VEC lên tiếng về thấm nước trên cầu cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Các điểm lậu nước tại cầu VD09B (Km107+829). Ảnh: Sỹ Thắng-TTXVN |
Đại diện VEC cho biết, qua quá trình kiểm tra, rà soát trên toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đơn vị nhận thấy còn một số tồn tại về chất lượng công trình. Cụ thể, đoạn tuyến do Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ vốn (Km0+000 - Km65+000) có 21 cầu xuất hiện hiện tượng nước thấm từ dải phân cách giữa xuống mố trụ, thấm nước mối nối ống thoát nước mặt cầu.
Đối với đoạn tuyến do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn còn tồn tại tình trạng mặt đường bị đọng nước; một số hạng mục cầu, hầm chui xuất hiện tình trạng thấm nước, rỉ nước từ điểm thu nước xuống cống, ống thu nước bị bật khỏi mối nối, công tác hoàn trả đường địa phương, thi công đường ngang, đường gom chưa thi công xong,…
“Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thấm nước, đọng nước tại một số cầu là do việc thi công hệ thống thoát nước mặt cầu chưa được hoàn thiện để bảo đảm yêu kỹ thuật theo thiết kế. Bên cạnh đó, nhà thầu chưa thi công rãnh dẫn nước mặt cầu thoát xuống dưới gầm cầu về cống tròn gần đó, dẫn đến nước mưa chảy xuống dưới gầm cầu; chưa thực hiện thanh thải lòng cầu, cống cũng như thanh thải vật liệu thừa khi thi công dầm ngang đầu cầu ra khỏi công trường khiến cầu, hầm chui mất vệ sinh, mất mỹ quan, ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân địa phương”, đại diện VEC cho biết.
Cũng theo VEC, qua kiểm tra cho thấy các hầm chui dân sinh chủ yếu bị thấm nước mối nối khe co giãn thành cống. Nguyên nhân chính là do băng cản nước được bố trí giữa 2 thân đốt hầm trong quá trình thi công bị xô lệch, gây nên hiện tượng rò rỉ nước từ đỉnh hầm chui.
Các điểm lậu nước tại cầu VD09B (Km107+829). Ảnh: Sỹ Thắng-TTXVN |
Những tồn tại này nhà thầu chậm triển khai khắc phục dẫn đến những bức xúc cho người dân địa phương và tạo dư luận không tốt cho dự án.
Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình, VEC đang chỉ đạo và yêu cầu các nhà thầu khẩn trương huy động nhân vật lực để tập trung hoàn thiện các hạng mục còn lại, hạng mục còn tồn tại cần phải khắc phục ngay bằng chính kinh phí của nhà thầu vì hiện nay toàn bộ công trình đang trong thời gian bảo hành.
“VEC từ chối thanh toán cho các nhà thầu cho tới khi các hạng mục còn tồn tại được hoàn thiện xong đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật của nự án. Nếu nhà thầu không hoàn thành đúng thời hạn theo yêu cầu, chủ đầu tư sẽ chỉ định ngay nhà thầu phụ thực hiện công việc để sửa chữa kịp thời và nhà thầu phải chịu tất cả các chi phí sửa chữa do nhà thầu phụ được chỉ định thực hiện”, đại diện VEC cho biết.
Liên quan đến dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tại cuộc họp chiều 26/10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ yêu cầu VEC ưu tiên hoàn thiện mặt đường, đảm bảo cho xe lưu thông êm thuận.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo và yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) thành lập tổ giám sát, khẩn trương vào hiện trường dự án trợ giúp và giám sát VEC thực hiện công việc Bộ Giao thông Vận tải giao.
“Tổ giám sát và ban lãnh đạo VEC phải tổ chức họp giao ban định kỳ hàng tuần để giám sát tiến độ công trình, mời toàn bộ nhà thầu đến tham dự. Nếu nhà thầu không thực hiện nghiêm túc công việc được giao, Bộ Giao thông Vận tải sẽ yêu cầu chấm dứt hợp đồng và không cho phép nhà thầu tham gia vào các dự án khác của ngành Giao thông”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu.
Ngày 27/10 vừa qua, VEC đã được phép thu phí trở lại đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sau nửa tháng bị Bộ Giao thông Vận tải dừng thu phí để sửa chữa mặt đường đoạn Km0 đến Km65.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khởi công xây dựng tháng 9/2013, dài 139 km, tổng kinh phí đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của JICA và WB. Ngày 2/8/2017, đoạn tuyến 65 km từ Đà Nẵng đi Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) được đưa vào khai thác. Đoạn tuyến hợp phần WB tài trợ, được thông xe và đưa vào khai thác từ ngày 2/9/2018.