|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VDSC: Lợi nhuận của PV Power có thể cải thiện nhờ hết khấu hao nhà máy và tình trạng thiếu điện tại miền Nam

14:23 | 09/09/2019
Chia sẻ
VDSC ước tính chi phí khấu hao năm 2019 của PV Power sẽ giảm khoảng 580 tỉ đồng và giảm nhiều hơn trong các năm sau.

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, Mã: VDS) vừa công bố báo cáo phân tích Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, Mã: POW) với đánh giá triển vọng dài hạn tích cực.

Theo VDSC, PV Power có tiềm năng tăng trưởng khi khu vực miền Nam có khả năng xảy ra thiếu điện từ năm 2020, đặc biệt mức thiếu hụt càng tăng nhanh trong những năm tiếp theo đó.

Khu vực miền Nam chiếm 47,2% tổng tiêu thụ điện của cả nước, tuy nhiên chỉ có chưa đến 40% tổng công suất nguồn điện của Việt Nam được đặt ở khu vực này.

Trong khi nhà máy điện tại chỗ không đủ công suất, việc xây dựng thêm các nguồn điện mới ở miền Nam hầu hết đang chậm tiến độ, dẫn tới nguy cơ thiếu điện ở khu vực này kể từ năm 2020 trở đi.

Mức thiếu hụt điện tại miền Nam được dự báo tăng từ 3,7 tỉ kWh năm 2021 lên tới gần 10 tỉ kWh năm 2022. Dự kiến đỉnh điểm của mức thiếu điện ở miền Nam sẽ rơi vào năm 2023 ở mức 12 tỉ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỉ kWh năm 2024 và 3,5 tỉ kWh năm 2025.

Trong khi đó, các nhà máy của PV Power có tổng qui mô 4,2 GW, chiếm khoảng 9% tổng công suất hệ thống điện quốc gia.

Với phần lớn công suất nhà máy đặt ở khu vực phụ tải lớn miền Nam, POW sở hữu nhiều lợi thế khi quá trình tự do hóa ngành điện tạo ra thị trường cạnh tranh ở cấp độ cao hơn và mở ra cơ hội gia tăng lợi nhuận cho các nhà máy.

pow

Nguồn: PV Power, VDSC

Suất đầu tư thấp, nhà máy khấu hao xong giúp lợi nhuận tiếp tục được cải thiện

Đối với các nhà máy sản xuất của PV Power, suất đầu tư bình quân là 16,4 tỉ đồng/MW (0,8 triệu USD/MW), trong đó bình quân 4 nhà máy điện khí chỉ là 10,5 tỉ đồng/MW (0,5 triệu USD/MW).

Trong khi đó, hiện nay chi phí thị trường bình quân để đầu tư mới vào mỗi MW công suất khoảng 2 triệu USD đối với thủy điện, 1,5 triệu USD đối với nhiệt điện than, và 0,9 triệu USD đối với điện khí, cao hơn đáng kể so với chi phí đầu tư của PV Power.

Như vậy, các nhà máy mới đi vào vận hành trong tương lai khó có khả năng cạnh tranh được với các nhà máy đang hoạt động của PV Power.

pow

Nguồn: PV Power, VDSC

Bên cạnh suất đầu tư thấp, các nhà máy trong danh mục của PV Power cũng đang lần lượt bước vào giai đoạn hoàn thành trả nợ và khấu hao máy móc.

Trong năm 2018, chi phí khấu hao đã giảm 396 tỉ đồng so với cùng kì. Năm 2019 dự kiến chi phí khấu hao của cụm nhà máy này sẽ giảm tiếp khoảng 580 tỉ đồng.

Trong khi đó, máy móc của nhà máy Nhơn Trạch 1 cũng sẽ hết khấu hao trong quý III/2019, giúp chi phí khấu hao của nhà máy này giảm khoảng 130 tỉ đồng trong năm 2019 và giảm thêm khoảng 260 tỉ đồng trong năm 2020.

Theo VDSC, với quy mô LNTT năm 2018 khoảng 2.200 tỉ đồng, việc chi phí khấu hao giảm mạnh dự kiến sẽ có đóng góp lớn vào KQKD của POW.

Sơn Tùng