|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Về một biện pháp hỗ trợ TCTD yếu kém

09:26 | 16/08/2017
Chia sẻ
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), với mục tiêu chính nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý các TCTD yếu kém, đã được lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa 14 và dự kiến sẽ được trình xem xét thông qua vào kỳ họp tiếp theo vào tháng 10-2017.
ve mot bien phap ho tro tctd yeu kem

Nếu các biện pháp hỗ trợ không đủ mạnh thì khó xử lý nhanh các TCTD yếu kém. Nhưng nếu quá ưu ái thì sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các chủ thể khác. Ảnh: TL

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), với mục tiêu chính nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý các TCTD yếu kém, đã được lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa 14 và dự kiến sẽ được trình xem xét thông qua vào kỳ họp tiếp theo vào tháng 10-2017.

Về nội dung của dự luật này, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận nhiều vấn đề như: cơ chế miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém; cơ chế phát hiện ngân hàng yếu kém; cách xử lý các tổ chức này; nguyên tắc, điều kiện lựa chọn thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc hay phương án phá sản; cơ chế chỉ định TCTD, nhà đầu tư nhận chuyển giao bắt buộc; việc cho vay đặc biệt để chi trả tiền gửi trong trường hợp TCTD phá sản; trách nhiệm liên quan của các bên trong giai đoạn trước và sau cơ cấu lại...

Bên cạnh các vấn đề nêu trên, người viết cho rằng cần đánh giá thêm về các biện pháp hỗ trợ đối với TCTD yếu kém. Trong hàng loạt biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ đối với các TCTD yếu kém mà dự luật đề xuất, đáng chú ý nhất là biện pháp cho vay đặc biệt đối với TCTD yếu kém đang thực hiện phương án phục hồi hoặc phương án chuyển giao bắt buộc với lãi suất ưu đãi (điều 150b, điều 152c) và cho vay tái cấp vốn đối với ngân hàng hỗ trợ với lãi suất ưu đãi (điều 150đ).

Ưu đãi đầu vào, dọn sẵn đầu ra

Nếu các biện pháp hỗ trợ không đủ mạnh thì khó xử lý nhanh các TCTD yếu kém. Nhưng nếu các biện pháp hỗ trợ quá ưu ái cho các TCTD yếu kém thì sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các chủ thể khác, như trong trường hợp của dự thảo luật này.

Cho vay đặc biệt được quy định cụ thể trong Thông tư số 06/2012/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 16-3-2012. Theo đó, TCTD lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và được kiểm soát đặc biệt có thể được NHNN cho vay đặc biệt với lãi suất do NHNN quyết định trong từng trường hợp cụ thể, thời hạn vay tối đa hai năm (có thể gia hạn nhiều lần). Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, mức lãi suất cho vay đặc biệt được xác định rõ là lãi suất ưu đãi (điểm b, mục 1, điều 150b).

Nếu không vay đặc biệt, TCTD được kiểm soát đặc biệt có thể nhận tiền gửi hoặc vay với lãi suất ưu đãi từ TCTD hỗ trợ (điểm e, mục 1, điều 150b).

Như vậy, dù vay đặc biệt hay nhận vốn từ TCTD hỗ trợ, các TCTD được kiểm soát đặc biệt đều có thuận lợi về lãi suất, trong khi các TCTD khác nếu vay đặc biệt thì lãi suất áp dụng là lãi suất tái cấp vốn (hiện là 6,25%).

Không chỉ được ưu đãi về chi phí vốn, TCTD được kiểm soát đặc biệt còn có thể mua nợ hoặc trái phiếu doanh nghiệp (tất nhiên là nợ nhóm 1) từ TCTD hỗ trợ (điểm g, mục 1, điều 150b).

Nguồn vốn giá rẻ và dư nợ được hỗ trợ theo cách như trên sẽ tạo ra nguồn thu nhập lớn và nhanh chóng cho TCTD được kiểm soát đặc biệt. Để dễ hình dung, giả sử TCTD được kiểm soát đặc biệt mua danh mục dư nợ 1.000 tỉ đồng, lãi suất cho vay là 9% từ TCTD hỗ trợ, đồng thời nhận tiền gửi từ đơn vị này 1.000 tỉ đồng để tài trợ cho khoản nợ trên với lãi suất huy động ưu đãi là 2%, thu nhập lãi thuần từ hai nghiệp vụ này sẽ khoảng 70 tỉ đồng/năm. Tất nhiên, quy mô mua bán nợ có thể cao hơn nhiều ví dụ trên, và TCTD bị kiểm soát đặc biệt có thể vay ưu đãi nhiều hơn từ TCTD hỗ trợ để tài trợ cho các khoản nợ khác.

Không để TCTD hỗ trợ thiệt thòi

Ngoài ra, TCTD hỗ trợ còn “không bị hạn chế về tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu chính phủ theo quy định của NHNN” (tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu chính phủ tối đa so với nguồn vốn ngắn hạn hiện nay là 25% đối với ngân hàng thương mại nhà nước và 35% đối với ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh và ngân hàng 100% vốn nước ngoài).Tham gia hỗ trợ TCTD yếu kém, TCTD hỗ trợ một mặt phải điều động nhân sự, tổ chức quản lý, giám sát quá trình thực hiện phương án, đồng thời phải hỗ trợ trực tiếp về vốn và dư nợ như phân tích ở trên.

