|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VEPR: 'Lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh vào cuối năm'

14:20 | 11/10/2016
Chia sẻ
"Tiền gửi hiện nay tăng mạnh, trong khi tín dụng không đẩy ra được, do đó sớm muộn các ngân hàng thương mại sẽ phải hạ lãi suất cho vay", TS Nguyễn Đức Thành nhận định.
vepr lai suat cho vay se giam manh trong thoi gian toi
Họp báo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý III. Ảnh: VEPR.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), nhận định tại buổi tọa đàm Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam 2016 vào sáng 11/10.

Theo ông Thành, việc giảm lãi suất trong thời gian tới là điều tất yếu. Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, ông phân tích, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại thời điểm 20/9 đã tăng 12,2% so với cuối năm 2015. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức 8,9% cùng kỳ. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,5%, giảm nhẹ so với năm 2015.

Nhóm nghiên cứu VEPR cho rằng, sức ép từ cầu tín dụng đã không còn, thay vào đó, khả năng huy động dồi dào đã giúp mặt bằng lãi suất trong nước giảm dần trong quý III.

Cùng với đó, diễn biến lãi suất bình quân liên ngân hàng (qua đêm và một tuần) đều giảm liên tục trong 3 tháng qua, cụ thể lãi suất kỳ hạn một tuần giảm dần từ mức trung bình 1,6% trong tháng 6 xuống lần lượt 1,35%; 1,01% và 0,54% trong 3 tháng tiếp theo.

Ông Thành dẫn chứng, cuối tháng 9, Vietcombank, VietinBank, BIDV… đã đồng loạt điều chỉnh giảm các mức lãi suất kỳ hạn dưới một năm từ 0,2 đến 0,3 điểm phần trăm về quanh mức 4,8-5,3%. Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống tính tới 20/9 đã tăng 11,8% so với cuối 2015, cao hơn mức 8,9% cùng kỳ.

Không lạc quan nhiều vào khả năng giảm lãi suất, ông Trương Đình Tuyển cho biết, nhu cầu hạ lãi suất cho vay là có thật và để giữ được lãi suất như năm nay đã là cố gắng rất lớn.

Theo ông Tuyển, có 3 nhóm yếu tố cản trở quá trình giảm lãi suất cho vay hiện nay. Thứ nhất, Chính phủ đưa ra quá nhiều gói lãi suất chính sách chèn lấn vào mức cho vay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó là nơi tạo ra việc làm và tăng trưởng GDP lại phải chịu lãi suất cao.

Thứ hai, nợ xấu đang làm cho vốn hiệu dụng lưu động tại các ngân hàng thương mại giảm đi, khiến khả năng cho vay của các ngân hàng này bị hạn chế.

Thứ 3, trái phiếu Chính phủ đang chèn vào khả năng cho vay khi năm nay Chính phủ đã phát hành hết. Trái phiếu nhiều tạo điều kiện cho vốn hữu dụng trong quý IV, tuy nhiên trong điều kiện hiện tại, khi "tăng tín dụng mà hạ lãi suất nữa sẽ rất nguy hiểm", ông Tuyển nhận định.

Về vấn đề tăng trưởng, ông Trương Đình Tuyển đồng ý với quan điểm của VEPR, tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 rất khó để đạt mục tiêu 6,3 - 6,5% của Chính phủ. Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng chỉ có thể sẽ ở mức 6,0%.

Thái Hoàng