|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ tịch VCCI: 54% doanh nghiệp vẫn phải trả phí bôi trơn

12:08 | 28/03/2019
Chia sẻ
58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu, 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.
Chủ tịch VCCI: 54% doanh nghiệp vẫn phải trả phí bôi trơn - Ảnh 1.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

Thông tin này được ông Lộc đưa ra trong phát biểu tại lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 do VCCI tổ chức sáng 28/3 tại Hà Nội.

Doanh nghiệp nhà nước vẫn được ưu ái hơn 

Được thực hiện năm thứ 14 liên tiếp, báo cáo PCI 2018 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 20 địa phương của Việt Nam.

Theo Chủ tịch VCCI, PCI 2018 đã có những cải thiện đáng kể so với những năm trước đây. Tỉnh trung vị đã đạt điểm số PCI 61,76 điểm, cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, kể từ khi bắt đầu tiến hành PCI.

Điểm trung vị tăng lên và xu hướng hội tụ điểm số PCI giữa các các tỉnh, thành phố đi sau với các tỉnh, thành phố dẫn đầu đã cho thấy sức lan toả và bao trùm hơn trong nỗ lực cải cách và nâng cao năng lực điều hành kinh tế ở các địa phương. Dàn nhạc cải cách ở các địa phương đã đồng thanh, đồng điệu hơn, ông Lộc nhận xét.

Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh các xu hướng nổi bật đáng mừng của năm 2018 là: chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước. Môi trường kinh doanh cũng trở nên bình đẳng hơn. Việc ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp tư nhân trong nước đã giảm đáng kể. Các cấp chính quyền tỉnh nhìn chung đã trở nên năng động và sáng tạo hơn. Cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến.

Đặc biệt việc thanh tra, kiểm tra trùng lặp đã giảm đáng kể so với mấy năm trước. Đó là các tín hiệu cho thấy các nỗ lực cải cách hành chính và chống tham nhũng đã phát huy tác dụng.

Qua điều tra PCI, Chủ tịch VCCI cho biết, mức độ lạc quan và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh vẫn được duy trì ở mức tương đối cao. 49,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh. 42,4% doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì quy mô hiện tại. Chỉ có 8,3% dự kiến giảm quy mô sản xuất kinh doanh hoặc đóng cửa (riêng đối với FDI thì tỷ lệ có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh cao hơn đạt tới 56%).

Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, bức tranh tổng thể của môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại. Chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu. 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn.

"Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn nhưng vẫn còn không ít gập ghềnh. Vẫn có tới 40% doanh nghiệp cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và FDI hơn các doanh nghiệp tư nhân", ông Lộc nói.

Những quan ngại tiếp theo được Chủ tịch VCCI kể đến là việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng. Có tới trên dưới 30% doanh nghiệp cho biết gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và các giấy phép phù hợp với tiêu chuẩn và các giấy tờ quy định khác.

Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải. Tính minh bạch, cũng theo phản ánh của doanh nghiệp còn ít được cải thiện. Chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa cao.

Các doanh nghiệp dân doanh nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ đang rất khó khăn. Để tiếp tục phát triển khu vực kinh tế tư nhân, việc khắc phục những điểm nghẽn thể chế và chính sách nêu trên vẫn cần là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ và cơ quan chính quyền các cấp, Chủ tịch VCCI nêu quan điểm.

Lo sự chững lại của những ngôi sao cải cách 

Điểm qua các vị trí trong bảng xếp hạng, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, đã có những tín hiệu rất tích cực từ Hà Nội khi lần đầu tiên lọt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành và sự thông thoáng của môi trường kinh doanh.

"Đây là thứ hạng cao nhất mà Hà Nội có được từ trước đến nay, đã đưa Hà Nội vượt khỏi nỗi ám ảnh "Hà Nội không vội được đâu" để tiến lên phía trước, là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế của cả nước và hướng tới một tầm nhìn trở thành một Thành phố có năng lực cạnh tranh hàng đầu trong ASEAN trong thời gian tới", ông Lộc bình luận.

Nói nhiều về những điểm sáng, song Chủ tịch VCCI cũng bày tỏ lo âu khi chỉ số PCI mấy năm qua, đã cho thấy sự chững lại của các ngôi sao cải cách và sự gian nan của những nỗ lực bứt phá, đột phá của nhóm dẫn đầu.

Điểm số PCI của các nhà vô địch vẫn chỉ mới qua ngưỡng 70/100 điểm kỳ vọng. Điều này, theo Chủ tịch VCCI cho thấy một mặt dư địa cải cách vẫn còn nhiều, mặt khác cũng cho thấy những khâu, những việc cải cách dễ dàng các tỉnh, thành phố đều đã triển khai và bây giờ đụng đến những khâu, những việc khó khăn hơn, thậm chí là cốt lõi cần phải được tháo gỡ từ trần thể chế, từ cấp trung ương, từ các bộ ngành.

Vì vậy, đẩy mạnh xã hội hoá, đẩy mạnh phân cấp, thực hiện định hướng các bộ ngành tập trung làm thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế để tiếp tục mở đường cho những nỗ lực cải cách ở cấp địa phương và cơ sở đang là một nhu cầu cấp thiết đặt ra cho làn sóng cải cách lần thứ 2 trong nền kinh tế Việt Nam, theo Chủ tịch Vũ Tiến Lộc.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hà Vũ

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.