Chuyên gia lo ngại khả năng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có thể hỏng tiếp
Một đoạn đường đã được sửa chữa và phương tiện có thể lưu thông. Ảnh: Internet. |
Công tác thực hiện sửa chữa hoàn chỉnh mặt đường đoạn Km0+000 – Km65+000 (đã đưa vào khai thác được 14 tháng – từ ngày 2/8/2017) tiến hành từ 17h ngày 14/10/2018 và hoàn thành vào 15h ngày 17/10/2018.
Mặc dù tổng diện tích mặt đường bị bong tróc khoảng 70 m2/3,1 triệu m2 tổng diện tích dự án, nhưng để đảm bảo sửa chữa triệt để mặt đường, các nhà thầu đã cào bóc sửa chữa 3.024,75 m2 VTO (dày 3cm) và 2.488,75 m2 lớp bê tông nhựa hạt mịn (dày 5cm).
Về khối lượng thực hiện, VEC cho biết, Gói thầu số 4 tại các vị trí có lý trình Km26+622 – Km27+042 (trái tuyến), Km28+000 – Km28+026 (trái tuyến), Km27+700 – Km27+722 (phải tuyến), Nhà thầu dùng máy cào bóc chuyên dụng bóc hết lớp VTO (dày 3cm), sau đó tiến hành trình tự thi công theo biện pháp thi công sửa chữa hư hỏng mặt đường đã được Tư vấn giám sát chấp thuận. Tổng diện tích cào bóc 1 lớp và rải bê tông nhựa VTO dày 3cm là 536 m2...
Nhà thầu cũng đã triển khai thảm bù, vuốt nối đảm bảo êm thuận giữa các vị trí hiện tại với các vị trí vừa hoàn thiện sửa chữa.
Trong quá trình thi công sửa chữa mặt đường đoạn tuyến JICA (Km0+000 – Km65+000), Ban quản lý dự án đã cử các cán bộ bám sát hiện trường, chỉ đạo Nhà thầu thực hiện đầy đủ các bước theo đúng Biện pháp thi công đã được Tư vấn giám sát và VEC chấp thuận. Ngay khi công việc sửa chữa mặt đường hoàn thành, Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và Lãnh đạo VEC đã đi kiểm tra toàn bộ các hạng mục sửa chữa được thực hiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia về giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc hư hỏng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi ngay sau khi đưa vào sử dụng có thể là do việc thiết kế chưa chính xác, dẫn đến việc thi công tuyến đường này đã không đảm bảo, hoặc có thể là do một nguyên nhân nào khác nữa nhưng những điều này vẫn cần chờ kết luận thanh tra của Bộ Giao thông vận tải.
“Tuy nhiên điều tôi lo lắng ở đây là sau khi sửa xong, ‘vá’ xong liệu tuyến đường này có còn bị hỏng nữa không. Có thể sẽ không bị hỏng ở đoạn đường đấy nhưng sẽ hỏng ở đoạn đường khác trên cùng một tuyến đường. Đặc biệt, theo tôi cần kiểm tra lại toàn bộ hệ thống mặt đường cao tốc này, xác định cụ thể nguyên nhân gây hư hỏng từ đó có cách khắc phục dứt điểm trên toàn tuyến. Đồng thời, phải xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan như nhà thầu, giám sát tư vấn, giám sát công trình khi để xảy ra vấn đề trên”, ông Thủy đề xuất.