|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VCCI: Xu hướng kinh doanh ngày càng tích cực

21:14 | 23/07/2019
Chia sẻ
VCCI nhận định, doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng mạnh hơn từ đầu năm đến nay đã cho thấy, xu hướng kinh doanh tích cực và triển vọng phát triển kinh tế có tín hiệu lạc quan.
VCCI: Xu hướng kinh doanh ngày càng tích cực - Ảnh 1.

Dây chuyền chế biến thịt ếch xuất khẩu tại Công ty TNHH Tân Thành Lợi, tỉnh Long An. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng mạnh hơn từ đầu năm đến nay đã cho thấy, xu hướng kinh doanh tích cực và triển vọng phát triển kinh tế có tín hiệu lạc quan, nhất là khi Việt Nam đang thực hiện và ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã góp phần thúc đẩy cải cách thể chế trong nước.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, vướng mắc và khởi nguồn những vấn đề đó tới từ thể chế và sự chồng chéo của hệ thống pháp luật.

Với vai trò đã được Chính phủ giao, VCCI sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa -  những doanh nghiệp yếu thế và non trẻ.

Qua 6 tháng đầu năm 2019, cả nước đã có 67.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 21.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, song nhìn chung, tình hình tăng trưởng đang có xu hướng chậm lại. Dự báo, tốc độ tăng trưởng chung sẽ giảm trong những tháng cuối năm.

Các nghiên cứu và khảo sát gần đây của VCCI cho thấy, đa phần doanh nghiệp đều bày tỏ cảm nhận về tốc độ cải cách hiện nay còn chưa đạt yêu cầu.

Hiện vẫn còn nhiều vướng mắc và chồng chéo giữa các quy định trong hệ thống pháp luật cũng như thẩm quyền quản lý Nhà nước mà các bộ, ngành, đơn vị đang nắm giữ.

Kết quả rà xét bước đầu các Luật Đầu tư, Đất đai, Xây dựng, Môi trường... đã phát hiện ít nhất 20 điểm xung đột, bất cập giữa các văn bản luật.

Theo báo cáo hàng tháng của VCCI tổng hợp tình hình triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, có 48,57% doanh nghiệp tỏ ý hài lòng về việc trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương; 14,29% doanh nghiệp trả lời rất hài lòng và có tới 31,43% trả lời chưa hài lòng. Cá biệt, có 5,71% doanh nghiệp không tham gia đánh giá.

Kết quả này cho thấy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sự nỗ lực nhiều hơn hiện tại với những giải pháp thực chất hơn để đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của doanh nghiệp trước thực tiễn khó khăn đang phải đối mặt.

Đánh giá về thực trạng của doanh nghiệp trong nước hiện nay, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, năng lực quản trị của các doanh nghiệp Việt đang còn ở mức thấp so với tương quan tình trạng doanh nghiệp ở các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN).

Năm 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá Việt Nam đứng ở vị trí cuối bảng xếp hạng về Chỉ số quản trị các công ty niêm yết trong 6 nước ASEAN.

Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam cũng xếp hạng thứ 104 trong số 140 nền kinh tế trong khu vực.

Điều đó cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và khu vực doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa nói riêng cần sự hỗ trợ nhiều hơn, tích cực hơn để không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn đủ khả năng hội nhập.

Việt Nam hiện đã trở thành thành viên của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA - những cơ hội lớn giúp kinh tế Việt Nam hội nhập và mở cửa mạnh mẽ, nên VCCI luôn xác định việc hỗ trợ doanh nghiệp hiểu cách tận dụng các cơ hội kinh doanh, thương mại và đầu tư từ hội nhập quốc tế sẽ là những nhiệm vụ quan trọng cần được triển khai tới đây.

Theo đó, các chương trình, dự án quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập và phát triển bền vững hay đề án Hợp tác thương mại và đầu tư song phương giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược quan trọng cũng sẽ được triển khai tích cực trong năm nay và năm sau.

Cùng với, nâng cao chất lượng hoạt động của các diễn đàn doanh nghiệp và hội đồng kinh doanh giữa Việt Nam với các thị trường trọng điểm... cũng được VCCI chú trọng.

Ngoài việc tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ như: Nghị quyết 09/NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đối thoại giữa chính quyền địa phương, quản lý Nhà nước và khu vực doanh nghiệp...

VCCI sẽ phối hợp tổ chức một số sự kiện lớn như Công bố Bảng xếp hạng các doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2019, Hội nghị thượng đỉnh châu Á (ASIA Business Summit); Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc; Hội nghị toàn quốc về doanh nghiệp phát triển bền vững....

Thạch Huê