|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

VEC đang khai thác 350km cao tốc, chiếm một nửa tổng chiều dài cao tốc cả nước

12:04 | 13/06/2017
Chia sẻ
VEC đang đưa vào khai thác 3/5 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 350 km. Tính đến thời điểm hiện tại, các tuyến cao tốc do VEC quản lý đã đón 91 triệu lượt phương tiện, trung bình có 100.000 lượt phương tiện thông qua an toàn 
vec dang khai thac 350km cao toc chiem mot nua tong chieu dai cao toc ca nuoc
Tính đến thời điểm hiện tại, các tuyến cao tốc do VEC quản lý đã đón 91 triệu lượt phương tiện, trung bình có 100.000 lượt phương tiện thông qua an toàn trong một ngày đêm. (Ảnh: Linh Lê)

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dẫn nguồn từ Văn phòng Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đơn vị đang đưa vào khai thác 3/5 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 350 km - chiếm một nửa chiều dài đường cao tốc quốc gia.

Chỉ riêng 5 tháng đầu năm nay, VEC phục vụ 15,6 triệu lượt phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc, tăng 10% so với lượng phương tiện qua lại trong nửa đầu năm 2016. Còn cả năm 2016, số phương tiện lưu thông là 30,8 triệu lượt, tổng doanh thu và tổng lưu lượng tăng trên 30% so với năm trước.

Tính đến thời điểm hiện tại, các tuyến cao tốc do VEC quản lý đã đón 91 triệu lượt phương tiện, trung bình có 100.000 lượt phương tiện thông qua an toàn và thông suốt trong một ngày đêm.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT đánh giá, những tuyến cao tốc đưa vào khai thác đã gia tăng sản lượng vận tải hành khách và hàng hóa, rút ngắn thời gian và góp phần hạ giá thành vận tải. Theo tính toán, chi phí logistics của nước ta chiếm khoảng 20% GDP, vì thế khi cước vận tải hạ sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm...

Cụ thể, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được mở ra đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và khu vực lân cận; giúp giao thương giữa các tỉnh thuận tiện; tăng khả năng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp địa phương... Bám theo tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cũng đã xây dựng cơ sở 2 tại vị trí chỉ cách nút giao Liêm Tuyền chưa đầy 1km.

Tương tự, với chiều dài 245 km, cao tốc Nội Bài - Lào Cai cũng là đòn bẩy tăng trưởng GDP cho các tỉnh khu vực Tây Bắc; góp phần kết nối các khu vực nghèo với các trung tâm kinh tế, tạo đà phát triển phía hữu ngạn sông Hồng. Các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai đã có sự tăng trưởng lớn về vận tải hàng hóa và hành khách.

Những tháng đầu năm, hoạt động vận tải của tỉnh Yên Bái tăng 4,8% về khối lượng (đơn vị: tấn) và doanh thu so với cùng kỳ 2016; khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5%, tăng 1,9% về doanh thu so với cùng kỳ 2016. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tăng 23,3% và tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng 2,5% so với cùng kỳ.

Báo cáo quý I của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, nhiều công trình, dự án giao thông được đầu tư kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào. Đến tháng 3, toàn tỉnh thu hút được 234 dự án FDI và 663 dự án DDI, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam, thép Việt Đức, Prime Vĩnh Phúc…

Việc kết nối tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai với tỉnh Phú Thọ thông qua 4 nút giao (IC7, IC8, IC 9 và IC10) đã dậy tiềm năng du lịch của địa phương này. Từ khi cao tốc Nội Bài – Lào Cai thông xe, năm 2015, tỉnh đã đón 2,5 triệu lượt khách, dự kiến đến năm 2020 có thể đón 5 triệu khách du lịch/năm...

Còn Dự án đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã giúp thu hẹp một nửa khoảng cách và rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng lân cận TP HCM, các phương tiện tiết giảm 20 - 30% chi phí nhiên liệu.

Việc toàn tuyến cao tốc này đưa vào khai thác đã góp phần làm tăng doanh thu từ du lịch của các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng… Đặc biệt, chỉ sau hơn 1 năm thông xe toàn tuyến cao tốc này, tỷ lệ hộ nghèo tại phường Long Phước, quận 9, TP HCM đã giảm từ 6,4% xuống 3,1%… và thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản khu vực quận 9, quận 2 và huyện Nhơn Trạch, Long Thành (tỉnh Đồng Nai).

Bên cạnh mang lại hiệu quả lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, việc đưa các tuyến cao tốc nói trên vào khai thác còn góp phần giảm tải áp lực giao thông, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc nghiêm trọng thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ1, Quốc lộ 70 và cửa ngõ vào Hà Nội, TP HCM.

Hệ thống cao tốc được kết nối còn giúp tiết kiệm chi phí đầu tư các cơ sở hạ tầng khác. Không cần tỉnh nào cũng phải xây dựng cảng biển, sân bay bởi nhờ có đường cao tốc, cả vùng có thể sử dụng chung những hạ tầng giao thông đó, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright phân tích.

vec dang khai thac 350km cao toc chiem mot nua tong chieu dai cao toc ca nuoc Phát triển đường cao tốc bằng vốn xã hội hóa: cần hóa giải mặt trái

Hàng loạt dự án đường cao tốc lớn đã được quy hoạch hoặc bắt đầu triển khai ở Việt Nam trong những năm gần đây, ...

vec dang khai thac 350km cao toc chiem mot nua tong chieu dai cao toc ca nuoc Cao tốc Bắc-Nam nhắm đến nhà đầu tư ngoại

Các cơ chế tài chính khá mở so với các dự án BOT hiện hành mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất và ...

vec dang khai thac 350km cao toc chiem mot nua tong chieu dai cao toc ca nuoc Dự án cao tốc Bắc - Nam: Mức thu phí dự tính 2,4 triệu đồng/lượt

Mức thu phí dự án đường cao tốc Bắc - Nam được dự tính là 1.500 đồng/km, tăng dần, dự kiến kéo dài 24 năm. ...

Linh Lê