|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vay tiêu dùng thiết yếu, khách hàng không cần có phương án sử dụng vốn

16:19 | 24/07/2023
Chia sẻ
Theo Thông tư 06 áp dụng từ ngày 1/9, khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng thiết yếu, mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình sẽ không cần phải có phương án, dự án.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 06 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2023. Tại thông tư này, NHNN đã có những quy định nhằm hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động cho vay tiêu dùng.

Cụ thể, NHNN quy định đối với nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng thiết yếu, mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình (ví dụ như: vay mua ô tô, mua trang thiết bị tiêu dùng,...), khách hàng không cần phải có phương án, dự án. 

Khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin về nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian sử dụng vốn, và nguồn trả nợ của khách hàng, mà không cần phải xây dựng phương án, dự án cụ thể phục vụ nhu cầu đời sống.  

Đối với những nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống như mua nhà ở, xây dựng, cải tạo nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở có giá trị lớn, khách hàng mới cần bổ sung phương án, dự án trong hồ sơ đề nghị vay vốn. 

Theo Thông tư 6, khách hàng vay mua ô tô không cần có phương án, dự án. (Ảnh: Toyota).

NHNN cũng bổ sung quy định cho phép TCTD xem xét, cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác (hay được gọi là tái tài trợ) với mục đích phục vụ nhu cầu đời sống. Theo Thông tư 39, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống. 

Việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại TCTD khách áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các vốn tín dụng ngân hàng, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các TCTD khác.

Bên cạnh đó, TCTD cũng sẽ được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm. 

Ngoài những quy định trên, Thông tư 06 bổ sung thêm một mục riêng quy định cụ thể hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD. 

Trong Thông tư, NHNN cho phép TCTD triển khai eKYC (xác thực điện tử) khách hàng vay vốn dựa trên việc khai thác dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc bởi tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật. 

Thông tư 06 cũng cho phép triển khai eKYC dựa trên việc khai thác thông tin đã được eKYC bởi TCTD khác (tương tự eKYC mở tài khoản thanh toán). 

Thực tế, trong thời gian qua, các TCTD đã triển khai ứng dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay, chú trọng phát triển và hoàn thiện các giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ hoặc thay thế các khâu tác nghiệp thủ công. 

Ví dụ, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ứng dụng phương tiện điện tử từ việc tiếp nhận nhu cầu vay vốn đến khởi tạo, thực hiện và quản lý khoản vay. 

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) đã triển khai hệ thống CLOS hỗ trợ phê duyệt khởi tạo khoản vay khách hàng bán buôn, hệ thống RLOS hỗ trợ phê duyệt khởi tạo khoản vay của khách hàng bán lẻ.

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) đã cho phép cho vay cầm cố sổ tiết kiệm theo hình thức trực tuyến, từ đề nghị cho tới giải ngân thông qua ứng dụng. 

Đối với mảng cho vay mua bất động sản nhà dự án, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) đã phát triển và áp dụng một số khâu trong quy trình cấp tín dụng trên nền hệ thống IDC (Intelligence Decision Computing), bao gồm cả công tác thẩm định và phê duyệt tín dụng. 

Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đã triển khai các dịch vụ cho vay thấu chi đối với KH doanh nghiệp trực tuyến, giải ngân hạn mức trực tuyến; ứng dụng cho phép khách hàng cá nhân vay mua xe ngay tại đại lý ô tô và biết kết quả phê duyệt sau 5 phút.

Minh Quang