều khoản bất khả kháng có thể phụ thuộc vào thời gian của sự kiện tác động đến điều khoản - nếu sự ảnh hưởng chỉ là tạm thời, thì hiệu suất hợp đồng chỉ có thể bị đình chỉ, nhưng nếu ảnh hưởng của sự kiện này là dài hạn và không thể được xác định, hợp đồng có thể bị chấm dứt.
Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) đã ban hành một điều khoản bất khả kháng cập nhật vào tháng 3/2020 (bản cập nhật cho phiên bản 2003) để đối phó với đại dịch và khuyến nghị sử dụng nó trong các hợp đồng thương mại quốc tế. Tuy nhiên, không có khái niệm thống nhất về bất khả kháng.
Điều khoản năm 2020 của ICC định nghĩa một sự kiện bất khả kháng là việc xảy ra một sự kiện hoặc tình huống cản trở một bên thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ của mình theo hợp đồng.
Sự cản trở này phải vượt quá (i) sự kiểm soát của bên có nghĩa vụ dựa theo điều khoản hợp đồng và (ii) một bên không thể lường trước một cách hợp lý tại thời điểm ký kết hợp đồng và (iii) với các tác động mà bên bị thiệt hại không thể tránh khỏi hoặc khắc phục được.
Ở đây, yếu tố thứ ba trong mệnh đề đóng vai trò quan trọng vì nó gây ra hậu quả và ảnh hưởng đến hiệu suất hợp đồng.
Các sự kiện bất khả kháng có thể bao gồm sự gián đoạn chính trị hoặc xã hội (chiến tranh, đóng cửa biên giới, đóng cửa các tuyến vận chuyển quan trọng; đình công hoặc bạo loạn), gián đoạn pháp lý (thay đổi lớn đối với bối cảnh pháp lý cho giao dịch dân sự) hoặc các sự kiện tự nhiên (lũ lụt, động đất, núi lửa phun trào).
Việc sự kiện cụ thể đã xảy ra có được áp dụng như sự kiện bất khả kháng hay không sẽ phụ thuộc vào từ ngữ của điều khoản trong hợp đồng, tức là, liệu sự kiện cản trở việc thực hiện nghĩa vụ của một bên có được liệt kê trong mệnh đề bất khả kháng hay không.
Trong huống nào thì Covid-19 được xem là một sự kiện bất khả kháng?
Trong trường hợp đại dịch Covid-19, nếu một điều khoản bất khả kháng đề cập rõ ràng đến việc xảy ra một đại dịch làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng thì vấn đề dễ giải quyết.
Tuy nhiên, nếu hợp đồng không đề cập cụ thể đến sự xuất hiện của một đại dịch thì có thể dựa vào một sự kiện khác được đề cập trong điều khoản. Điều khoản bất khả kháng của ICC năm 2003 là điều khoản có liên quan trong hầu hết các hợp đồng thương mại quốc tế thay vì phiên bản năm 2020.
Nguyên nhân là vì có một số bệnh dịch nằm trong danh sách các yếu tố được coi là tạo thành sự kiện bất khả kháng nhưng chưa gây ra đại dịch. Và chắc chắn, khi Covid-19 là một đại dịch có tỷ lệ ảnh hưởng toàn cầu thì yếu tố này mặc nhiên được xem là sự kiện bất khả kháng.
Ngoài ra, các sự kiện khác, chẳng hạn như sự cố đình trệ kéo dài trong giao thông vận tải cũng có thể kích hoạt điều khoản: nếu hàng hóa được quy định trong hợp đồng là phải cung cấp theo đường hàng không và khi tình trạng sân bay bị đóng cửa xảy ra vì đại dịch thì sự kiện bất khả kháng cần được áp dụng trên cơ sở đó.
Như vậy, điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng có thể thỏa thuận về việc áp dụng tương tự các trường hợp cụ thể về dịch bệnh đã được quy định trước đó hoặc một sự kiện được cho là bất khả kháng nếu như các yếu tố đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng bị ảnh hưởng.
Tiếp theo cần xem xét đến mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện và khả năng của một bên trong việc thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận. Việc một sự kiện được liệt kê trong điều khoản bất khả kháng đã xảy ra sẽ không đủ điều kiện để áp dụng điều khoản này nếu sự kiện đó không có tác động đến khả năng thực hiện nghĩa vụ của các bên.
