VDSC gợi ý chiến lược đầu tư với nhóm dầu khí, thép trong tháng 3
Chiến lược giao dịch thế nào với nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản?
Theo báo cáo chiến lược thị trường tháng 3 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cuộc chiến Nga – Ukraine và các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu lên Nga đang làm dấy lên mối quan ngại về rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt khi mà Nga và Ukraine là hai quốc gia xuất khẩu lớn các sản phẩm kim loại, phân bón, nông sản, dầu và khí đốt.
Tâm lý quan ngại này đã đẩy giá các hàng hóa nói trên, vốn đang neo ở vùng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng trong suốt hai năm đại dịch, một lần nữa quay trở lại vùng đỉnh. Hoạt động “đầu cơ theo giá hàng hóa” đã đưa giá cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan tăng nhanh và mạnh.
Trái với diễn biến giá cổ phiếu, các nhà phân tích của Rồng Việt không cho rằng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có thể tăng nhanh theo diễn biến giá hàng hóa.
Xét về mức tác động lên ngành dầu khí Việt Nam nếu các doanh nghiệp dầu khí Nga bị cấm vận, rủi ro tổng thể không quá lớn khi các dự án có vốn đầu tư từ các tập đoàn dầu khí Nga chủ yếu là những dự án nhỏ và ở giai đoạn đầu.
Lệnh cấm vận nếu có sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động thăm dò tìm kiếm trong ngắn hạn nhưng về dài hạn sẽ tiềm ẩn nhiều hạn chế trong việc triển khai các dự án.
Với việc giá dầu tăng mạnh, hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp vẫn sẽ được hưởng lợi theo đà tăng của giá bán như các doanh nghiệp sản xuất trung và hạ nguồn. Theo đó, VDSC tiếp tục khuyến nghị nắm giữ PLX.
BSR và OIL cũng là hai doanh nghiệp trung – hạ nguồn của ngành dầu khí mà nhà đầu tư có thể xem xét tích lũy trong những nhịp điều chỉnh của thị trường. Trong khi đó diễn biến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp thượng nguồn vẫn chủ yếu theo tâm lý “đầu cơ” theo giá dầu.
"Quan sát các đợt tăng giá dầu trong quá khứ, chúng tôi nhận thấy giá dầu tăng nhanh cũng sẽ giảm nhanh trong một thời gian ngắn khi xảy ra các bất ổn địa chính trị. Do vậy, chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng đối với nhóm cổ phiếu này, gồm PVD, PVS, PXS, và PVC".
Đối với nhóm thép, chiến tranh Nga - Ukraine có thể dẫn đến gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng ngành thép tại châu Âu. Nga là nhà cung cấp lớn về khí đốt tự nhiên, than, sắt và thép của châu Âu.
Năm 2021, Nga và Ukarine chiếm khoảng 20% sản lượng thép nhập khẩu của khu vực này. Bên cạnh nguồn cung thép có khả năng giảm, các nhà sản xuất thép châu Âu có thể đối mặt với chi phí năng lượng tăng cao, điều này sẽ gây áp lực lên chi phí sản xuất thép.
Trong ngắn hạn, giá dầu khí tăng sẽ tác động đến các nhà sản xuất ở khu vực này. Các nhà sản xuất thép phẳng của Việt Nam và Ấn Độ sẽ hưởng lợi từ căng thẳng khi các công ty này có thể tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn cũng như tồn kho giá thấp.
Xem xét khả năng tiếp cận thị trường thép phẳng của châu Âu, NKG và HSG sẽ hưởng lợi nhiều nhất trong ngắn hạn. HPG sẽ gặp phải cả khó khăn và thuận lợi khi giá than tăng mạnh, dẫn đến ảnh hưởng lên biên gộp trong nửa đầu năm 2022.
Liên quan tới hoạt động đầu tư ngắn hạn theo diễn biến giá thép cán nóng (HRC), nhóm phân tích cho rằng NKG và HSG là các lựa chọn hấp dẫn trong trường hợp châu Âu và các quốc gia khác áp đặt các lệnh trừng phạt lên ngành thép Nga.
Dù vậy, xét về yếu tố cơ bản, thị giá NKG đã vượt giá mục tiêu 12 tháng (45.000 đồng/cp) và HSG gần như đạt giá mục tiêu 12 tháng (41.000 đồng/cp) theo định giá của VDSC. Theo đó, nhà đầu tư có thể tích lũy HPG cho mục đích nắm giữ trung - dài hạn, không chỉ do tác động tích cực của đợt tăng giá HRC mà còn đến từ nhu cầu nội địa phục hồi trong năm 2022.
VDSC gọi tên 5 cơ hội đầu tư trong tháng 3
Với chiến lược đầu tư trong tháng 3, VDSC cho rằng nhà đầu tư cân thận trọng trước những bất ổn bên ngoài, hạn chế mua đuổi và tăng vị thế sức mua để tích lũy cổ phiếu có triển vọng kinh doanh khả quan, đi cùng sự phục hồi của nền kinh tế.
Các nhà phân tích kỳ vọng tâm lý nhà đầu tư sẽ ổn định và thị trường có thể phục hồi trở lại vào thời gian cuối tháng, khi các thông tin về kết quả kinh doanh quý I/2022 khả quan ở nhiều ngành nghề sẽ dần được hé lộ.
Các số liệu kinh tế vẫn đang cho thấy sự phục hồi ổn định của lĩnh sản xuất – công nghiệp, thể hiện qua chỉ số PMI duy trì trên mức 50 điểm đồng thời tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp đã phục hồi về mức tương đương mức tăng trước đại dịch.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh sau các biện áp trừng phạt đối với hệ thống ngân hàng Nga. Dù vậy, xét về yếu tố cơ bản, VDSC cho rằng tác động sẽ không đáng kể khi mà dư nợ liên quan từ hai phía là không đáng kể.
Do vậy, công ty chứng khoán vẫn duy trì dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 và 2023 lần lượt là 34% và 19% so với cùng kỳ năm trước. Tâm lý phòng vệ rủi ro có thể khiến giá cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực sụt giảm tạm thời về vùng hấp dẫn cho mục đích đầu tư trung – dài hạn.
Cổ phiếu ưa thích cho giao dịch và tích lũy tháng 3 theo khuyến nghị của VDSC bao gồm STK, HND, DRC, PNJ, TCB.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/