VDSC: Điện than gặp khó, nhóm thủy điện lớn và điện khí hưởng lợi
Trong báo cáo ngành điện, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết sản lượng điện quý I đạt 63 tỷ kWh, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2021; phụ tải cực đại đạt 40.144 MW, tăng 6%.
Dựa trên sản lượng điện 3 tháng đầu năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra kịch bản mới cho sản lượng điện năm 2022, tăng so với kế hoạch đầu năm. Ở kịch bản cơ sở, sản lượng điện 2022 đạt 227,3 tỷ kWh, tăng 8,7%; kịch bản phụ tải cao tăng trưởng 12% so với năm 2021.
Tuy nhiên, một vấn đề nan giải là các nhà máy nhiệt điện than đang thiếu đầu vào để sản xuất, đỉnh điểm từ đầu tháng 3, một số tổ máy đã phải ngưng sản xuất điện.
Nguyên nhân là nguồn than trong nước gặp khó khăn trong khai thác khi Tập đoàn Than – Khoán sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc thiếu nguồn nhân lực. Ngoài ra, trong bối cảnh giá than thế giới leo thang khi khủng hoảng năng lượng toàn cầu, các doanh nghiệp nhập khẩu khó trúng các gói thầu.
Do đó, sản lượng nhiệt điện than sẽ giảm do không đủ than để phát điện. VDSC cho rằng nhóm thủy điện và nhóm điện khí sẽ hưởng lợi trên thị trường phát điện cạnh tranh nhờ vào sản lượng được huy động nhiều hơn.
Cụ thể theo EVN, nhóm than phát ít hơn nên thủy điện và điện khí được huy động nhiều hơn so với kế hoạch ban đầu lần lượt là 2,1 tỷ kWh và 1 tỷ kWh.
Ngoài ra, giá trên thị trường phát điện cạnh tranh cao hơn, tạo ra nhiều cơ hội kiếm lời trên thị trường này và mở rộng biên lợi nhuận gộp.
VDSC cho rằng việc thiếu than sẽ khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều do cơ chế phức tạp. Do vậy, trong ngắn hạn nhóm thủy điện lớn và điện khí sẽ tiếp tục hưởng lợi trong ngắn hạn, cho đến khi nguồn than không còn hạn chế để phát điện.
Ở kịch bản xấu nhất, khi nguồn than vẫn không đủ đáp ứng sản xuất điện, nhóm dầu sẽ phát thay. Và điều này khiến giá trên thị trường phát điện cạnh tranh sẽ lên một mức cao hơn, lại tiếp tục có lợi cho hai nhóm trên.