Cần phải chứng minh rằng một bên không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình là do đại dịch Covid-19 gây ra. Ví dụ, các quy tắc và giới hạn về giãn cách xã hội đối với các hoạt động kinh doanh không thiết yếu có thể khiến cho một bên không thể đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời gian áp dụng các hạn chế này.
Cuối cùng, đối với người muốn miễn trách nhiệm thực hiện hợp đồng dựa vào điều khoản bất khả kháng sẽ phải chứng minh rằng không có giải pháp thay thế hợp lý nào để tránh hậu quả của Covid-19 hoặc ít nhất là để giảm thiểu tác động của nó.
Ví dụ, nếu một bên vẫn có thể lấy nguồn hàng hoặc linh kiện từ một nhà cung cấp khác (vẫn còn hoạt động kinh doanh trong giai đoạn cách ly xã hội) thì không được áp dụng điều khoản bất khả kháng.
Cơ chế pháp lý cho trường hợp sự kiện bất khả kháng xảy ra sau khi hình thành hợp đồng
Nếu một hợp đồng hoàn toàn không có điều khoản bất khả kháng, hoặc điều khoản đó chưa lường trước được tác động của đại dịch Covid-19, các bên có thể tìm cách dựa vào các quy tắc pháp lý của pháp luật hợp đồng để đối phó với tình huống này.
Ví dụ, Điều 313 của Bộ luật Dân sự Đức (BGB) quy định chung rằng khi hậu quả của một sự kiện làm thay đổi đáng kể cơ sở của hợp đồng, nếu các bên hoàn toàn không ký kết điều khoản về sự kiện bất ngờ này trong hợp đồng thì có thể yêu cầu sửa đổi hợp đồng.
Nếu không thể sửa đổi hợp đồng hoặc việc sửa đổi không thể mang lại quyền lợi chính đáng cho bên bị ảnh hưởng thì bên đó có thể rút khỏi hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng dài hạn thì chấm dứt bằng cách đưa ra thông báo.
Một ví dụ khác là Điều 1218 của Bộ luật Dân sự Pháp quy định về các sự kiện nằm ngoài sự kiểm soát của các bên khi không lường trước được tại thời điểm hình thành hợp đồng và khiến cho việc thực hiện là bất khả thi.
Nếu điều khoản bất khả kháng được áp dụng, việc thực hiện hợp đồng sẽ bị đình chỉ nếu sự kiện này là tạm thời hoặc hợp đồng bị chấm dứt nếu xảy ra trong dài hạn.
Trong tình huống có thiệt hại xảy ra, bên bị ảnh hưởng có thể yêu cầu đàm phán lại hợp đồng. Trong trường hợp điều này bị từ chối bởi bên kia, các bên có thể đồng ý yêu cầu hỗ trợ tư pháp hoặc chấm dứt hợp đồng.
Dưới góc độ của pháp luật thương mại quốc tế, Điều 79 của CISG (Công ước Liên hiệp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế) miễn cho một bên khỏi nghĩa vụ hợp đồng khi có sự cản trở ngoài tầm kiểm soát và không nằm trong dự kiến tại thời điểm ký kết hợp đồng; hoặc đã tránh và khắc phục nó nhưng hậu quả vẫn xảy ra.
Sự miễn trừ này chỉ kéo dài trong suốt thời gian diễn ra sự kiện bất khả kháng đó. Có thể nhận định chung về quy định này như sau:
Thứ nhất, sự kiện hoặc trở ngại phải được phát sinh sau thời điểm hợp đồng được ký kết.
Thứ hai, sự kiện không thể lường trước một cách hợp lý (bao gồm cả những sự kiện có thể thấy trước nhưng không đo lường được mức độ hậu quả của nó).
Thứ ba, không có điều khoản nào trong hợp đồng liên quan đến sự kiện hoặc hậu quả của nó, tức là không có điều khoản bất khả kháng.
Nếu hợp đồng đưa ra điều khoản như vậy thì các bên không thể dựa vào bất kỳ điều khoản cơ bản nào cho các sự kiện không lường trước theo luật điều chỉnh. Lúc này cần áp dụng giải pháp đã được nêu ở phần trên.
Có thể thấy, chúng ta luôn có sẵn các bài học về cơ chế trong pháp luật hợp đồng để đối phó với tác động của đại dịch Covid-19. Điều quan trọng chính là tùy từng trường hợp để có thể áp dụng những cơ chế khác nhau cho từng hợp đồng khi nhìn nhận Covid-19 như là một sự kiện bất khả kháng.