Phó Chủ tịch VNBA: Hiện doanh nghiệp nào đủ điều kiện sẽ được vay với lãi suất rất thấp, chỉ 4-5% cũng có
Bàn về vấn đề Diễn đàn "Phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng 19/7, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp rất khó khăn, bao gồm cả các ngân hàng.
Trong nửa đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng huy động vốn chỉ tăng trưởng 4%, tăng trưởng tín dụng hơn chỉ 4,7%, thấp nhất trong 13 năm qua. Lãi suất điều hành đã giảm 4 lần trong khi Fed vẫn tiếp tục tăng lãi suất.
Trải qua hai năm COVID-19 kéo dài cộng với sau đó là hệ quả như suy giảm kinh tế thế giới, nhu cầu giảm sút khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng khủng khiếp, nguồn lực không còn. Chính vì vậy, phần lớn các doanh nghiệp hiện không đủ điều kiện được vay vốn ngân hàng.
"Vừa rồi chúng tôi đã tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất để làm sao hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhưng liệu chỉ giảm lãi suất thì có phải là vấn đề cốt lõi hay không?", ông Hùng đặt vấn đề.
Theo ông, thị trường vốn hiện nay chủ yếu dựa vào vốn tín dụng do thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì khó khăn, bất động sản trầm lắng. Niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, phải làm sao có cơ chế chính sách để thúc đẩy thị trường vốn, giảm áp lực cho nguồn vốn của ngân hàng.
Vốn của ngân hàng là vốn bổ sung, lưu động chứ không phải vốn đầu tư trung và dài hạn, cần trả đúng từng nguồn vốn về với vị trí và vai trò của nó, ông Hùng cho hay.
Một vấn đề quan trọng là điều kiện vay vốn của các doanh nghiệp, trong khi NHNN liên tiếp hạ lãi suất, các ngân hàng thương mại cũng rất tích cực trong việc cắt giảm chi phí để giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chỉ một số ít doanh nghiệp đủ điều kiện thì giờ có thể vay vốn với lãi suất rất thấp chỉ 4-5% cũng có thể tiếp cận vốn. Còn lại hầu hết doanh nghiệp không đủ điều kiện về tài sản đảm bảo, kinh doanh thua lỗ, không quản lý được dòng tiền vì vậy cũng rất khó cho hệ thống ngân hàng vì nếu không đảm bảo điều kiện thì dựa vào đâu để cho vay tiếp.
Có đại biểu nói rằng bây giờ phải xem xét linh hoạt điều kiện cho vay tín dụng nhưng để làm được thì cần sửa Luật. Chưa kể vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng của các tổ chức tín dụng, không thể hạ chuẩn để cho vay, ông Hùng nhìn nhận.
Trong bối cảnh đó, Phó Chủ tịch VNBA kiến nghị, NHNN cần xem xét rà soát lại những chính sách, gói hỗ trợ cần thiết thì xem xét kéo dài thêm nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện thực tiễn, hoàn cảnh. Nếu muốn tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp thì phải nhìn từ thực trạng của doanh nghiệp.
Đồng thời, phải kiến nghị với Chính phủ về giảm chi phí, cải cách thể chế, Các bộ ngành cần có đánh giá toàn diện về những khó khăn của nền kinh tế. Những vướng mắc, rào cản vượt thẩm quyền của Chính phủ thì cần báo cáo Quốc hội để ban hành Nghị quyết.
"Giai đoạn hiện nay thậm chí khó khăn hơn cả thời kỳ COVID-19 thì cần những hỗ trợ, tháo gỡ hơn cả thời COVID-19. Chỉ khi có hành lang pháp lý thì các bộ, ngành, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại thì mới có cơ sở tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn", ông Hùng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch VNBA nêu ví dụ, với thị trường bất động sản, một dự án muốn bán ra thị trường thì phải đảm bảo các yếu tố pháp lý, ngân hàng muốn cho doanh nghiệp vay vốn thì cũng phải đáp ứng đủ điều kiện, nếu dự án không được tháo gỡ vấn đề pháp lý, không bán ra thị trường được khiến ngân hàng chịu nợ xấu thì ai sẽ chịu trách nhiệm?