|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì đâu chứng khoán Mỹ rực đỏ ngày cuối tháng 9, Dow Jones thủng mốc 34.000?

07:05 | 01/10/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 30/9 đồng loạt đi xuống giữa nhiều lo ngại về lạm phát, chuỗi cung ứng và thị trường lao động. Dow Jones đóng cửa dưới ngưỡng 34.000 điểm.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 546,8 điểm, tương đương 1,59%, kết phiên ở gần 33.844 điểm. Riêng trong tháng 9, chỉ số gồm 30 bluechip này đã hai lần thủng mốc 34.000 vào các ngày 21 và 30/9. Hai lần liền trước đó là vào các ngày 18/6 và 19/7.

Chỉ số S&P 500 giảm 1,19% xuống 4.307,5 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 0,4%, đóng cửa ở 1.448,6 điểm.

Vì đâu chứng khoán Mỹ rực đỏ ngày cuối tháng 9, Dow Jones thủng mốc 34.000? - Ảnh 1.

Biến động của Dow Jones trong hai phiên 29 và 30/9/2021. (Nguồn: CNBC).

Nhìn chung, tháng 9 vừa qua đầy rẫy thông tin bất lợi với thị trường chứng khoán, từ lợi suất trái phiếu lên cao đến lo ngại lạm phát và nguy cơ với thị trường bất động sản Trung Quốc đều khiến nhà đầu tư bất an.

Tính chung trong cả tháng 9, S&P 500 sụt 4,8%, tiêu cực nhất kể từ tháng 3/2020 khi thị trường bán tháo ồ ạt vì COVID-19 mới ập đến Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên trong năm nay S&P 500 giảm quá 5% so với đỉnh lịch sử.

Nasdaq cũng giảm sâu nhất kể từ tháng 3/2020 khi mất 5,3% trong tháng 9 vừa qua. Dow Jones sụt 4,3%, tiêu cực nhất trong năm 2021.

CNBC dẫn lời ông Ed Yardeni, Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Yardeni Research, nhận định: "Tháng 9 năm nay đã diễn ra khớp với hình mẫu các tháng 9 trong lịch sử và gây thiệt hại đáng kể cho nhà đầu tư, nhưng tác động nhìn chung không quá lớn. Thị trường rất lo ngại việc tiền lương tăng, giá nhiên liệu tăng và chi phí vận tải lên cao sẽ làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp trong những tháng cuối năm và cả 2022".

Vì đâu chứng khoán Mỹ rực đỏ ngày cuối tháng 9, Dow Jones thủng mốc 34.000? - Ảnh 2.

Lạm phát CPI của Mỹ trong tháng 7 và 8/2021 đều là các mức cao nhất kể từ 2008.

Những vấn đề về lạm phát và chuỗi cung ứng đã tác động tiêu cực tới tâm lý thị trường trong phiên 30/9. Cổ phiếu hãng bán lẻ đồ gia dụng Bed Bath & Beyond cắm đầu lao dốc 22,1% sau khi công ty này thông báo kết quả kinh doanh quý II bị thiệt hại vì những vấn đề kể trên.

Các cổ phiếu bán lẻ khác cũng bị vạ lây. Walgreens Boots Alliance và Home Depot rớt lần lượt 3,4% và 2,6%, nằm trong nhóm tiêu cực nhất chỉ số Dow Jones.

Cổ phiếu tài chính và năng lượng từng vượt trội thị trường chung trong những tuần gần đây nhưng đến phiên 30/9 cũng điều chỉnh. Goldman Sachs sụt 1,7%, JPMorgan giảm 1,3%, đại gia dầu khí Chevron và Exxon Mobil cùng mất 1,8%.

Cổ phiếu công nghệ có phần khả quan hơn nhưng chỉ số Nasdaq vẫn ghi nhận phiên đi xuống thứ 5 liên tiếp trong bối cảnh lợi suất 10 năm duy trì ở mức cao trên 1,5%.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đi lên trong những tuần gần đây khi nhà đầu tư lo ngại lạm phát tăng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo sẽ sớm giảm quy mô chương trình mua trái phiếu hàng tháng. Các tập đoàn công nghệ thường vay nợ nhiều để thúc đẩy tăng trưởng nên cổ phiếu rất nhạy cảm với biến động trong lãi suất.

Ông David Bianco, Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty quản lý tài sản DWS Group nhận định: "Chúng tôi đã dự đoán trước thị trường trong tháng 9 và 10 có thể giảm 5% từ đỉnh, nhưng chúng tôi tin là các chỉ số sẽ không điều chỉnh (không giảm quá 10%)".

"Lợi suất nhiều khả năng sẽ đi lên, vì vậy chúng tôi đã tăng tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng. Nhưng lợi suất sẽ không tăng sốc và định giá của thị trường sẽ không bị ảnh hưởng", ông Bianco nói thêm.

Cổ phiếu Apple và Amazon đóng cửa trong sắc đỏ dù trước đó giao dịch trên tham chiếu. Cổ phiếu các hãng sản xuất chip lớn gồm Nvidia và Netflix vẫn giữ được sắc xanh nhưng kết phiên thấp hơn nhiều so với đỉnh trong ngày.

Tính trong cả quý III, Dow Jones giảm 1,9%, Nasdaq Composite mất 0,4%, S&P 500 vẫn tăng nhẹ.

Trong lịch sử, tháng 10 từng chứng kiến một số đợt bán tháo ồ ạt nhưng thường được xem là khởi đầu của một giai đoạn khả quan cho thị trường chứng khoán Mỹ. Theo thống kê của Stock Trader's Almanac, chỉ số S&P 500 tăng trung bình 0,8% trong các tháng 10 trước đây.

Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi tình hình tại Washington khi quốc hội đã thông qua một dự luật cấp ngân sách cho chính phủ hoạt động cho đến tháng 12, giúp các cơ quan liên bang tạm thời tránh nguy cơ đóng cửa.

Mặc dù vậy, quốc hội vẫn chưa nâng trần nợ công và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ trong tháng 10 này.

Vì đâu chứng khoán Mỹ rực đỏ ngày cuối tháng 9, Dow Jones thủng mốc 34.000? - Ảnh 4.

Cả bà Yellen và Chủ tịch Fed Jerome Powell cùng ra điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện ngày 30/9. Bà Yellen lặp lại cảnh báo rằng nếu quốc hội không nâng trần nợ, hậu quả sẽ "cực kỳ thảm khốc".

Trong một diễn biến khác, số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 25/9 là 362.000, cao hơn dự báo 335.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones đưa ra, đồng thời tăng so với con số của tuần trước đó. 

Vì đâu chứng khoán Mỹ rực đỏ ngày cuối tháng 9, Dow Jones thủng mốc 34.000? - Ảnh 5.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tuần 25/9 lên cao hơn ước tính.

Báo cáo việc làm tháng 9 sẽ được công bố vào ngày 8/10 và là thông tin đầu vào quan trọng để Fed đưa ra chính sách tiền tệ. Số liệu việc làm khả quan đồng nghĩa với việc Fed sẽ sớm giảm bớt các gói nới lỏng tiền tệ tung ra trong đại dịch.

Đức Quyền - Song Ngọc

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.