Tuy nhiên, NHNN cũng không để cho TCTD hỗ trợ phải chịu thiệt thòi. Do đó, dự thảo luật quy định TCTD hỗ trợ có quyền “được vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi và được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc trên nguyên tắc đủ bù đắp thu nhập bị giảm và chi phí phát sinh trong quá trình hỗ trợ cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo phương án đã được phê duyệt” (mục 6, điều 150đ).

TCTD được kiểm soát đặc biệt có lãi nhanh, vậy ai là người lỗ?

Đề xuất cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt hay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi cho TCTD hỗ trợ để bù đắp cho nguồn vốn và dư nợ mà TCTD hỗ trợ đã “bơm” cho TCTD được kiểm soát đặc biệt là đề xuất khá táo bạo của NHNN. Người viết cho rằng đây là biện pháp hỗ trợ chủ chốt mà nếu được thực hiện sẽ đẩy rất nhanh quá trình phục hồi của ngân hàng yếu kém nhưng đồng thời cũng có thể tạo ra những tác động khác cho thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Các giao dịch tài chính nêu trên là giao dịch vay trả, mua bán nên không thể nói là sử dụng trực tiếp ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho TCTD yếu kém. Tuy nhiên, bản chất của nghiệp vụ cho vay đặc biệt hay cho vay tái cấp vốn này là hành động bơm tiền giá rẻ ra thị trường, nên có thể xảy ra ít nhất hai trường hợp sau:

Thứ nhất, nếu NHNN xem hành động bơm tiền này đồng thời phục vụ cho chính sách nới lỏng tiền tệ thì mục tiêu nới lỏng tiền tệ sẽ không đạt được trọn vẹn. Cần lưu ý rằng, trước khi đi ra thị trường, nguồn vốn giá rẻ phải đi qua TCTD được kiểm soát đặc biệt và tổ chức này sẽ có nhiều lựa chọn để “phân bổ” mức chênh lệch lãi suất “khủng” (như ví dụ 7% ở trên): tăng NIM (tỷ lệ lãi cận biên) và lợi nhuận của TCTD, hạ lãi suất cho vay để lôi kéo thêm khách hàng vay, hạ lãi suất huy động để tận dụng nguồn vốn rẻ.

Trong điều kiện của mình, có lẽ lựa chọn tăng NIM và lợi nhuận sẽ được TCTD ưu tiên hàng đầu, sau đó mới đến hạ lãi suất. Như vậy, cung tiền thì vẫn tăng lên và làm tăng lạm phát, trong khi mức độ giảm lãi suất thì không nhiều. Các TCTD khác cũng sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt hơn và buộc phải giảm NIM, giảm lợi nhuận để giữ khách hàng.

Thứ hai, nếu NHNN hút lại một lượng tiền trên thị trường mở để đảm bảo tổng cung tiền không đổi thì tình trạng nơi thừa vốn, nơi thiếu vốn sẽ càng trầm trọng. Nghịch lý ở chỗ các TCTD yếu kém thì dư vốn giá rẻ, trong khi các TCTD tốt thì khó khăn hơn trong việc huy động. Cũng có khi các TCTD tốt phải vay tiền từ các TCTD yếu kém với lãi suất tăng. Nếu dòng vốn không lưu thông kịp thời, có thể mặt bằng lãi suất phải tăng lên để bù đắp sự gia tăng của rủi ro thanh khoản. Lúc đó, người đi vay sẽ bị ảnh hưởng.

Trong hai trường hợp trên, người bị thiệt hại chính là các TCTD khác, người đi vay và người dân do ảnh hưởng bởi cạnh tranh, lãi suất tăng và lạm phát tăng. Tuy nhiên thiệt hại bị chia nhỏ ra nhiều phần và không tác động trực tiếp.

Có thể thấy, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD bao hàm nhiều chính sách quan trọng, nội dung phức tạp mà ảnh hưởng của nó đến các chủ thể trong nền kinh tế cần được đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn. Nếu các biện pháp hỗ trợ không đủ mạnh thì khó xử lý nhanh các TCTD yếu kém. Nhưng nếu các biện pháp hỗ trợ quá ưu ái cho các TCTD yếu kém thì sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các chủ thể khác, và sẽ khó được Quốc hội thông qua. Đây là bài toán hóc búa cho NHNN trước kỳ họp Quốc hội tiếp theo vào tháng 10-2017.

ve mot bien phap ho tro tctd yeu kem Xử lý triệt để TCTD yếu kém phù hợp với cơ chế thị trường

Chính phủ đang chỉ đạo kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm ...

ve mot bien phap ho tro tctd yeu kem Miễn trừ trách nhiệm pháp lý cho người tham gia tái cơ cấu TCTD trong trường hợp nào?

Việc miễn trừ trách nhiệm chỉ thực hiện khi việc tái cơ cấu TCTD không đạt kết quả do nguyên nhân khách quan. Trường hợp ...

ve mot bien phap ho tro tctd yeu kem Cơ chế phục hồi mới liệu có 'hồi sinh' TCTD yếu kém?

Ba ngân hàng bị mua "0 đồng" hiện không thể đáp ứng các quy định về an toàn hoạt động, không đủ điều kiện triển ...

Phong Hiếu