|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ủy ban kinh tế Quốc hội đề nghị phân tích rõ nguyên nhân nợ xấu mảng đầu tư cổ phiếu và trái phiếu ở mức cao

09:30 | 23/05/2022
Chia sẻ
Nợ xấu của lĩnh vực đầu tư, kinh doanh cổ phiếu và đầu tư, kinh doanh trái phiếu chỉ chiếm lần lượt là 1,13% và 0,01% so với nợ xấu của toàn hệ thống nhưng chiếm tới 19,57% và 2,87% tổng dư nợ tín dụng của từng lĩnh vực.

Ủy ban Kinh tế đã có báo cáo đánh giá việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và thẩm tra Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42.

Theo đó, tính đến 31/12/2021, nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới là 251.300 tỷ đồng và số chưa xử lý còn 412.670 tỷ đồng. Một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết số 42 còn chưa thực sự phát huy hiệu quả (như áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án...)

Cơ quan của Quốc hội lưu ý đối với nợ xấu nói chung, xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao (47% tổng nợ xấu được xử lý); một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống như bất động sản (chiếm 18,4%); cho vay tiêu dùng (chiếm 25,8%); BOT, BT giao thông (3,92%).

Đáng chú ý, nợ xấu của lĩnh vực đầu tư, kinh doanh cổ phiếu và đầu tư, kinh doanh trái phiếu chỉ chiếm lần lượt là 1,13% và 0,01% so với nợ xấu của toàn hệ thống nhưng chiếm tới 19,57% và 2,87% tổng dư nợ tín dụng của từng lĩnh vực.

Đây là những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, có thể gây ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung, nhất là trong điều kiện năng lực chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế, báo cáo nêu rõ.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng; các giải pháp đã triển khai thực hiện để nhận diện cũng như kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay, nhất là các khoản thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Đồng thời có ý kiến đề nghị đánh giá về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (được thực hiện đến ngày 30/6/2022). Mặc dù chính sách này hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng có thể phản ánh không đầy đủ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế.

Đồng ý kéo dài thời hạn Nghị quyết số 42 đến hết 2023 

Cũng tại báo cáo, Ủy ban Kinh tế thống nhất với đề xuất của Chính phủ, theo đó kéo dài thời hạn thực hiện toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến hết ngày 31/12/2023 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Theo báo cáo của Chính phủ, tại thời điểm 31/12/2021, trong trường hợp đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 6,31%, ở mức cao so với tổng dư nợ.

Đồng thời, nếu Nghị quyết số 42 không được tiếp tục thực hiện thì số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý (bao gồm cả số nợ xấu phát sinh mới) dự kiến có thể lên đến mức 430.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022 và 443.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023. 

Phương Nga