VDSC: VN-Index dao động trong vùng 1.450 - 1.540 trong tháng 3, cửa sáng với nhóm thủy sản, cảng biển khi họ dầu khí sẽ dần hạ nhiệt
Cuộc chiến giữa Nga – Ukraine bất ngờ khởi phát trong những tuần cuối tháng Hai đưa thị trường đảo chiều sang trạng thái tiêu cực. Về mặt kinh tế, nhóm phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng cuộc chiến Nga – Ukraine sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp lên nền kinh tế Việt Nam, do giá trị thương mại giao thương với hai quốc gia trên là không đáng kể.
Dù vậy, trong ngắn hạn, tâm lý phòng thủ trước những bất ổn kinh tế có thể phát sinh từ sự đáp trả qua lại giữa các bên trong cuộc chiến Nga – Ukraine sẽ tạo nên những phiên biến động mạnh. Khi thị trường còn tiềm tàng bất ổn, công ty chứng khoán cho rằng việc duy trì tỷ lệ sức mua nhất định sẽ giúp nhà đầu tư có vị thế tốt hơn trong những nhịp sụt giảm giá cổ phiếu.
Quyết định lãi suất của FED dự kiến sẽ công bố giữa tháng Ba là yếu tố đang được quan tâm. VDSC cho rằng việc Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3 đã là yếu tố được dự đoán từ trước khi lạm phát tại Mỹ đạt mức cao kỷ lục.
Trong đó, mức kỳ vọng về đợt tăng lãi suất của Fed có thể đạt 0,5 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó là 0,25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, trong kịch bản tốt hơn dự kiến là mức tăng chỉ khoảng 0,25 điểm phần trăm trong bối cảnh xung đột chính trị leo thang tại Nga và Ukraine thì điều này có thể tác động tích cực trong ngắn hạn về mặt tâm lý chung trên thị trường.
Với các luận điểm trên, nhóm phân tích kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.450 - 1.540 trong tháng 3.
Dòng tiền chảy vào thị trường sẽ mang tính chọn lọc hơn
Trong giai đoạn hiện tại, thị trường có phần bớt sự hưng phấn hơn khi giá trị giao dịch qua khớp lệnh (24.000 tỷ/phiên) giảm 14% so với giai đoạn cao trào vào tháng 11 và tháng 12 năm 2021 khi chỉ số đang giao dịch quanh mức 1.500, tương ứng mức P/E 17 lần.
Do đó, dòng tiền chảy vào thị trường sẽ mang tính chọn lọc hơn so với giai đoạn trước và hướng đến các cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng cao và còn dư địa hưởng lợi từ xu hướng tăng giá hàng hóa trong năm 2022.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu cảng biển sẽ được hưởng lợi khi giá cước nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh tăng trong ngắn hạn nếu việc khủng hoảng nguồn cung tiếp tục diễn ra tồi tệ hơn.
Trong nhóm xuất khẩu, các cổ phiếu thủy sản sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi giá bán tăng nhanh khoảng hơn 50% so với cùng kỳ, nguồn cầu mạnh mẽ với sự sụt giảm nguồn cung của Nga (với giá trị xuất khẩu hơn 500 triệu USD). Các nhà phân tích của VDSC tin xu hướng tăng của giá bán vẫn được duy trì trong nửa đầu năm 2022 trước việc giá thực phẩm toàn cầu vẫn trong xu hướng tăng.
Đối với nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường, họ ngân hàng chịu áp lực bán trong giai doạn cuối tháng 2 và đầu tháng 3 khi tình hình căng thẳng chính trị leo thang. Yếu tố này tạo áp lực lên dòng vốn ngoại khi nhóm này quay đầu bán ròng mạnh trong tuần cuối tháng 2 với giá trị bán ròng là 395 tỷ trong khi đang duy trì đà mua ròng tốt với giá trị là 466 tỷ trong tuần thứ 2 và 3 của tháng 2.
Điều này là không quá bất ngờ khi đi cùng với xu hướng chung của cổ phiếu ngân hàng ở các quốc gia phát triển. Theo đánh giá của VDSC, triển vọng 2022 của nhóm ngân hàng vẫn lạc quan với mức tăng trưởng năm 2022 ở mức 34% và không chịu quá nhiều tác động trước những hình phạt đối với Nga khi dư nợ không lớn.
Do đó, các chuyên gia tin tưởng vào sự hồi phục trong giá cổ phiếu của nhóm nhà băng khi câu chuyện tăng trưởng sẽ dần rõ nét hơn trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022 dưới góc độ dài hạn hơn.
Nhóm dầu khí theo đánh giá của VDSC thì dư địa tăng giá không nhiều khi giá cổ phiếu đã phản ánh thông tin về căng thẳng chính trị và giá dầu theo quan điểm của chuyên viên ngành là sẽ dần hạ nhiệt.